BÍ ẨN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT CỦA HÀN PHI
Hàn Phi 韩非 (khoảng năm 280 – năm 233 trước công nguyên) là triết học gia nổi tiếng cuối thời Chiến quốc, tập đại thành tư tưởng Pháp gia. Xuất thân quý tộc nước Hàn. Hàn Phi và Lí Tư 李斯Tể tướng nước Tần đều là học trò của Tuân Tử 荀子. Thời đại mà Hàn Phi sinh sống chính là lúc xã hội cuối thời Chiến quốc phát sinh sự biến đổi kịch liệt. Nhìn thấy chính trị nước Hàn hủ bại, cải cách bất lực, đối mặt với cường Tần tấn công phải cắt đất nhân nhượng, Hàn Phi nhiều lần dâng thư lên vua Hàn, đề xuất kiến nghị tu chính pháp độ, làm cho nước giàu quân mạnh, nhưng không được vua Hàn nghe theo nên ông đã lui về chuyên tâm trứ thuật, viết thành những tác phẩm nổi tiếng như: Cô phẫn 孤愤, Ngũ đố 五蠹, Nội ngoại trừ 内外储, Thuyết lâm 说林, Thuế nan 说难… tổng cộng 55 thiên với hơn chục vạn lời, gom thành bộ Hàn Phi Tử 韩非子. Về sau, một số tác phẩm này được truyền đến nước Tần, Tần Thuỷ Hoàng Doanh Chính 赢政 nhìn thấy được Cô phẫn, Ngũ đố, rất ngưỡng mộ tư tưởng thâm thuý của Hàn Phi, nên đã cất tiếng than:
Bất kiến Hàn Phi, tử bất minh mục
不见韩非死不瞑目
(Không gặp được Hàn Phi, ta chết không nhắm mắt)
Vì nôn nóng gặp được Hàn Phi, vua Tần phát binh đánh Hàn đưa yêu sách, vua Hàn đành đưa Hàn Phi đến Tần. Như vậy, Hàn Phi trở thành khách khanh của nước Tần.
Những ngày ở nước Tần, Hàn Phi và vua Tần là Doanh Chính bàn chuyện rất hợp nhau. Hàn Phi nhiều lần dâng kế sách lên vua Tần, hết lòng cho việc thống nhất thiên hạ. Đồng thời thân là công tử nước Hàn, bảo tồn nước Hàn lại là mục đích mà không thể nào che dấu. Hàn Phi luôn đứng trên lập trường bảo vệ nước Hàn, điểm này đã quyết định vận mệnh của Hàn Phi khi ở nước Tần.
Chính kiến giữa Hàn Phi với Doanh Chính, Lí Tư, Diêu Cổ 姚贾cùng với quan hệ lợi hại, tồn tại những phức tạp và những mâu thuẫn không thể điều hoà. “Mâu thuẫn” 矛盾 là từ mà Hàn Phi dùng đầu tiên. Câu chuyện “mâu thuẫn” cũng do Hàn Phi viết, cũng chính những mâu thuẫn này, cuối cùng Hàn Phi trở thành vật hi sinh trong cuộc tranh giành của nội bộ tập đoàn thống trị và cuộc đấu tranh chính trị của nước Tần.
Năm 233 trước công nguyên (Năm Tần vương Doanh Chính thứ 14), Hàn Phi bị cầm tù trong ngục ở Vân Dương 云阳. Hàn Phi rất mong diện kiến vua Tần vì sự tồn vong của nước Hàn nhưng không được. Lí Tư sợ đêm dài lắm mộng nên ra tay trước, sai người mang rượu độc đến cho Hàn Phi bảo Hàn Phi tự sát. Đến khi vua Tần hối hận sai người xá tội cho Hàn Phi đồng thời lệnh cho Hàn Phi về kinh hỏi chuyện, nào ngờ Hàn Phi đã chết trong ngục từ lâu. Nhưng Tần Thuỷ Hoàng không hề bênh vực cho Hàn Phi, lại áp dụng thực tiễn lí luận của Hàn Phi, cuối cùng thống nhất bốn biển. Hàn Phi chết nơi đất khách, chỉ lưu lại lí luận chính trị, sách lược trị nước hơn mười vạn lời.
