VƯƠNG THỨ TRỌNG
VÌ KHẢI THƯ MÀ BỊ HOẠ LỚN
Tại Thượng quận 上郡 (nay là Du Lâm 榆林Thiểm Tây 陕西) có một người tên là Vương Thứ Trọng 王次仲 (1) từ nhỏ đã chuyên tâm vào học chữ, chí hướng khác thường. Sau khi thành niên, Vương Thứ Trọng quyết tâm đem tự thể của Thương Hiệt 仓颉 cải tạo thành lệ thư đương thời. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất thiên hạ, phát hiện khải thư giản dị thực dụng mà Vương Thứ Trọng cải tạo, cho rằng Vương Thứ Trọng là bậc kì tài nên triệu kiến, nhưng 3 lần triệu kiến Vương Thứ Trọng đều không đến.
Vương Thứ Trọng có tính toán riêng của mình, ông ngày đêm không ngừng nghiên cứu chữ Hán và số thuật, chuyên tâm nhất trí, không nghĩ đến lời triệu kiến của Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng cả giận, cho rằng Vương Thứ Trọng bất kính với mình liền hạ lệnh dùng xe tù áp giải Vương Thứ Trọng về kinh thành Hàm Dương 咸阳. Nhưng trên đường áp giải, thình lình phát sinh biến cố.
Đầu của Vương Thứ Trọng đột nhiên lăn trên mặt đất, rồi biến thành một con chim lớn, vỗ cánh bay thẳng lên trời. Khi lên đến trời cao, 2 cánh rớt xuống một ngọn núi, vì thế 2 đỉnh của núi này được người đời sau gọi là Đại xí phong 大翅峰 và Tiểu xí phong 小翅峰. Quan quân áp giải Vương Thứ Trọng đem 2 cánh dâng lên Tần Thuỷ Hoàng.
Truyền thuyết thần thoại Vương Thứ Trọng sáng tạo khải thư, bất luận là li kì như thế nào, nhưng có một điểm mà có thể khẳng định, Vương Thứ Trọng là người đầu tiên sáng tạo khải thư, đồng thời có cống hiến nhất định trong quá trình biến lệ thư thành khải thư. Từ đời Tống trở về sau, khải thư dần hình thành tứ thể là Triệu 赵, Âu 欧, Nhan 颜, Liễu 柳 (2).
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- VƯƠNG THỨ TRỌNG 王次仲: vốn tên Vương Trọng 王仲, tự Thứ Trọng 次仲, thư pháp gia thời Đông Hán (có thuyết cho là thư pháp gia đời Tần), người huyện Trở Dương 沮阳, quận Thượng Cốc上谷(nay là phụ cận Đại Cổ Thành 大古城, huyện Hoài Lai 怀来 tỉnh Hà Bắc 河北). Từ nhỏ đã có chí khác thường, biến đổi cựu văn Thương Hiệt 仓颉thành lệ thư.
Trong Tiên truyện thập di 仙传拾遗 có chép về ông như sau:
Vương Thứ Trọng là vị thần tiên thời cổ. Lúc bấy giờ là thời Chiến quốc cuối triều Chu , các nước công phạt lẫn nhau. Khi những kẻ du thuyết đi khắp nơi nêu sách lược “hợp tung liên hoành” 合纵连横, Vương Thứ Trọng đang sống tại Tiểu Hạ sơn 小夏山 ở Đại Hạ sơn 大夏山. Ông cho rằng triện thể đang thông hành khi viết tốn nhiều công sức, vả lại mọi người rất khó học và sử dụng được trong một thời gian ngắn. Thiên hạ phân loạn, sự tình phức tạp, việc phổ cập văn tự rất quan trọng. Vương Thứ Trọng bèn đem triện thể, Trứu thể biến hoá thành lệ thư. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, cho rằng Vương Thứ Trọng cải cách văn tự đã có công trong việc thống nhất, nên cho mời đến nước Tần để làm quan, nhưng Vương Thứ Trọng cự tuyệt. Tần Thuỷ Hoàng tức giận, sai sứ giả đi truyền chiếu bảo Vương Thứ Trọng đến Tần. Tần Thuỷ Hoàng nói với sứ giả rằng:
Ta chinh phục các nước chư hầu, thống nhất thiên hạ, ai nào dám không thần phục ta! Vương Thứ Trọng chẳng qua là một thư sinh mà lại dám kháng lại thánh mệnh thiên tử, cuồng vọng như thế. Lần này nhà ngươi đi triệu hắn đến, nếu hắn không đến thì cứ giết rồi mang đầu hắn về đây để chỉnh đốn kỉ cương phép nước, để hắn không còn ngạo mạn chống lại bề trên.
Sứ giả đến núi tìm Vương Thứ Trọng, tuyên bố chiếu mệnh của Tần Thuỷ Hoàng. Vương Thứ Trọng lập tức biến thành một con chim lớn vỗ cánh bay đi. Sứ giả vừa sợ vừa lo quỳ trên mặt đất không ngừng dập đầu cầu xin:
Ông làm như thế bảo tôi làm sao về ăn nói với Hoàng thượng, Hoàng thượng không thể không giết tôi. Xin đại tiên rủ lòng thương xót!
Chim bay lượn cả buổi trên bầu trời, cố ý làm rơi xuống 3 chiếc lông, sứ giả đành nhặt lấy đem về phục mệnh. Tần Thuỷ Hoàng trước giờ luôn thích việc tu đạo cầu tiên, nghe sứ giả báo Vương Thứ Trọng hoá thành thần tiên nên hối hận. Nơi Vương Thứ Trọng biến thành chim gọi là “Lạc cách sơn” 落翮山, dân ở nơi đó thuộc địa phận U Châu 幽州 (nay thuộc Hà Bắc 河北) luôn phụng thờ không dứt.
(2)- TRIỆU, ÂU, NHAN, LIỄU: tức Triệu Mạnh Phủ, Âu Dương Tuân, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền, 4 khải thư gia nổi tiếng.
- Âu Dương Tuân 欧阳询 (557 – 641): khải thư gia đời Đường, tự Tín Bản 信本,người Lâm Tương 临湘Đàm Châu 潭州 (nay là Trường Sa 长沙Hồ Nam 湖南).
- Nhan Chân Khanh 颜真卿 (709 – 785): khải thư gia đời Đường tự Thanh Thần 清臣, người Vạn Niên 万年Kinh Triệu 京兆, tổ tịch tại Lâm Nghi 临沂Lang Nha 琅琊 thời Đường (nay là Lâm Nghi 临沂Sơn Đông 山东).
- Liễu Công Quyền 柳公权 (778 – 865): khải thư gia đời Đường, tự Thành Huyền 诚悬, người Hoa Nguyên 华原Kinh Triệu 京兆.
- Triệu Mạnh Phủ 赵孟頫 (1254 – 1322): khải thư gia đời Nguyên, tự Tử Ngang 子昂, hiệu Tùng Tuyết 松雪, Tùng Tuyết Đạo Nhân 松雪道人, người Hồ Châu 湖州(nay là Ngô Hưng 吴兴 Triết Giang 浙江).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/6/2013
Nguyên tác Trung văn
VƯƠNG THỨ TRỌNG VỊ KHẢI THƯ SẤM HẠ LIỄU ĐẠI HOẠ
王次仲为楷书闯下了大祸
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét