About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tôn Trung Sơn: "Trung Quốc đích sơn tiều"

TÔN TRUNG SƠN
“TRUNG QUỐC ĐÍCH SƠN TIỀU”

          Tôn Trung Sơn 孙中山nhà cách mạng tiên phong vĩ đại của Trung Quốc có tên là Văn , tự Tải Chi 载之, tên lúc nhỏ là Đế Tượng 帝象, ông sinh năm 1866 tại thôn Thuý Hanh 翠亨huyện Hương Sơn 香山tỉnh Quảng Đông 广东(nay là huyện Trung Sơn 中山) trong một gia đình nông dân.
          Khi Tôn Trung Sơn ra đời, phụ thân là Tôn Đạt Thành 孙达成 đã tìm thầy tướng số đến xem vận mệnh của ông. Thầy tướng số bảo rằng:
          Thằng bé này số mệnh  khác thường, đại phú đại quý, có cửu ngũ chi tôn, hoàng đế chi mệnh, phải tuyệt đối giữ bí mật ngày sinh tháng đẻ của nó.
          Vì vậy Tôn Đạt Thành đã đặt tên cho con là Đế Tượng 帝象. Khi Tôn Trung Sơn đã lớn, ông dặn không được đem ngày sinh tháng đẻ của mình nói cho người khác biết. Tôn Trung Sơn nghe theo lời dặn của cha, cho nên các đồng chí cách mạng rất ít người biết được ngày sinh của ông.
          Tên Tôn Văn 孙文là do người thầy đặt cho khi ông lên 10 tuổi học tại một tư thục.
          Năm 17 tuổi, khi học ở Bạt Tuỵ thư ốc 拔萃书屋 tại Hương Cảng, ông lấy hiệu là “Nhật Tân” 日新. Hiệu này lấy ý từ câu “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” 苟日新, 日日新, 又日新 trong sách Đại học 大学. Năm 1833, Tôn Trung Sơn gia nhập Cơ Đốc giáo, khi làm lễ rửa tội đăng kí tên vào sổ bộ, ông kí tên là Tôn Nhật Tân 孙日新. Về sau, khi học tại Hương Cảng trung ương thư viện, thầy dạy môn Quốc văn là Khu Phụng Trì 区凤墀 đã đổi cho ông hiệu là “Dật Tiên” 逸仙dựa theo sự hài âm với 2 chữ “Nhật Tân”. Trong thời gian làm nghề y ở Hương Cảng, Áo Môn và lúc ở châu Âu, Tôn Trung Sơn nhiều lần sử dụng qua hiệu này, Tôn Dật Tiên cũng là tên mà tương đối có nhiều người biết.
          Tôn Trung Sơn còn có một biệt danh là Trung Sơn Tiều 中山樵, tên này do ông tự đặt khi ở Nhật Bản. Hạ tuần tháng 8 năm 1897, khi Tôn Trung Sơn lưu vong sang Nhật Bản, người bạn Nhật Bản là Cung Kì Thao Thiên 宫崎滔天 và Bình Sơn Chu 平山周 chuẩn bị sắp xếp cho ông tạm trú tại lữ quán Đối Hạc quán 对鹤馆 ở Ngân Toạ 银座 Đông Kinh 东京. Để an toàn, nên không công khai họ tên và thân phận của Tôn Trung Sơn. Khi đăng kí, Bình Sơn Châu nghĩ ra lúc đến lữ quán này ông từng đi qua một toà phủ đệ của một vị hầu tước là Trung Sơn 中山, vì thế khi đăng kí vào sổ đã viết 2 chữ “Trung Sơn” 中山. Theo tập tục Nhật Bản, “Trung Sơn” chỉ có thể là họ, tiếp dưới còn phải có tên, đương lúc Bình Sơn Châu do dự lấy tên gì, Tôn Trung Sơn liền lấy bút viết chữ “Tiều” dưới 2 chữ “Trung Sơn”. Từ đó, Tôn Trung Sơn lấy tên Trung Sơn Tiều khi lưu trú ở Nhật. Đối với điều này, ông còn hóm hỉnh nói rằng: “Tôi là tiều phu Trung Quốc” (Ngã thị Trung Quốc đích sơn tiều 我是中国的山樵).
          Về tên gọi Tôn Trung Sơn, tương truyền là do Chương Sĩ Chiêu 章士钊 đặt cho. Chương Sĩ Chiêu từng đến chỗ người bạn Nhật Bản có được quyển Tam thập tam niên hoa lạc mộng 三十三年花落梦 do Cung Kì Dần Tàng 宫崎寅藏 biên soạn, trong sách có giới thiệu sự tích cách mạng của Tôn Trung Sơn. Chương Sĩ Chiêu rất vui mừng, quyết tâm dịch sang Trung văn. Sau khi dịch xong, ông đổi tên sách thành Đại cách mạng gia Tôn Dật Tiên 大革命家孙逸仙, đồng thời lấy bút danh là “Hoàng Trung Hoàng” 黄中黄 công khai xuất bản. Trong lời tựa, ông ca ngợi Tôn Trung Sơn là “cận kim đàm cách mạng giả chi tổ, thực hành cách mạng chi bắc thần.” 近今谈革命者之祖, 实行革命之北辰 (ông tổ của những người bàn cách mạng cận đại, là ngôi sao sáng thực hành cách mạng). Nhưng trong khi dịch, do bởi viết nhầm, Chương Sĩ Chiêu đã đem tên vốn có của Tôn Trung Sơn là Tôn Văn nối liền với biệt danh Trung Sơn Tiều, viết thành “Tôn Trung Sơn”. Sau khi sách xuất bản, tên Tôn Trung Sơn được lan truyền, lâu ngày trở thành tên chính thức.
          Cả cuộc đời, Tôn Trung Sơn dùng qua rất nhiều hoá danh (化名 tên giả), bút danh. Tôn Trung Sơn rất tôn sùng y thuật của một danh y Nhật Bản là Cao Dã Thái Cát 高野太吉, hơn nữa ông vốn học ngành y, cho nên tại Nhật Bản ông từng lấy tên là Cao Dã Trường Hùng 高野长雄. Năm 1903, khi hoạt động cách mạng tại Việt Nam, Xiêm La, Tôn Trung Sơn dùng qua các bút danh: Đỗ Gia Nặc 杜嘉诺, Trần Văn 陈文, Cao Đạt Sinh 高达生. Ngoài ra, ông còn dùng hơn 30 hoá danh và bút danh khác như: Công Vũ 公武, Quảng Đông Hương Sơn Lai 广东香山来, Nam Dương nhất học sinh 南洋一学生, Kỉ Ưu công tử 杞忧公子, Tải Chi 载之, Thông Thiên Hiểu 通天晓, Tứ Đại Quan 四大冠, Thạch Đầu Tử 石头仔, Hồng Tú Toàn đệ nhị 洪秀全第二, Đế Chu 帝朱, Thuý Khê 翠溪, Cao Dã Phương 高野方, Sơn Nguyệt 山月, Túc Đại Giang 肃大江, Trương Tuyên 张宣, Ngô Trọng 吴仲, Vô Dạng Sinh 无恙生, Ngải Tư Cao Dã 艾斯高野, Trung nguyên trục lộc sĩ 中原逐鹿士.
          Sau Cách mạng Tân Hợi, Tôn Trung Sơn tại quốc nội đều sử dụng tên “Tôn Văn”, đối ngoại, ngoài dùng tên Tôn Văn ra, có lúc ông dùng “Tôn Dật Tiên”.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 02/7/2013

Nguyên tác Trung văn
TÔN TRUNG SƠN: “TRUNG QUỐC ĐÍCH SƠN TIỀU”
孙中山: “中国的山樵
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005

0 nhận xét:

Đăng nhận xét