Hàn Phi ở nước Tần chưa đến một năm, chưa kịp được trọng dụng, Lí Tư sợ Hàn Phi đắc thế sẽ uy hiếp địa vị Tể tướng của mình, vì thế Lí Tư cùng Diêu Cổ lợi dụng việc Hàn Phi kiến nghị vua Tần tồn Hàn để làm phiên thần nên đã nói xấu Hàn Phi trước mặt vua Tần. Vua Tần nghe lời Lí Tư, nên đã cho giam Hàn Phi vào ngục. Trong cuộc đấu tranh chính trị tàn khốc, Hàn Phi bất hạnh đã bị sát hại.
Về nguyên nhân cái chết của Hàn Phi, hiện thấy sớm nhất là ở Sử kí 史记 và Chiến quốc sách 战国策, nhưng những ghi chép có liên quan thì mỗi sách có khác nhau.
Trong Sử kí ghi rằng: Lí Tư và Diêu Cổ xuất phát từ lập trường chính trị của bản quốc dâng lời trước mặt Tần Thuỷ Hoàng, nói Hàn Phi là công tử nước Hàn, như nay nước Tần muốn thôn tính các nước chư hầu, mà Hàn Phi trước sau vẫn đứng trên lập trường nước Hàn, thì sẽ không bao giờ tận trung với nước Tần, đó cũng là việc thường tình của con người. Nếu mưu lược của Hàn Phi không được vua Tần dùng đến, giờ giữ Hàn Phi lại ngày sau nhất định Hàn Phi sẽ được nước khác dùng, đây há chẳng phải là hậu hoạn của nước Tần sao, chi bằng gán cho tội danh giết đi. Vua Tần cho là có lí, vì thế hạ lệnh đem Hàn Phi trị tội.
Trong Chiến quốc sách ghi rằng: Bốn nước Tề, Sở, Yên, Triệu chuẩn bị liên hợp đánh Tần. Vua Tần triệu tập quần thần, binh lính cùng khách thương thảo luận đối sách, quần thần chẳng ai có đối sách. Riêng Diêu Cổ tình nguyện đi sứ bốn nước để phân hoá sự liên minh, vua Tần rất vui mừng, ban thưởng cho Diêu Cổ ngàn hộ, phong làm thượng khanh. Hàn Phi thân là quý tộc, xem thường Diêu Cổ xuất thân Giám môn, cho rằng Diêu Cổ từng là người giữ cửa có địa vị thấp kém, nhân vì ăn trộm nên bị nước Triệu trục xuất, nếu như trọng dụng hạng người như thế làm sao khích lệ được quần thần.Vua Tần cho triệu kiến Diêu Cổ và hỏi qua, Diêu Cổ không phủ nhận nguồn gốc của mình, đồng thời bày tỏ nguyện vọng đem toàn lực giúp Tần, khuyên vua Tần không nên nghe những lời gièm siểm li gián vua tôi. Sự việc đó khiến cho Diêu Cổ và Hàn Phi kết oán. Lí Tư thân là Đình uý, nắm giữ đại quyền tư pháp, kiên quyết chủ trương dùng phương pháp uy hiếp khiến nước Hàn phải đầu hàng nước Tần, rồi từ nước Hàn tấn công các nước phía đông. Việc bức nước Hàn đầu hàng giao cho Lí Tư thực hiện. Lí Tư muốn diệt nước Hàn, Hàn Phi ra sức bảo vệ nước Hàn, từ là bạn học trở thành thù địch về chính trị; nhưng vua Tần đặc biệt hâm mộ tài năng và học thức của Hàn Phi, đối với Lí Tư mà nói rốt cuộc Hàn Phi là cái gai trong mắt là hòn đá vướng chân, nếu không trừ khử sau này sẽ gây ra hậu hoạn. Lí Tư và Diêu Cổ hợp mưu hãm hại Hàn Phi, người trước xuất phát từ nguyên nhân cá nhân; còn người sau xuất phát từ nguyên nhân chính trị.
Hàn Phi chết trong cuộc đấu tranh chính trị, nhưng thao lược chính trị của Hàn Phi lại trở thành yếu lược trị quốc của quân vương các triều đại đời sau.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 13/7/2013
Nguyên tác Trung văn
HÀN PHI TỬ NHÂN CHI MÊ
韩非死因之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét