TRUYỀN THUYẾT HOA ĐỖ QUYÊN
(Kì 1)
Hoa Đỗ Quyên rất đẹp. Hoa dạng hình ống, màu đỏ đậm, đỏ nhạt, hồng phấn, tím, trắng. Vào mùa Xuân khi hoa Đỗ Quyên nở, cả núi rực hồng, tưởng như ráng trời sà xuống; hoa được mọi người ca ngợi là “Hoa trung Tây Thi”. Hoa Đỗ Quyên gợi lên tình cảm tốt đẹp nồng ấm của con người đối với cuộc sống; nó cũng tượng trưng cho sự giàu mạnh phồn vinh của đất nước và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.
Tương truyền, nước Thục thời cổ là một nước hoà bình giàu có, đất đai màu mỡ, sản vật dồi dào, mọi người cơm no áo ấm, không ưu tư lo buồn, cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Nhưng, cuộc sống đầy đủ không âu lo ấy đã làm cho mọi người dần lười nhác, suốt ngày họ chỉ biết say sưa mộng tưởng, cờ bạc rong chơi, mặc tình hưởng lạc, có lúc quên cả thời gian gieo trồng.
Vua Thục tên Đỗ Vũ 杜宇 là một vị vua siêng năng cần mẫn, ông rất thương yêu nhân dân của mình. Nhìn thấy họ vui sướng quên lo, trong lòng ông như lửa đốt. Để không trễ nãi nông vụ, mỗi khi đến tiết xuân gieo cấy, ông chạy khắp nơi, thúc giục mọi người gieo hạt, cho kịp thời gian. Và cứ như thế, năm này qua năm khác, vô tình đã tạo cho người dân một thói quen: nếu Đỗ Vũ không đến thì không gieo hạt.
Cuối cùng, Đỗ Vũ mệt nhọc thành bệnh, từ bỏ cõi đời, nhưng đối với nhân dân, ông vẫn không quên, linh hồn hoá thành một loài chim nhỏ. Mỗi khi xuân về, chim bay lượn khắp nơi, cất lên những tiếng kêu như thúc giục: “Khoái khoái bố cốc, khoái khoái bố cốc” 快快布谷, 快快布谷 (mau mau gieo hạt, mau mau gieo hạt); kêu đến nỗi miệng rỏ máu tươi; từng giọt máu rỏ xuống khắp núi đồi hoá thành những bông hoa tươi đẹp.
Mọi người cảm động, bắt đầu học theo Đỗ Vũ, siêng năng chăm chỉ, họ gọi loài chim ấy là chim Đỗ Quyên, gọi những bông hoa xinh đẹp từ máu hoá thành là hoa Đỗ Quyên.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/7/2013
Trích dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐỖ QUYÊN HOA
杜鹃花
0 nhận xét:
Đăng nhận xét