KHỞI NGUYÊN CỦA GIÀY

Thời cổ phân chia phục sức trên thân thể con người ra làm “thủ y” 首衣, “thượng y” 上衣, “hạ y” 下衣 và “túc y” 足衣. Túc y chính là từ mà người xưa gọi chung giày và vớ. Lúc bấy giờ, sức sản xuất của xã hội cực kì thấp, cũng chưa phát minh ra dệt. Phụ nhân bất chức, cầm thú chi bì túc y dã 妇人不织, 禽兽之皮足衣也 (Đàn bà không dệt, dùng da thú để bọc chân) (Hàn Phi – Ngũ đố 韩非 - 五蠹). Theo sự nghiên cứu của các chuyên gia, nhân loại trải qua thời kì chân trần, về sau mới phát minh ra giày. Tại nơi tương đối lạnh giá này, người nguyên thuỷ lúc bấy giờ dùng một miếng da nhỏ cắt từ tấm da thú để quấn đôi chân lại, trên thực tế đó là một loại vớ da. Đây chính là “túc y” sớm nhất, đã có lịch sử hơn mấy vạn năm. Nhân vì dùng để bọc chân nên cũng gọi là “khoả cước bì” 裹脚皮. Theo sự suy đoán, nó là giày nguyên thuỷ cổ xưa nhất, cũng là hình thái nguyên thuỷ của giày ngày nay. Theo truyền thuyết, giày do Phục Hi 伏羲 phát minh, khi săn bắt động vật, ông dùng da thú bọc chân lại, vừa đề phòng chân bị tổn thương vừa giữ ấm chân, là người đi đầu trong việc mang giày của nhân loại.
Tuy đến nay Trung Quốc vẫn chưa phát hiện được vật thực “giày nguyên thuỷ”, nhưng trong những văn vật khảo cổ khai quật được đã phản ánh hình tượng giày, ủng mà cư dân thời viễn cổ đã mang, cung cấp những tư liệu sinh động cho việc nghiên cứu lịch sử văn hoá thời viễn cổ ở Trung Quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/01/2014
Nguyên tác Trung văn
HÀI ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
鞋的起源
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét