ĐỈNH
Đỉnh 鼎 diễn biến từ đỉnh bằng gốm ở thời đại đồ đá mới mà ra. Đầu đời Thương đã có đỉnh, trải qua các triều đại cho đến thời Nguỵ Tấn, đỉnh là vật trong số các loại thanh đồng khí được lưu hành với thời gian dài nhất. Đỉnh không chỉ là khí cụ chủ yếu dùng để nấu và đựng thức ăn, mà còn là lễ khí dùng để tế thần linh và tổ tiên, tiến thêm một bước biến thành vật tượng trưng cho đẳng cấp và vương quyền. Vì thế đỉnh là “khí hình” 器型chủ yếu nhất trong các loại lễ khí bằng đồng và cả trong các khí vật bằng đồng cổ đại của Trung Quốc, nó cũng là khí vật mang tính đại biểu quan trọng nhất. Đỉnh là hình tượng có ý nghĩa tượng trưng đặc thù của Trung Quốc cổ đại.
Một trong những nội dung quan trọng của lễ chế triều Chu là chế độ về đỉnh, lễ chế quy định thiên tử 9 đỉnh, chư hầu 7 đỉnh, khanh đại phu 5 đỉnh, sĩ 3 đỉnh. Vì vậy đỉnh là loại được chế tác với số lượng lớn nhất trong các loại lễ khí bằng đồng thời cổ, đồng thời cũng là loại mà đời sau sưu tập bảo tồn với số lượng nhiều nhất. Theo Lịch đại trứ lục cát kim mục 历代著录吉金目, đỉnh đồng thời Thương Chu mà các đời sưu tập bảo tồn được có 1291 chiếc, đây là loại có số lượng nhiều nhất trong các loại thanh đồng khí thời cổ. Sau giải phóng, khảo cổ học phát hiện cũng rất nhiều. Đỉnh thuộc thời kì đầu nhà Thương tương đối đơn giản và thô. Đỉnh cuối đời Thương mà loại ở Ân Khư 殷墟là đại biểu có dáng to lớn và nặng, hoa văn tinh mĩ mang nét vẻ hung tợn quái dị, là tiêu chí thời đại rõ nhất của xã hội nô lệ. Đỉnh thời Tây Chu có số lượng nhiều nhất, về cơ bản không phải là để sử dụng mà là loại lễ khí có minh văn mang tính kỉ niệm, tạo hình đoan trang, hoa văn điển nhã, thuộc loại trọng khí quý giá trong số các thanh đồng khí, cơ bản đều thuộc loại văn vật lịch sử cấp 1 .
Chiều cao của đỉnh thường là khoảng 20cm, loại có thể trọng lớn thì ít, cho nên càng quý. Đặc điểm địa phương thời Xuân Thu Chiến quốc tương đối rõ nét, đỉnh ở khu vực trung nguyên thường có bụng tròn, có quai, chân đỉnh hình móng thú, nắp đỉnh hình bát úp bên trên có 3 núm. Loại mà niên đại sớm nhất có bụng sâu chân cao, loại muộn hơn thì bụng cạn chân thấp. Chân đỉnh ở khu vực phía bắc nhỏ và cao. Đỉnh đồng nước Tần bụng cạn chân mập, chế tác thô. Đỉnh đồng nước Sở hình chế đa dạng đều có chân cao. Nhìn chung, đỉnh của 2 nước Tần Sở là trội hơn cả. Loại đỉnh mà có minh văn hoặc có dát hoa văn vàng bạc tinh xảo cũng có thể xếp vào cấp 1.
Loại đỉnh trân quý cực nhiều không thể kể hết, trong đó nổi tiếng nhất có đỉnh Tư Mẫu Mậu 司母戊 phát hiện được tại khu vực tây bắc An Dương 安阳, nặng khoảng 875 kí. Mao Công đỉnh 毛公鼎 có minh văn 497 chữ, đây là bài minh dài nhất trong các loại thanh đồng khí mà hiện nay được biết. Năm 1959 tại huyện Ninh Hương 宁乡 tỉnh Hồ Nam 湖南 phát hiện một chiếc đỉnh “Hoàng thôn nhân diện” 黄村人面 (1), phần bụng trang trí mặt người, đây là loại đỉnh hiếm có trong các loại thanh đồng khí.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đỉnh “Hoàng thôn nhân diện”: tức “Hoàng thôn nhân diện” phương đỉnh “黄村人面” 方鼎.
Đỉnh có hình mặt người được phát hiện tại núi Trại Tử 寨子 thôn Hoàng 黄 huyện Ninh Hương 宁乡 tỉnh Hồ Nam 湖南vào năm 1959. Đỉnh cao 38,5cm, miệng đỉnh dài 29,8cm, rộng 23,7cm, hiện được lưu giữ tại Viện bảo tàng tỉnh Hồ Nam .
Đỉnh hình chữ nhật, quai đứng thẳng, 4 chân hình trụ, có dạng thức cuối đời Thương thường thấy. 4 mặt của bụng đỉnh mỗi mặt có phù điêu mặt người làm chủ thể trang sức. Mặt người tương đối tả thực, có vẻ uy nghiêm. Hai gò má cao, cặp mắt mở tròn, chân mày cong, môi mím chặt, 2 tai to lớn. 4 đường góc ở phần bụng là 4 đường gờ nhô ra có hình răng cưa. Phần trên của chân đỉnh có hoa văn mặt thú cũng có đường gờ nhô ra, tương ứng với phần bụng, phần dưới của chân có 3 đường hoa văn vấn tròn. Mặt ngoài của quai đỉnh trang sức hoa văn âm hình quỳ long 夔龙.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 06/6/2013
Nguyên tác Trung văn
ĐỈNH
鼎
Trong quyển
CỔ NGOẠN
古玩
Tác giả: Đỗ Vệ Dân 杜卫民
Bắc Kinh . Học Uyển xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét