KHÁI QUÁT LỊCH SỬ, XÃ HỘI
VÀ HOÀN CẢNH ĐỊA LÍ ĐỜI KIM
Triều Kim 金là vương triều do tộc thống trị là Nữ Chân 女真 kiến lập vào đầu thế kỉ thứ 12. Tổ tiên của tộc Nữ Chân có thể truy ngược đến tộc Túc Thận 肃慎 thời Tiên Tần. Túc Thận còn gọi là “Tức Thận” 息慎, “Tắc Thận” 稷慎, là dân tộc cổ xưa nhất ở khu vực đông bắc được thấy ghi chép trong sử sách. Hậu duệ của Túc Thận vào thời lưỡng Hán gọi là “Ấp Lâu” 挹娄, thời Bắc Ngụy gọi là “Vật Cát” 勿吉, thời Tùy Đường gọi là “Mạt Hạt” 靺鞨. Trong đó Túc Mạt 粟末 và Hắc Thủy 黑水 là 2 bộ mạnh nhất. Năm 698, nước Bột Hải 渤海được kiến lập với Túc Mạt Mạt Hạt 粟末靺鞨 là chủ thể, năm 926 bị Liêu diệt.
Nữ Chân là tộc được phát triển từ tộc Hắc Thủy Mạt Hạt黑水靺鞨, vốn tên là Chu Lí Chân 朱理真, nói nhầm thành “Nữ Chân”, hoặc xưng là “Lự Chân” 虑真. Thời Liêu Đạo Tông 辽道宗 do tị húy Hưng Tông Da Luật Tông Chân 耶律宗真 nên lại gọi là “Nữ Trực” 女直. Thời Ngũ đại, Khất Đan 契丹 chiếm hết đất đai của Bột Hải nên tộc Hắc Thủy Mạt Hạt quy phụ vào Khất Đan. Nữ Chân ở phía nam nhập vào hộ tịch Khất Đan, hiệu là Thục Nữ Chân 熟女真; còn ở phía bắc không nhập vào hộ tịch Khất Đan, hiệu là Sinh Nữ Chân 生女真. Từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 12, liên minh bộ lạc Hoàn Nhan 完颜 của Sinh Nữ Chân không ngừng lớn mạnh, xã hội Nữ Chân đã đạt đến giai đoạn lịch sử từ xã hội nguyên thủy hướng đến quá độ xã hội có giai cấp.
Đầu thế kỉ thứ 12, do bởi nhu cầu tự thân phát triển của xã hội Nữ Chân và Nữ Chân không chịu được sự áp bức thống trị của người Khất Đan, A Cốt Đả 阿骨打 đã vén bức màn đấu tranh chống Liêu. Tháng 9 năm thứ 4 niên hiệu Thiên Khánh 天庆 (năm 1114), tấn công châu Ninh Giang 宁江(nay là Tiểu Thành Tử 小城子 phía đông nam huyện Phù Dư 扶余 tỉnh Cát Lâm 吉林), tháng 10 chiếm được thành châu Ninh Giang. Tháng 11, đại chiến cùng quân Liêu ở Xuất Hà Điếm 出河店 (nay là phía tây nam huyện Triệu Nguyên 肇源tỉnh Hắc Long Giang 黑龙江) và đã giành được thắng lợi to lớn. Năm thứ 5 niên hiệu Thiên Khánh, tại A Thành 阿城 phía đông nam Cáp Nhĩ Tân 哈尔滨 tỉnh Hắc Long Giang, A Cốt Đả xưng đế, đó là Kim Thái Tổ, đặt quốc hiệu là Đại Kim 大金, kiến nguyên là Thu Quốc 收国.
Sau khi A Cốt Đả lập quốc, tiếp tục tấn công các lộ của triều Liêu, đánh chiếm trọng trấn là phủ Hoàng Long 黄龙 (nay là huyện Nông An 农安 tỉnh Cát Lâm 吉林). Năm Thiên Hội 天会 thứ 3 đời Kim Thái Tông (1125), bắt được Thiên Tộ Đế 天祚帝, triều Liêu bị diệt vong.
Sau khi diệt Liêu, triều Kim tập trung binh lực tấn công triều Tống. Năm Thiên Hội thứ 5 (năm thứ 2 niên hiệu Tĩnh Khang 靖康 triều Tống tức năm 1127), bắt Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông cùng Hoàng hậu, chư vương, vương phi, đế cơ, quận vương, quốc công đưa tất cả về bắc, lập Trương Bang Xương 张邦昌 làm đế, đặt quốc hiệu là Sở 楚, đây là chính quyền thay mặt triều Kim ở trung nguyên. Sau khi Bắc Tống bị diệt vong, người con thứ 9 của Tống Huy Tông là Khang vương Triệu Cấu 赵构 đã lập lại chính quyền triều Tống họ Triệu ở Ứng Thiên 应天, sử gọi là Nam Tống. Năm Thiên Hội thứ 8 (năm 1130), triều Kim lại lập Lưu Dự 刘豫 làm Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Tề 齐, đóng đô ở phủ Đại Danh 大名 (nay là huyện Đại Danh 大名 tỉnh Hà Bắc 河北), sau dời đến Khai Phong 开封.
Kim Hi Tông Hoàn Nhan Đản 完颜亶 từ nhỏ đã tiếp nhận văn hóa Hán tộc, đồng thời theo chế độ Đường Tống, thực hành cải cách. Cuối thời Hi Tông, mâu thuẫn giữa thế lực cũ và mới của nội bộ tập đoàn thống trị trở nên kịch liệt. Năm Hoàng Thống 皇统 thứ 9 (năm 1149), Hoàn Nhan Lượng 完颜亮 phát động chính biến cung đình, đoạt lấy ngôi vua, cải nguyên Thiên Đức 天德, đó là Hải Lăng Vương 海陵王.
Hải Lăng Vương sau khi lên ngôi, năm Trinh Nguyên 贞元 thứ 1 (năm 1153) đã đưa kinh đô từ đất phát tích của Nữ Chân dời đến Yên kinh 燕京 (nay là Bắc Kinh 北京), đổi tên là Trung Đô 中都. Để phát động chiến tranh với Nam Tống, tháng 6 năm Chính Long 正隆 thứ 6 (năm 1161), dời đô đến Nam kinh Khai Phong, tháng 9 thống lĩnh quân binh đánh Tống. Tháng 10, các bộ hạ theo Hải Lăng Vương xâm chiếm phương nam bỏ trốn, chạy đến phủ Liêu Dương 辽阳 ở Đông Kinh (nay là Liêu Dương 辽阳 Liêu Ninh 辽宁) lập Lưu thủ Đông Kinh là Hoàn Nhan Ung 完颜雍làm đế, cải nguyên Đại Định 大定, đó là Kim Thế Tông.
Kim Thế Tông trị vì, ổn định lại cục diện chính trị, phát triển kinh tế, nghị hòa với Tống, chỉnh đốn quan lại, triều Kim xuất hiện cục diện “tiểu khang” (1) “quần thần thủ chức, thượng hạ tương an, gia cấp nhân túc, thương lẫm hữu dư” 群臣守职, 上下相安, 家给人足, 仓廪有余 (bề tôi ai nấy đều giữ đúng chức phận của mình, trên dưới yên ổn, nhà nhà sung túc người người no đủ, kho lẫm dư dả).
Người kế thừa Kim Chương Tông là Hoàn Nhan Cảnh 完颜璟 sau khi lên ngôi đã nối theo Thế Tông thi hành các biện pháp chính trị ở nhiều phương diện, đạt được hiệu quả nhất định. Thời Chương Tông, chế độ chính trị triều Kim càng hoàn thiện, văn hóa Hán được truyền bá rộng rãi, kinh tế xã hội đạt được sự phát triển tương đối lớn. Hai triều Thế Tông và Chương Tông là thời kì đỉnh thịnh của xã hội đời Kim. Cuối thời Chương Tông, trong cuộc chiến tranh chống lại phương bắc và triều Nam Tống đã tiêu hao nhiều nhân lực vật lực, một số tệ chính của Chương Tông, lại thêm mâu thuẫn của nội bộ xã hội, triều Kim bắt đầu suy yếu.
Thời Chương Tông, dưới sự lớn mạnh không ngừng của Mông Cổ phương bắc, năm Trinh Hựu 贞祐 thứ 2 (năm 1214) dời xuống phương nam. Sau khi dời xuống phương nam, chính trị ngày càng hủ bại, thế nước ngày càng suy nhược. Tuyên Tông tuy có chí lo trị nước an dân, nhưng lại sai lầm “Nam khai Tống hấn,
tây khải Hạ vũ” 南开宋衅, 西启夏侮 (phía nam gây hấn với nhà Tống, phía tây coi thường nhà Hạ) làm phân tán binh lực, “công bất bổ hoạn” 功不补患 (công lao bỏ ra không bù đắp được nỗi lo) (2). Sự diệt vong của triều Kim đã định.
Đến thời Ai Tông, vương triều Kim càng sa sút. Năm Thiên Hưng 天兴 thứ 3 (năm 1234), Tống Mông liên hợp, triều Kim bị tiêu diệt.
Triều Kim từ khi lập quốc đến lúc diệt vong đã trải qua 9 đời vua, tồn tại 120 năm.
Dân tộc đời Kim, ngoài tộc Nữ Chân ra, còn có Khất Đan 契丹, Hề 奚, Bột Hải 渤海, và người Hán.
Cương vực triều Kim vào thời kì mạnh nhất phía bắc đến ngoài dãy Hưng An 兴安, phía nam tiếp giới với Tống (tây bắt đầu từ ải Đại tán 大散, đông chạy dọc theo sông Hoài 淮), phía đông đến biển, phía tây giáp giới Tây Hạ, bản đồ lớn gấp 2 lần Nam Tống.
Cương vực triều Kim rộng lớn có các loại địa hình địa mạo như núi, bình nguyên, sông cùng bờ biển dài. Rừng nguyên thủy ở vùng núi và sông ngòi là địa điểm tốt nhất để người Nữ Chân săn bắt đánh cá; thảo nguyên mênh mông là điều kiện thuận lợi để họ cày cấy và chăn nuôi.
Lịch sử, xã hội cùng hoàn cảnh địa lí đời Kim đã ảnh hưởng và chế ước việc hình thành và phát triển phong tục của họ.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Kim sử 金史, quyển 8 Thế Tông kỉ hạ 世宗纪下.
(2)- Kim sử 金史, quyển 7 Ai Tông kỉ thượng 哀宗纪上
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
KIM ĐẠI LỊCH SỬ, XÃ HỘI DỮ ĐỊA LÍ HOÀN CẢNH KHÁI HUỐNG
金代历史, 社会与地理环境概况
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
LIÊU KIM TÂY HẠ QUYỂN
中国风俗通史
辽金西夏卷
Tác giả: Tống Đức Kim 宋德金, Sử Kim Ba 史金波
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã – 2001.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét