About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Học và làm người (kì 3)

HỌC VÀ LÀM NGƯỜI
(kì 3)

          Thị dục bị vật chất lôi kéo, thế thì dù là thép tôi luyện trăm lần cũng trở thành sợi dây mềm. Tóm lại, ý chí của một người từ kiên cường dễ biến thành bạc nhược, từ bạc nhược lại khó biến thành kiên cường. Người mà có ý chí bạc nhược thì người đó coi như hết rồi. Tự mình không làm chủ nổi mình thì có việc gì mà có thể làm được. Bị người khác áp chế, làm nô lệ cho họ, chỉ cần tự mình phấn đấu cuối cùng vẫn có thể khôi phục tự do. Ý chí của mình làm nô lệ cho thị dục của mình, thế thì, quả thực vạn kiếp trầm luân, vĩnh viễn không khôi phục được chỗ đứng của mình, suốt đời sợ trước sợ sau trở thành kẻ đáng thương. Khổng Tử nói:
          Hoà nhi bất lưu, cường tai kiểu; Trung lập nhi bất ỷ, cường tai kiểu; Quốc hữu đạo, bất biến tắc yên, cường tai kiểu; Quốc vô đạo, chí tử bất biến, cường tai kiểu (1).
          和而不流, 強哉矯; 中立而不倚, 強哉矯; 國有道, 不變塞焉, 強哉矯; 國無道, 至死不變, 強哉矯.
          (Giữ hoà khí với mọi người mà không a dua theo họ, kiên cường mạnh mẽ thay; Trung lập mà không thiên lệch, kiên cường mạnh mẽ thay; Khi nước có đạo, tuy hiển đạt đắc chí cũng không thay đổi khí tiết có từ trước, kiên cường mạnh mẽ thay; Khi nước không có đạo, tuy nguy hiểm đến mất cả tính mạng cũng không thay đổi khí tiết thường ngày, kiên cường mạnh mẽ thay)
          Tôi thành thực nói cùng quý vị, làm người nếu không làm được tới đó thì sẽ không thành con người. Nhưng làm tới đó quả thực là không dễ, nếu không phải lúc nào cũng rèn luyện ý chí thì không thể. Rèn luyện ý chí tới cùng, tự nhiên sẽ nhìn thấy sự việc mà mình cần làm, làm ngay không chút trì hoãn “tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ”. Như vậy mới được xem là hạng người đội trời đạp đất, tuyệt nhiên không phải là loại người giấu đầu rút cổ, đó chính là mục đích của ý dục, muốn con người phải là “dũng giả bất cụ”.
          Chúng ta lấy 3 điều này làm tiêu chuẩn làm người. Xin quý vị nghĩ thử, bản thân mình hiện nay làm được điều nào rồi? Điều nào chỉ nắm bắt một chút, nếu ngay cả một điều mà không thể làm được, ngay cả một chút nắm bắt cũng không có, thì quả là nguy hiểm rồi, tương lai việc làm người e rằng các vị làm  không thành. Thưa quý vị, quý vị tuyệt đối không nên cho rằng với những mảnh tri thức đó đã là có học vấn! Tôi thành thực không khách khí mà nói với quý vị: Nếu quý vị làm một người, tri thức càng nhiều càng tốt, nếu làm không thành, tri thức càng nhiều càng hỏng. Quý vị không tin ư? Thử nghĩ những tên quốc tặc nào đó mà người trong cả nước thoá mạ có tri thức không, hay là không có tri thức? Thử nghĩ những tay quan lại chính khách chuyên giúp bọn quân phiệt làm điều ác, ăn thịt lương dân mà người trong cả nước căm hận có tri thức không, hay là không có tri thức? Quý vị cần nên biết rằng, những người đó mười mấy năm trước, ý khí tung hoành, thiên chân tươi sáng, chưa từng khác với quý vị, tại sao lại đoạ lạc đến mức đó? Khuất Nguyên 屈原 (2) nói rằng:
Hà tích nhật chi phương thảo hề
Kim trực vi thử ngải tiêu dã?
Khởi kì hữu tha cố hề,
Mạc hiếu tu chi hại dã (3).
何昔日之芳草兮
今直為此艾蕭也
豈其有他故兮
莫好修之害也
Cỏ thơm ngày xưa
Sao nay lại hoá thành cỏ tiêu cỏ ngải
Há có cớ gì khác đâu
Chỉ vì chẳng ham tu dưỡng mà thành hại.
          Việc thương tâm nhất trong thiên hạ không gì bằng nhìn thấy đám thanh niên, từng bước từng bước đi trên con đường xấu. Quý vị mau tỉnh ngộ! người mà hiện nay các vị chán ghét, chính là tấm gương xe trước đổ đấy.
          Thưa quý vị, hiện tại quý vị hoài nghi ư? trầm muộn ư? bi ai thống khổ ư? cảm thấy không chống đỡ nổi sức ép từ bên ngoài ư? Tôi xin nói cho quý vị biết: quý vị hoài nghi, trầm muộn, là do bởi quý vị “bất trí” mới lầm lẫn; quý vị bi ai, thống khổ, là do quý vị “bất nhân” mới lo âu; quý vị cảm thấy không chống đỡ nổi sức ép từ bên ngoài, là do quý vị “bất dũng” mới sợ hãi. Đây đều là trí, tình, ý của quý vị chưa từng trải qua tu dưỡng, rèn luyện, cho nên vẫn chưa thành người. Tôi hi vọng quý vị có sự tự giác thống thiết. Có tự giác tự nhiên sẽ tự động. Thế thì, ngoài trường học ra, đương nhiên sẽ có nhiều học vấn khác. Đọc một quyển kinh, lật một quyển sử, chỗ nào cũng có thể phát hiện vị thầy giỏi của mình. Thưa quý vị, mau tỉnh ngộ đi. Nuôi dưỡng trí tuệ căn bản của quý vị, thể nghiệm nhân cách, nhân sinh quan của quý vị, bảo vệ ý chí tự do của quý vị, quý vị có thành nhân hay không là xem trong mấy năm này đấy.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Hoà nhi bất lưu, cường tai kiểu; Trung lập nhi bất ỷ, cường tai kiểu; Quốc hữu đạo, bất biến tắc yên, cường tai kiểu; Quốc vô đạo, chí tử bất biến, cường tai kiểu 和而不流, 強哉矯; 中立而不倚, 強哉矯; 國有道, 不變塞焉, 強哉矯; 國無道, 至死不變, 強哉矯:
          Đoạn này ở Trung dung 中庸, đây là lời của Khổng Tử nói với Tử Lộ. Ý nghĩa là: đối đãi một cách hoà khí với mọi người nhưng không đồng lưu hợp ô; trung lập không thiên lệch; Khi đất nước có đạo, tuy hiển đạt đắc chí, mà cũng không thay đổi tiết tháo lúc trước; Khi đất nước vô đạo, tuy gặp phải bần cùng nguy hiểm cũng không thay đổi khí tiết ngày thường, như vậy mới gọi là “chân cường” “chân dũng”.
“Kiểu” ý nói có dáng mạnh mẽ. “Tắc” , ở đây phải giảng với nghĩa là “thực” .
(2)- Khuất Nguyên 屈原: tên là Bình , hiệu Linh Quân 靈圴, người nước Sở thời Chiến Quốc, trứ tác của ông có các thiên như Li tao 離騷, Viễn du 遠遊. Khuất Nguyên là ông tổ của từ phú.
(3)- Hà tích nhật chi phương thảo hề …. Mạc hiếu tu chi hại dã 何昔日之芳草兮 ….. 莫好修之害也: đoạn này trong Li tao離騷.
          “Phương thảo” 芳草 ở đây ví với quân tử, “ngải, tiêu” 艾蕭 đều là loại cỏ dại, ở đây ví với tiểu nhân. “Trực” có nghĩa là “lại”. “Hiếu” ở đây giảng là “hoan hỉ”. “Tu” chỉ việc học tập tu dưỡng.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 12/01/2014

Nguyên tác Trung văn
VI HỌC DỮ TỐ NHÂN
為學與做人
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành

0 nhận xét:

Đăng nhận xét