TRUYỀN THỐNG KÍNH THẦY YÊU TRÒ
Một hoạt động giáo dục thành công luôn là sự kết hợp hài hoà mối quan hệ giữa thầy và trò. Truyền thống tốt đẹp “tôn sư ái sinh” 尊师爱生 (kính thầy yêu trò) thời cổ Trung Quốc đã biểu hiện vô cùng rõ nét. Đại giáo dục gia Khổng Tử 孔子 rất yêu quý học trò, ông chiêu nạp tất cả những kẻ sĩ ham học mà không nghĩ đến “nghèo hèn”, “sang giàu”, lấy tình yêu chân thành đối đãi từng học sinh một. Thậm chí đối với người “ở làng Hỗ” có tiếng là ác nghịch “khó giảng giải điều phải quấy với họ”, Khổng Tử cũng không ngại giáo dục họ một cách nhiệt tình. Thái độ giáo dục của Khổng Tử là:
Nhân khiết kỉ dĩ tiến, dữ kì khiết dã, bất bảo kì vãng dã (1).
人洁己以进,与其洁也,不保其往也
(Người ta đã tiến bộ, thì ta nhìn nhận sự tiến bộ ấy, quá khứ của họ không nên nhắc tới nữa)
(Luận ngữ - Thuật nhi 论语 - 述而)
Khổng Tử không chỉ chú trọng đến sự tiến bộ về đạo đức học vấn của học trò, mà ông còn quan tâm đến cuộc sống thường ngày của họ. Học trò đau không quên thăm hỏi, học trò có khó khăn thì chủ động tìm cách giúp. Sức mạnh nhân cách vĩ đại của Khổng Tử và lòng yêu thương chân thành đối với học trò, rất tự nhiên, đã chiếm được sự tôn kính và yêu mến của học trò. Khi Khổng Tử qua đời, không ít học trò đau buồn thống thiết, để tang thầy nhiều năm, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn truyền bá học thuyết của Khổng Tử để mở rộng ảnh hưởng xã hội.
Từ khi Khổng Tử mở đầu phong khí “tôn sư ái sinh”, các nhà giáo dục sau này nối tiếp theo và trở thành tập tục, dần hun đúc nên truyền thống tốt đẹp của sự nghiệp giáo dục truyền thống. Nhìn chung, thầy giáo có thể chân thành hiến thân cho sự nghiệp học thuật giáo dục, nhiệt tình và quan tâm đến sự trưởng thành của học sinh, thực hiện chức trách giáo dục “truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc” 传道, 授业, 解惑, thì có thể có được sự tôn kính chân chính của học trò. Còn như sự khác biệt về phong cách giáo dục của bản thân nhà giáo dục thì chẳng liên quan gì đến đại cục. Như: Trình Hạo 程颢 (2) dạy người một cách thân thiết tự nhiên, thường để học trò có cảm giác “như toạ xuân phong” 如坐春风; Còn Trình Di 程颐 (3) vốn có phong cách nghiêm nghị, học trò đến thăm, thấy thầy nhắm mắt tĩnh toạ thì cung kính đứng ngoài cửa cho đến lúc tuyết rơi dày cả thước, và đã để lại giai thoại “Trình môn lập tuyết” 程门立雪 (4). Ở đây, sự tôn kính của học trò đối với thầy trên thực tế bắt nguồn từ sức mạnh nhân cách vĩ đại và tinh thần hiến thân cho giáo dục đáng quý.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Thiên Thuật nhi 述而 trong Luận ngữ 论语 có đoạn:
Hỗ hương nan dữ ngôn. Đồng tử kiến, môn nhân hoặc. Tử viết: “Dữ kì tiến dã, bất dữ kì thoái dã, duy hà thậm? Nhân khiết kỉ dĩ tiến, dữ kì khiết dã, bất bảo kì vãng dã.”
互鄉難與言. 童子見, 門人惑. 子曰: “與其進也, 不與其退也, 唯何甚. 人潔己以進, 與其潔也, 不保其往也.”
(Người làng Hỗ khó mà nói chuyện phải quấy với họ. Có một đứa bé làng đó đến gặp Khổng Tử để xin học, học trò Khổng Tử thắc mắc. Khổng Tử bảo rằng: “Khẳng định sự tiến bộ của họ không đồng nghĩa với sự khẳng định cái sai trước đây của họ, sao lại khắt khe thế. Người ta đã tiến bộ, thì ta nhìn nhận sự tiến bộ ấy, quá khứ của họ không nên nhắc tới nữa)
(2)- TRÌNH HẠO 程颢(1032 – 1085): tự Bá Thuần 伯淳, hiệu Minh Đạo 明道, người đời gọi ông là Minh Đạo tiên sinh, người Y Xuyên 伊川 Lạc Dương 洛阳 thời Bắc Tống. Trình Hạo cùng với người em là Trình Di 程颐đều là Lí học đại sư, từ nhỏ cùng với em theo học Chu Đôn Di 周敦颐. Trình Hạo đỗ Tiến sĩ năm Gia Hựu 嘉祐 thứ 2 (năm 1057), làm quan trải qua các chức như Hộ Châu chủ bạ 鄠州主簿, Thượng Nguyên huyện chủ bạ 上元县主簿, Trạch Châu Tấn thành lệnh 泽州晋城令, Thái tử trung doãn 太子中允, Giám sát ngự sử 监察御史 …
Sau khi mất được truy phong là Dự Quốc Công 豫国公, được phối thờ trong Khổng miếu.
(3)- TRÌNH DI程颐 (1033 – 1107): tự Chính Thúc 正叔, người người Y Xuyên 伊川Lạc Dương 洛阳 thời Bắc Tống, người đời gọi ông là Y Xuyên tiên sinh. Làm quan trải qua các chức như Nhữ Châu đoàn luyện thôi quan 汝州团练推官, Tây kinh Quốc tử giám giáo thụ 西京国子监教授.
Sau khi mất được truy phong là Lạc Quốc Công 洛国公, được phối thờ trong Khổng miếu.
(4)- TRÌNH MÔN LẬP TUYẾT程门立雪: thành ngữ này xuất xứ từ Dương Thời truyện 杨时传 trong Tống sử 宋史.
Dương Thời 杨时 tự Trung Lập 中立, người châu Nam Kiếm 南剑 (nay thuộc Phúc Kiến) đậu Tiến sĩ năm Hi Ninh 熙宁 thứ 9 (năm 1076) đời Tống Thần Tông. Ông theo học Trình Hạo. Sau khi Trình Hạo qua đời, ông đến Lạc Dương theo học Trình Di, lúc bấy giờ đã hơn 40 tuổi.
Một ngày nọ, Dương Thời và Du Tạc 游酢 đi thăm Trình Di. Gặp lúc Trình Di đang nhắm mắt tĩnh toạ. Hai ông cung kính đứng hầu ngoài cửa đợi đến khi thầy thức. Khi Trình Di thức dậy, bên ngoài tuyết đã rơi dày cả thước.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/6/2013
Nguyên tác Trung văn
TÔN SƯ ÁI SINH
尊师爱生
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1999.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét