ÂN KHƯ – ĐÔ THÀNH HẬU KÌ ĐỜI THƯƠNG
Khoảng từ năm 1312 đến năm 1066 trước công nguyên, Ân Khư 殷墟là di chỉ đô thành hậu kì đời Thương, đô thành này nằm ở khu vực thôn Tiểu Đồn 小屯, phía tây bắc An Dương 安阳Hà Nam 河南, diện tích đạt đến 24 km2. Từ Bàn Canh 盘庚 dời đô đến Đế Tân 帝辛(Trụ 纣), hậu kì vương triều Thương với 8 đời 12 vương lấy Ân Khư làm đô thành, thời gian dài đến 270 năm.
Văn hoá cuối đời Thương ở Ân Khư kế thừa văn hoá đồ đồng đã phát triển cao độ của văn hoá Nhị Lí Cương 二里冈đời Thương, nhìn chung có thể phân làm 3 thời kì:
- Niên đại của thời kì đầu tương đương với giáp cốt đệ nhất, đệ nhị kì, thuộc thời đại Bàn Canh 盘庚đến Tổ Giáp 祖甲.
- Thời kì thứ 2, khoảng tương đương với giáp cốt đệ tam, đệ tứ kì, thuộc thời đại Lẫm Tân 凛辛 đến Văn Đinh 文丁.
- Thời kì thứ 3, khoảng tương đương với giáp cốt đệ ngũ kì, thuộc thời đại Đế Ất 帝乙, Đế Tân 帝辛.
Năm 1899, nhân ngẫu nhiên phát hiện giáp cốt văn ở thôn Tiểu Đồn, để truy tìm nguồn gốc của giáp cốt văn, lại tìm đến thôn này. Thông qua việc khai quật di chỉ ở thôn Tiểu Đồn, xác nhận đây là địa điểm Bàn Canh dời đô lần cuối. Nhìn từ thành quả phát hiện và khai quật di vật giáp cốt năm 1928, có một số có thể chứng thực cho những nghiên cứu của tiền nhân, có một số hoàn toàn mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới, điều này đối với việc nghiên cứu lịch sử Ân Thương thậm chí cả lịch sử văn minh nhân loại đã sản sinh ảnh hưởng vô cùng to lớn.
Đại để Ân Khư có thể phân làm 2 khu vực lớn. Thôn Tiểu Đồn phía bờ nam sông Viên 洹 là khu vực cư trú của người Ân lúc bấy giờ, còn gò tây bắc ở Hầu gia trang 侯家庄 phía bờ bắc sông Viên là khu vực mộ táng của vương thất. Thời gian kiến đô tại đất Ân của vương triều Thương dài nhất và cũng cố định nhất, cho nên ở nơi này từng có những công trình dùng gỗ đất, có nhiều kiến trúc xa hoa. Tuy mức độ xa hoa của nó không thể bì với đời sau, nhưng với đương thời mà nói cũng là tương đối to lớn. Theo nghiên cứu của các nhà khai quật Ân Khư, cung điện của vương triều Ân rộng lớn. Theo sự phục nguyên của chuyên gia, có toà cung điện chiều nam bắc dài 28,4m, chiều đông tây rộng 6m, tường đắp bằng đất, bên trong có trụ, trên nóc lợp cỏ mao, bề mặt bên trong phòng rất hoàn chỉnh. Nhưng, do bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng quỷ thần, người Ân dường như chú trọng nhiều đến cuộc sống sau khi chết, đặc biệt là đế vương có quyền thế, càng muốn đem sự hưởng thụ ở thế giới này mang sang một “thế giới” khác. Cho nên, so với cung điện trên mặt đất, một táng trong lòng đất lộ rõ sự trang trọng và khí phái. Căn cứ vào những khai quật, mộ huyệt của Ân vương có 2 loại: hình chữ 亞(á) và hình vuông. Mộ huyệt rộng lớn, đồ tuỳ táng rất nhiều, cơ hồ đem hết những đồ khi còn tại thế sử dụng đưa vào trong mộ, nhưng trong đó, điều khiến người ta sợ hãi đó là việc chôn theo người sống. Người bị chôn sống có người hầu, có võ sĩ, cũng có cả chó ngựa để phục vụ chủ nhân. Đây không chỉ phản ánh sự tàn nhẫn của giai cấp thống trị Ân Thương mà còn cho thấy rõ quyền lực tột cùng của họ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/7/2013
Nguyên tác Trung văn
THƯƠNG ĐẠI HẬU KÌ ĐÍCH ĐÔ THÀNH – ÂN KHƯ
商代后期的都城 - 殷墟
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét