NGÔ THỪA ÂN KHÔNG THỪA HƯỞNG ĐƯỢC HOÀNG ÂN
Ngô Thừa Ân 吴承恩, tác giả bộ tiểu thuyết thần thoại nổi tiếng Tây du kí 西游记, sinh năm 1504 tại Sơn Dương 山阳 (nay là Hoài An 淮安 Giang Tô 江苏) trong một gia đình học thức. Cao tổ là Ngô Đỉnh 吴鼎, tằng tổ là Ngô Minh 吴铭, Tổ phụ là Ngô Trinh 吴贞, phụ thân là Ngô Nhuệ 吴锐 đều là người có học. Tằng tổ và tổ phụ từng làm qua chức quan nhỏ, phụ thân là một thương nhân. Do bởi “gia bần cô, thất phả điệp” 家贫孤, 失谱牒 (nhà nghèo cô độc, tộc phả bị mất), cho nên khi đặt tên không dựa theo tộc phả.
Ngô Nhuệ yêu thích hoa cúc, tự đặt tên hiệu là “Cúc Ông” 菊翁, mở một hiệu buôn vải, 40 tuổi mới sinh được con. Ngô Nhuệ đặt hết hi vọng vào người con này, mong con học tập tiến thân, bước chân vào con đường sĩ hoạn, làm vẻ vang tông tộc, vì thế đã đặt tên cho con là Thừa Ân 承恩, tức thừa hưởng được hoàng ân, tên tự là Nhữ Trung 汝忠, tức trung với Hoàng đế.
Ngô Thừa Ân từ lúc nhỏ đã thông minh, khi chưa tròn một tuổi đã có thể vẽ hình trên vách. Có một lần ông lão hàng xóm bảo vẽ con ngỗng, Ngô Thừa Ân liền vẽ con ngỗng giương cánh như muốn bay. Ông lão bảo rằng ngỗng làm sao có thể bay? Ngô Thừa Ân dùng tay chỉ lên trời, ý như muốn nói, con ngỗng mà Thừa Ân vẽ là ngỗng trời, ông lão rất kinh ngạc. Ngô Thừa Ân viết văn cũng rất hay, lúc trẻ đã nổi tiếng ở Hoài An. Người cha cũng vô cùng vui mừng vì có được người con thông minh lanh lợi, cảm thấy tương lai của con sau này có triển vọng, nhất định sẽ thừa ân mà thành tài.
Nhưng chế độ khoa cử hủ bại không thể khiến cho Ngô Thừa Ân tài năng siêu quần thừa được hoàng ân. Ông nhiều lần đi thi nhưng đều không thành công, mãi đến trung niên mới được Tuế cống sinh, hơn 60 tuổi mới làm được chức Huyện thừa. Về sau do vì không chịu được những hủ bại chốn quan trường, 2 năm sau ông liền từ quan về lại quê nhà dồn hết tâm trí sáng tác Tây du kí.
Ngô Thừa Ân tuy đường sĩ hoạn gập ghềnh, một đời ưu uất, nhưng là lại một nhà văn trường thọ, ông sống qua 5 triều Hoằng Trị 弘治, Chính Đức 正德, Gia Tĩnh 嘉靖, Long Khánh 隆庆, Vạn Lịch 万历, mất năm 1582 vì bệnh, hưởng thọ 78 tuổi.
Nhân vì huyện Sơn Dương nằm ở bờ tây của hồ Xạ Dương 射阳, đời Hán thuộc địa phận huyện Xạ Dương nên Ngô Thừa Ân đặt tên hiệu là Xạ Dương Sơn Nhân 射阳山人, nhà ở đặt tên là Xạ Dương Di 射阳簃.
Ngô Thừa Ân chỉ có một người con, tên là Ngô Phụng Mao 吴凤毛. Ông đặt cho con tên như thế là kì vọng người con sau này sẽ là một nhân tài, có được sự nghiệp, thực hiện được nguyện vọng làm vẻ vang tông tộc của ông. Đáng tiếc là Ngô Phụng Mao lại mất sớm, chưa lập gia đình đã ra đi. Ngô Thừa Ân lúc về già sống trong nghèo khổ, không có người nối dõi, nhưng với nghị lực phi thường ông đã hoàn thành sáng tác Tây du kí, để lại cho đời sau bộ tiểu thuyết thần thoại bất hủ, tên tuổi của ông nhân đó đã được lưu truyền thiên cổ.
Nhà cũ của Ngô Thừa Ân ở hẽm Đả Đồng 打铜, trấn Thành Hà Hạ 城河下 phía bắc Hoài An 淮安. Thư pháp gia nổi tiếng Thư Đồng 舒同 đã viết tấm biển treo ở cổng với 5 chữ “Ngô Thừa Ân cố cư” 吴承恩故居; học giả nổi tiếng, lãnh tụ giới Phật giáo Triệu Phác Sơ 赵朴初 đã viết tấm biển treo ở trai thất với 3 chữ “Xạ Dương Di” 射阳簃. Gian chính giữa đặt tượng Ngô Thừa Ân, tượng này do Sở nghiên cứu động vật cổ có xương sống thuộc viện Khoa học Trung Quốc và Sở nghiên cứu cổ nhân loại căn cứ vào hộp sọ Ngô Thừa Ân phục chế mà thành.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGÔ THỪA ÂN MỘT HỮU THỪA ĐẮC HOÀNG ÂN
吴承恩没有承得皇恩
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét