NỤ CƯỜI BAO TỰ
Chu U Vương háo sắc, có lúc đắm chìm nơi hậu cung 3 tháng, không ngó ngàng gì đến triều chính. Có một quý tộc tên là Bao Hướng 褒珦 đắc tội với U Vương, bị giam trong ngục. Biết sở thích của U Vương, người nhà Bao Hướng đem người con gái xinh đẹp tên là Bao Tự 褒姒 (1) tiến cung. U Vương trông thấy vô cùng vui mừng, lập tức thả Bao Hướng.
Sau khi Bao Tự nhập cung rất được U Vương sủng ái. Nhưng từ lúc vào cung trở đi, Bao Tự chưa lần nào mở miệng cười. Để làm cho Bao Tự cười, U Vương không ngừng ban thưởng trân kì dị bảo, nhưng Bao Tự luôn cự tuyệt. U Vương lại nghĩ ra cách khác: phế Hoàng hậu và Thái tử, lập Bao Tự làm Hậu, lập người con do Bao Tự sinh ra làm Thái tử, những Bao Tự cũng vẫn không cười. U Vương tìm đủ mọi cách nhưng đều không có hiệu quả. Lúc bấy giờ, có một đại thần tên là Quắc Thạch Phủ 虢石父 dâng kế, nên đốt lửa lên để giễu cợt chư hầu, nhất định sẽ khiến Vương hậu cười.
U Vương nghe theo, lập tức sai người đến Phong hoả đài 烽火台 đốt lửa. Chư hầu các lộ trông thấy khói bốc lên tứ phía, tưởng rằng đô thành có biến liền lũ lượt kéo quân về hộ giá. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đô thành nhà Chu bụi bay mù mịt, tiếng người tiếng ngựa huyên náo, khí thế hừng hực. Bao Tự đứng trên lầu thành nhìn thấy cảnh tượng ấy, bất giác cười lên. Đợi Bao Tự cười xong, U Vương nói với các chư hầu:
Ở đây không có việc gì đâu. Các khanh về đi.
Để được người đẹp cười, Chu U Vương “đốt lửa giễu chư hầu”, khiến các chư hầu giận dữ nói rằng: Để lấy lòng người đẹp, đem đại sự quốc gia ra giễu cợt, làm quân vương như thế sớm muộn cũng sẽ bị mất nước.
Thái tử Nghi Cửu 宜臼 bị U Vương phế truất vô cùng bất mãn, liên hợp với ngoại tổ phụ và các nước chư hầu cùng bộ lạc Khuyển Nhung tấn công đô thành. U Vương vội sai người đốt lửa hướng đến chư hầu cầu viện. Chư hầu cho rằng U Vương diễn lại trò cũ nên đều án binh bất động. Kết quả, đô thành Hạo kinh 镐京 bị công phá, U Vương bị giết chết, Bao Tự bị bắt đi.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Về thân thế của Bao Tự 褒姒, trong sử sách ghi chép rằng: Cuồi thời nhà Hạ, có hai con rồng bay đến sân chầu, tự xưng là “Bao chi nhị quân” 褒之二君. Vua nhà Hạ sau khi thông qua chiêm bốc được quẻ “tốt nên cất giữ”, vì thế sau khi đợi rồng bay đi, đã lấy nước dãi của rồng để lại đựng vào trong chiếc hộp gỗ đem cất. Chiếc hộp này truyền đến cuối đời Chu Lệ Vương 周厉王, Lệ Vương mở ra xem, sơ ý làm rơi nước dãi rồng xuống sân, không có cách nào chùi sạch, nhìn thấy nước dãi hoá thành một con “huyền ngoan” 玄鼋 tức con giải có sắc đen, bò vào vương phủ. Một người thiếp trẻ giẫm phải con giải và đã thụ thai. Đến thời Chu Tuyên Vương 周宣王người thiếp sinh ra một đứa con gái. Đứa con gái này bị vứt bỏ ngoài đồng, đôi vợ chồng ở nước Bao 褒 nhặt đem về nuôi lớn. Nhân vì dung mạo xinh đẹp nên cô gái được dâng lên cho U Vương 幽王 háo sắc.
Về sau mới có câu chuyện “nhất tiếu khuynh thành” 一笑倾城
Theo một tài liệu khác:
Bao Tự 褒姒vốn họ Tự 姒, vì do người nước Bao 褒 hiến dâng lên cho U Vương nên có tên là Bao Tự.
Năm 779 trước công nguyên (Chu U Vương 周幽王 năm thứ 3), Chu U Vương chinh phạt nước Hữu Bao 有褒, người nước Bao dâng người đẹp Bao Tự để xin hàng. U Vương yêu quý như ngọc trên tay. Năm sau, Bao Tự sinh con là Bá Phục伯服, U Vương càng thêm yêu quý, nên đã phế Vương hậu là con gái của Thân Hầu 申侯 cũng Thái tử, lập Bao Tự làm Hậu, Bá Phục làm Thái tử.
Bao Tự rất ít cười, nhưng mỗi lần cười càng đẹp khiến nhiều người mê mẫn. Chu U Vương đề xuất thưởng nghìn vàng cho những ai làm cho Bao Tự cười. Quắc quốc Thạch Phủ 虢國石父dâng kế, bảo U Vương đưa Bao Tự đến Li sơn 驪山, đốt lửa ở Phong hoả đài, đồng thời nổi trống báo nguy. Chư hầu các nước vội đem quân đến cứu, nhưng phát hiện hoàn toàn vô sự, nên thoái binh. Bao Tự ngăn không được liền mở miệng cười. U Vương vô cùng vui mừng, nhưng từ việc này đã thất tín với chư hầu.
Năm 771 trước công nguyên, quân Khuyển Nhung tiến đánh, U Vương lại đốt lửa ở Phong hoả đài, nhưng chư hầu đã không xuất binh cứu viện. U Vương bị giết, Bao Tự bị bắt đi. Nhà Tây Chu mất.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/7/2013
Nguyên tác Trung văn
BAO TỰ NHẤT TIẾU
褒姒一笑
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét