NGHI THỨC THĂM HỎI
(Kì cuối)
Thời cổ đặc biệt là trước thời Tần Hán, khi mọi người thăm hỏi nhau, bất luận là quý tộc, quan lại hay là thứ dân bách tính đều phải mang theo lễ vật, nhât là lần đầu tiên gặp nhau. Loại lễ vật này gọi là “chí” 贽, lễ mang “chí” tương kiến gọi là “chí kiến lễ” 贽见礼. Mang “chí” thăm hỏi, chủ yếu không phải ở chỗ giá trị của lễ vật tức ý nghĩa kinh tế của nó mà là để biểu thị sự tôn kính đối phương. Đỗ Hựu 杜佑 đời Đường, tác giả của Thông điển 通典đối với vấn đề này đã nói:
Thời cổ, vua và bề tôi đều coi trọng lễ tương kiến, cùng tôn kính lẫn nhau nên khi gặp mặt tất phải mang theo “chí” ….. Bậc quân tử đối với sự tôn kính tất phải mang theo “chí” khi gặp nhau, làm rõ lòng thành, để bày tỏ sự trung tín, không dám coi thường.
(Thông điển – Lễ 通 - 典礼)
Lễ vật mang theo của người có thân phận khác nhau cũng khác nhau, như thời Tiên Tần, chư hầu mang ngọc lụa, công mang da thú, khanh mang dê con, đại phu mang chim nhạn, kẻ sĩ mang chim trĩ tức gà rừng, thứ nhân tức bình dân mang chim vụ (dã áp 野鸭 – vịt trời), những người làm nghề buôn bán thì mang theo gà, riêng lễ vật của phụ nữ là quả trăn, quả lật, quả táo. Nhìn từ những lễ vật này, lễ vật mà đàn ông mang theo đa phần là cầm thú săn bắt được, còn lễ vật của phụ nữ là các loại quả, đại khái đó là tập tục thời viễn cổ còn sót lại: đàn ông thì săn bắn, đàn bà thì hái lượm, đem thành quả lao động của mình dâng tặng đối phương để biểu thị sự tôn kính. Tiến vào xã hội có đẳng cấp, người có thân phận khác nhau mang lễ vật khác nhau trở thành một nội dung lễ chế mang tính đẳng cấp, đồng thời lễ vật khác nhau cũng là để biểu hiện thân phận khác nhau, chủ nhân nhìn thấy lễ vật như thế nào thì sẽ biết địa vị và thân phận của đối phương, sau đó theo lễ tiết tương ứng mà đối đãi.
Mang lễ vật thăm hỏi còn có một số lễ nghi khác. Chủ khách nếu địa vị tương đương sẽ chọn phương thức đích thân trao và đích thân nhận. Bề tối bái kiến quân vương, hoặc kẻ dưới yết kiến người trên thì lễ vật được đặt trên mặt đất, người khác sẽ chuyển giao, biểu thị địa vị thấp kém của mình, không dám giao trực tiếp. Mang lễ vật thăm hỏi, nếu hai bên có địa vị tương đương thì người nhận lễ phải thăm lại, gọi là “hồi bái” 回拜, đây là sự hồi kính đối với đối phương, gọi là “lễ thượng vãng lai” 礼尚往来 (lễ coi trọng sự qua lại) (Lễ nghi – Sĩ tương kiến lễ đệ tam . Trịnh Huyền chú 礼仪 - 士相见礼弟三 . 郑玄注), không hồi bái đó là thất lễ. Khi hồi bái, đem lễ vật mà đối phương mang đến lần trước tặng lại. Người có địa vị thấp bái yết người có địa vị cao, người có địa vị cao không cần phải hồi bái, nhưng khi người đến thăm sắp ra về, phải mang toàn bộ lễ vật hoặc một phần lễ vật tặng lại. Nhận lễ vật và tặng lại lễ vật đều là lễ tiết phổ biến lúc bấy giờ. Vãn bối lần đầu tiên gặp trưởng bối, bề tôi lần đầu tiên yết kiến vua, bậc tôn trưởng có thể nhận lễ vật mà không tặng lại, để biểu thị ý vì tiểu bối hoặc bề tôi mà tiếp nhận. Ngoài ra lễ vật mà khi có việc cần gặp nhau hoặc để xác định mối quan hệ nào đó mang theo, như lễ nạp thái trong hôn lễ, lễ đệ tử bái sư, đối phương ưng thuận, nhận lễ vật cũng không cần phải tặng lại, nếu không nhận đó là biểu thị thái độ không đồng ý. (Những điều trên xin tham khảo Chí kiến lễ - Thân thám 贽见礼 - 亲探 của Dương Khoan 杨宽)
Thời Tần Hán vẫn còn “Chí kiến lễ”, như thời Tây Hán, hoàng tộc chư hầu vương vào tháng Giêng triều kiến Hoàng đế, đã “phụng bì tiến, bích ngọc hạ” 奉皮荐璧玉贺 (dâng da thú, dâng ngọc chúc mừng), “vương hầu triều hạ dĩ thương bích” 王侯朝贺以仓璧 (vương hầu khi chúc mừng dâng ngọc thương bích) (Tây Hán hội yếu – Lễ cửu – Chư hầu triều cận 西汉会要 - 礼九 - 诸侯朝觐). Lúc bấy giờ còn giữ lễ chế thời cổ, nhưng do bởi giai tầng cao cấp của triều đình lúc bấy giờ chủ yếu là quan lại, mà các loại lễ vật thời trước chủ yếu căn cứ vào đẳng cấp thân phận của chư hầu, công, khanh, đại phu, sĩ mà chế định, không có quy định lễ vật đối với đẳng cấp quan lại, nên lúc bấy giờ lễ “chí kiến” của quan lại, lễ vật mang theo không tránh khỏi xuất hiện những tình huống không phù hợp với thân phận, như vào thời Nguỵ Minh Đế thời Tam quốc, có một vị với thân phận là Tư Không Chinh nam tướng quân khi về triều bái kiến đã lấy dê con làm lễ vật. Nguỵ Minh Đế cho rằng ông ta vị cao quyền trọng mà lễ vật mang theo lại quá nhẹ, đối với lễ quá đơn giản, vì thế đã xuống chiếu, lệnh cho các nha thự căn cứ vào phẩm cấp của quan lại trung ương và địa phương tương ứng với tước vị nào ở thời cổ mà định ra lễ vật mang theo khi bái yết. Nhưng từ một phương diện khác, do bởi nội dung sinh hoạt vật chất lúc bấy giờ khác xa thời Tần, mọi người mang lễ vật thăm hỏi cũng không nhất định phải câu nệ cổ chế đi tìm những vật săn bắt được làm lễ vật, cho nên quy định khôi phục cổ lễ quan phương, không thể giúp “chí kiến lễ” cổ đại được bảo tồn và lưu truyền, mà chỉ là việc thăm hỏi mang theo lễ vật, đặc biệt là lần đầu gặp nhau mang theo lễ vật trở thành một lễ tục được lưu truyền mà thôi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/6/2013
Nguyên tác Trung văn
BÁI PHỎNG
拜访
Trong quyển
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét