NGHI THỨC CẦU MƯA CỦA HOÀNG ĐẾ
Các vị Hoàng đế triều Thanh tương đối coi trọng sản xuất nông nghiệp. Ung Chính 雍正 từng chỉ ra rằng:
Trẫm quan tứ dân chi nghiệp, nông vi tối quý, phàm sĩ, nông, công, cổ, giai lại thực vu nông.
朕观四民之业, 农为最贵, 凡士, 农, 工, 贾, 皆赖食于农.
(Trẫm xem nghề nghiệp của tứ dân thì nghề nông là cao quý nhất. Phàm sĩ, nông, công, cổ, cái ăn đều dựa vào nghề nông)
Nhưng vào đời Thanh lấy kinh tế tự nhiên làm chính, tính ỷ lại của sản xuất nông nghiệp đối với giới tự nhiên rất lớn, trong đó, mưa nhiều hay không, đều có mối quan hệ trực tiếp đến kết quả thu hoạch. Cho nên mỗi khi gặp hạn hán, việc thu hoạch vô vọng thì cầu mưa trở thành một hoạt động chính trị cực kì quan trọng mang màu sắc mê tín mà giai cấp thống trị nhà Thanh không thể xem thường.
Lễ cầu mưa được gọi là “Thường vu” 常雩, “Đại vu” 大雩, về phương diện này vào thời Xuân Thu đã có ghi chép. Nghi lễ cầu mưa đời Thanh được định vào năm Càn Long thứ 7, mỗi năm vào tháng Mạnh Hạ chọn ngày cử hành lễ Thường vu ở Viên khâu 圜丘 (Thiên đàn 天坛). Nếu sau Thường vu mà vẫn không mưa, Hoàng đế sẽ sai các quan lần lượt cầu đảo Thiên thần, Địa thần cùng Thái tuế. Sau 7 ngày mà vẫn không mưa thì lại tế cáo đàn Xã tắc, qua 7 ngày nữa vẫn không mưa, sẽ tế cáo lại Thiên thần, Địa thần, Thái tuế. Như vậy qua 3 lần cầu đảo mà vẫn không mưa, lúc đó sẽ cử hành lễ Đại vu.
Lễ cầu mưa tuy định vào thời Càn Long nhưng hoạt động cầu mưa vào thời Thuận Tri, Khang Hi đã nhiều lần thực hiện. Khang Hi lúc về già từng đắc ý nói với bề tôi rằng:
Kinh sư sơ hạ, mỗi thiểu vũ trạch, trẫm lâm ngự 57 niên, ước hữu 50 niên kì vũ, mỗi chí thu thành, giai phong nhẫm.
京师初夏, 每少雨泽, 朕临御 57 年, 约有 50 年祈雨, 每至秋成, 皆丰稔
(Kinh sư vào đầu mùa hạ, mỗi khi thiếu mưa, trẫm trị vì 57 năm mà đã có khoảng 50 năm cử hành lễ cầu mưa, vào mùa thu thu hoạch đều được mùa)
Khang Hi đã đem việc trời đổ mưa quy về công cầu mưa của mình.
Lễ cầu mưa thuộc về hàng đại tự 大祀của nhà Thanh, vô cùng long trọng. Mỗi khi đến kì cầu mưa, các cơ quan có liên quan cần tiến hành chuẩn bị, không được để sơ sót. Đầu tiên, phải chọn các tế phẩm như trâu, dê, heo. Trong Đại Thanh hội điển 大清会典 ghi rằng:
Đàn miếu bị kì hi ngưu, phát ngạch 360, do Thuận Thiên phủ sức thuộc phân biệt thái cấu.
坛庙备其牺牛, 发额 360, 由顺天府饬属分别采购.
(Đàn miếu chuẩn bị trâu dùng cho lễ tế, định ngạch là 360 con, do phủ Thuận Thiên sức cho cấp dưới chọn mua)
Do bởi hoạt động cầu mưa được cử hành vào mùa hạ hàng năm, thời tiết oi bức, tế phẩm khó bảo quản để không bị biến chất, nên cần phải có một số lượng lớn nước đá. Vấn đề vệ sinh ở Thiên đàn và các nơi phụ cận cũng không được xem thường, nhân viên phủ Nội vụ phải dọn dẹp sạch sẽ các nơi.
Ngày cầu mưa đến gần, trong cung ngoài cung, người trên kẻ dưới đều bận rộn. Trước ngày tế 10 ngày, đại thần các bộ mỗi ngày đều đích thân đến Thiên đàn, đốc thúc thuộc hạ diễn tập các nghi thức. Các loại nhạc vũ tế Thần phải diễn tập. Nhạc vũ cầu mưa gọi là vũ “bát dật” 八佾, do 64 văn vũ sinh và 64 võ vũ sinh tổ thành, dụng cụ vũ đạo có tiết 节, tinh 旌, can 干, thích 戚, thược 籥, vũ 羽… còn có các loại nhạc khí tấu nhạc như chung 钟, khánh 磬, cầm 琴, sắt 瑟, tiêu 箫, sinh 笙. Khi luyện tập, Hoàng đế đích thân đến hoặc phái người đến quan sát, để kịp thời chỉ ra những sai sót, nhanh chóng sửa đổi.
Trước ngày tế 2 ngày, làm lễ “tể sinh” 宰牲 (giết con sinh dùng trong lễ tế). Điển lễ cầu mưa dùng trâu, dê, heo nguyên con, cho nên tể sinh không dùng dao mà dùng cây vồ dài 1 xích, đường kính 4 thốn, cán dài 4 xích làm công cụ để giết. Dùng cây vồ nện mạnh 3 cái vào khoảng giữa 2 chân mày của con vật, sau khi con sinh chết, dùng nước rửa sạch, lấy hết nội tạng con vật ra, và Thần trù 神厨 chế biến thành tế phẩm.
Việc sắp đặt tế phẩm quy định rất nghiêm ngặt, có 3 cấp: chính vị, phối vị và tùng vị. Thần án trước 3 cấp đặt từ 36 đến 43 loại khí cụ như: tước 爵, đăng 登, phủ 簠, quỹ 簋 … dùng để đựng rượu, canh, thịt, rau, lương, quả và trên chiếc trở đặt “toàn sinh” 全牲 tức trâu, dê, heo. Chính vị là bài vị Hoàng Thiên Thượng Đế; phối vị là bài vị tổ tiên của Hoàng đế; tùng vị là bài vị của chư thần: nhật, nguyệt, tinh thần, vũ, phong, lôi … Tế phẩm do Thần trù chế biến xong được đưa đến sắp đặt ngay ngắn ở Thần khố 神库, gọi là “triển sinh” 展牲, trước ngày tế 1 ngày, Hoàng đế làm lễ “tỉnh sinh” 省牲.
Tỉnh sinh là nghi thức cuối cùng trước khi tế. Ngày hôm đó, Hoàng đế sau khi duyệt qua chúc bản ở điện Thái Hòa 太和, ngồi kiệu thống lĩnh văn võ bách quan đến Thiên đàn. Đoàn ngựa đi đầu mở đường, lỗ bộ nghi trượng làm tiền đạo, vũ lâm quân, bộ quân hộ vệ bốn phía. Dọc đường đi đắp đất vàng dùng nước sạch vẩy cho khỏi bụi, đồng thời dùng màn xanh che các ngõ để những người không kịp tránh quỳ nơi đó, đợi Hoàng đế và đại đội người ngựa qua khỏi mới được đứng dậy. Sau khi loan giá đến Thiên đàn, tiến vào phía tây Thần lộ ngoài cửa Chiêu Hanh 昭亨 xuống kiệu. Tiến vào cửa Chiêu Hanh, qua bên trái Linh tinh môn, bước vào Hoàng khung vũ 皇穹宇. Hoàng đế trước án làm lễ tam quỵ cửu khấu, đốt hương cầu đảo. Sau đó, Hoàng đế đến Thần khố duyệt qua con sinh cùng các tế phẩm. Tán dẫn quan 赞引官 (vị quan hướng dẫn) lần lượt giới thiệu tế phẩm của chính vị, phối vị và tùng vị. Duyệt xong, rời Thần khố đến Thiên đàn, sau xem qua một lượt trở về trai cung trai giới.
Theo quy định của triều Thanh, trước ngày tế 1 ngày, Hoàng đế nhập trai cung trai giới. Sáng sớm ngày hôm sau, quan viên Thái thường thị và Khâm thiên giám vào cửa bắc của trai cung, đem thẻ bài báo giờ để trước chính điện của trai cung để báo giờ, viên thái giám chuyên lo việc thẻ bài báo giờ đem giao cho thủ lĩnh thái giám để tâu lên Hoàng đế, thỉnh giá ra đàn. Khi Hoàng đế khởi giá, đánh thái bình chung.
Hoàng đế rời trai cung dưới sự hộ vệ của thống lĩnh cùng thị vệ hộ tùng, lỗ bộ, nghi trượng, đèn dẫn đường, lư hương dẫn đường đi trước, tiến vào bên trái cửa Chiêu Hanh, đến phía tây Thần lộ bên ngoài Linh tinh môn xuống kiệu, tại Cụ phục đài 具服台thay triều phục mặc vào tế phục, sau khi rửa tay rửa mặt, nghỉ ngơi một lát, Hoàng Đế lên đàn, nghi thức cầu mưa bắt đầu.
- Điển nghi quan 典仪官(vị quan lo về nghi thức tế lễ) xướng “Phần sài nghinh Đế Thần” 燔柴迎帝神, lúc bấy giờ phía đông nam nổi lửa lên, phía tây nam treo đèn lên, đội nhạc tấu khúc “Thủy bình chi chương” 始平之章. Đội múa bát dật múa trong tiếng nhạc. Tán dẫn quan cung kính hướng dẫn Hoàng đế thắp 3 cây hương ở Thần vị, làm lễ tam quỵ cửu khấu. Lễ xong về lại vị trí cũ.
- Điển nghi quan xướng: “Điện ngọc bạch” 奠玉帛 (ngọc và lụa), đội nhạc tấu khúc “Cảnh bình chi chương” 景平之章. Ngọc và bạch được để trong vật làm bằng tre, do vị quan lo về ngọc bạch dâng lên. Tán dẫn quan cung kính hướng dẫn Hoàng đế làm lễ hiến ngọc bạch, lễ xong về lại vị trí.
- Điển nghi quan xướng: “Tiến trở” 进俎, đội nhạc tấu khúc “Hàm bình chi chương” 咸平之章. Tán dẫn quan đưa Hoàng đế đến Thần vị làm lễ dâng trở. Tư trở quan 司俎官 (vị quan lo việc dâng con sinh) sẽ rưới nước thịt lên con sinh đang đặt trên tấm trở . Lễ xong Hoàng đế về lại vị trí.
- Điển nghi quan xướng: “Sơ hiến” 初献, đội nhạc tấu khúc “Thọ bình chi chương” 寿平之章. Tán dẫn quan đưa Hoàng đế chính vị phối vị làm lễ Sơ hiến, sau khi Tư tước quan 司爵官 (vị quan lo việc dâng rượu) dâng tước (rót rượu), Hoàng đế trở về vị trí.
Sau đó Điển nghi quan xướng “độc chúc” 读祝, Độc chúc quan sẽ đọc chúc văn trước án; xướng “Á hiến” 亚献, đội nhạc tấu khúc “Gia bình chi chương” 嘉平之章; xướng “Chung hiến” 终献, đội nhạc tấu khúc “Vĩnh bình chi chương” 永平之章, nghi lễ như trước.
- Điển nghi quan xướng: “Thụ phúc tộ” 受福祚. Tán dẫn quan đưa Hoàng đế đến trước chính vị, Quang lộc tự và Đường quan 2 người dâng rượu tế, thịt tế lên Hoàng đế, Hoàng đế nhận lấy, uống xong về lại vị trí.
- Điển nghi quan xướng: “Triệt soạn” 撤馔, đội nhạc tấu khúc “Hi bình chi chương” 熙平之章. Tán dẫn quan đưa Hoàng đế đến vị trí “Vọng liệu” 望燎. Phụng tự quan 奉祀官, Phụng bạch quan 奉帛官, Phụng soạn quan 奉馔官, Phụng hương quan 奉香官 đem chúc bản, tơ lụa, thức ăn đã tế, và hương đưa đến lò thiêu dùng để thiêu đốt. Lại đem lông và huyết của trâu dê heo chôn ở “ế khảm” 瘗坎 bên cạnh lò phần sài; đem tế phẩm ở phối vị đưa đi thiêu ở lò thiết.
Cuối cùng Điển nghi quan xướng “Tống Đế Thần” 送帝神, đội nhạc tấu khúc “Thái bình chi chương” 太平之章. Tán dẫn quan đưa Hoàng đế ra từ bên trái Linh tinh môn qua bên trái cửa Chiêu Hanh, đến Cụ phục đài thay áo, rửa ráy nghỉ ngơi, sau đó lên kiệu rời khỏi đàn, giá về cung. Đến đây, nghi thức cầu mưa phức tạp dị thường kết thúc.
Khi cầu mưa phải thành tâm, Khang Hi 康熙 từng nói rằng:
Tích niên nhân đại hạn, trẫm vu cung trung thiết đàn kì đảo, trường quỵ tam trú dạ, nhật duy đạm thực, bất ngự diêm tương, chí đệ tứ nhật, bộ nghệ Thiên đàn ki đảo, phong vân hốt tác, đại vũ như chú, bộ hành hồi cung, thuỷ mãn vũ ngoa, y tận triêm thấp. Hậu các tỉnh nhân chí, thuỷ tri thị nhật vũ biến thiên hạ. Trẫm tự vị tinh thành sở cảm, khả dí thướng yêu thiên giám.
昔年因 大旱,朕于宫中设坛祈祷, 长跪三昼夜, 日惟淡食, 不御盐酱, 至第四日, 步诣天坛祈祷, 风云忽作, 大雨如注, 步行回宫, 水满雨靴, 衣尽沾湿. 后各省人至, 始知是日雨遍天. 下朕自谓精诚所感, 可以上邀天鉴.
(Năm xưa đại hạn, trẫm lập đàn cầu mưa ở trong cung, quỳ suốt 3 ngày đêm, chỉ ăn đạm bạc, không dùng diêm tương, đến ngày thứ 4, đi bộ đến Thiên đàn cầu đảo, gió mây chợt kéo đến, mưa như trút nước, đi bộ về lại cung, nước đầy cả giày, áo cũng ướt sạch. Sau người ở các tỉnh tới, mới biết hôm đó mưa khắp thiên hạ. Trẫm tự cho rằng lòng thành đã cảm động đến trời, trời đã chứng giám)
Cho nên, các vị Hoàng đế triều Thanh trong quá trình cầu mưa đã xem nhẹ cương vị của mình, tuyệt đối không tha thứ những đại thần làm qua loa công việc.
Sau khi cầu đảo, nếu trời cao chứng giám sẽ ban mưa lớn, phải tiến hành nghi thức “tạ vũ” 谢雨. Nếu mưa to liên tiếp không dứt cũng phải làm lễ “kì tình” 祈晴 (cầu mưa tạnh), sau khi mưa tạnh phải làm lễ “tạ tình” 谢晴. Nếu sau khi “tạ tình” mà trời vẫn mưa to không dứt, thì triều đình dùng biện pháp gì cũng không biết được.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
HOÀNG ĐẾ KÌ VŨ NGHI THỨC
皇帝祈雨仪式
Tác giả: Tào Liên Minh 曹连明
Trong quyển
CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U
宫规礼俗探幽
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc văn sử xuất bản xã – 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét