TÁO VƯƠNG GIA
Táo thần 灶神 cũng được gọi là Táo vương 灶王, Táo quân 灶君, Táo vương gia 灶王爷, Táo công Táo mẫu 灶公灶母, Đông trù tư mệnh 东厨司命… là vị thần chủ về ẩm thực trong truyền thuyết thần thoại cổ đại Trung Quốc. Từ đời Tấn, Táo thần được liệt vào Thần tư mệnh đốc sát việc thiện ác của nhân gian. Sau khi nhân loại thoát li cuộc sống ăn lông uống huyết, phát minh ra lửa, theo sự phát triển của sản xuất xã hội, bếp đã dần có mối tương quan mật thiết với cuộc sống nhân loại. Sùng bái Táo thần cũng thành một nội dung trọng yếu trong hoạt động chư đa bái thần. Cho nên trong Lễ kí – Tế pháp 礼记 - 祭法 có ghi:
Vương vị quần tính lập thất tự (1)
王为群姓立七祀
(Vương vì thiên hạ bách tính thiết lập 7 loại tế tự)
Tức có một “tự” 祀là “Táo” 灶, còn thứ sĩ, thứ nhân lập 1 “tự”, “hoặc lập Hộ, hoặc lập Táo” 或立户, 或立灶.
Táo thần danh xưng đầy đủ là “Đông trù tư mệnh cửu linh nguyên vương định phúc Thần quân” 东厨司命九灵元王定福神君, tục gọi “Táo quân” 灶君, hoặc Táo quân công 灶君公, Tư mệnh chân quân 司命真君, Cửu thiên đông trù yên chủ 九天东厨烟主, Hộ trạch thiên tôn 护宅天尊, hoặc Táo vương 灶王; phương bắc gọi ông là Táo vương gia 灶王爷, cung đình tôn thờ là một trong Tam ân chủ (2), cũng chính là vị Thần ở gian bếp. Khởi nguyên của Táo thần có từ rất lâu, triều Thương đã bắt đầu phụng thờ trong dân gian, trong Chu lễ 周礼 cho ông Lê 黎, con của Hu Toả 吁琐 là Táo thần. Trước thời Tần Hán, Táo thần được liệt vào một trong “Ngũ tự” 五祀 chủ yếu, cùng với Môn thần 门神, Tỉnh thần 井神, Xí thần 厕神, Trung lựu thần 中溜神 đồng phụ trách sự bình yên của một nhà. Sở dĩ Táo thần được mọi người kính trọng, ngoài nắm giữ việc ẩm thực của con người, ban cho người những tiện lợi trong sinh hoạt ra, chức trách của Táo thần còn là vị quan giữ chức vụ khảo sát việc thiện ác của một nhà mà Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống nhân gian. Bên trái và bên phải Táo thần còn có 2 vị Thần theo hầu, một vị bưng “hộp thiện”, một vị bưng “hộp ác”, theo dõi hành vi của người trong nhà rồi ghi chép lại bỏ vào hộp, cuối năm sau khi tổng kết sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày 24 tháng Chạp Táo thần rời nhân gian lên trời bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế những việc làm mà người trong nhà đã làm trong năm qua, cho nên nhà nhà đều “tống Táo thần”. Thời gian “tạ Táo” cũng phân theo giai tầng. Ngày nào tạ Táo, trong dân gian có câu:
Quan tam, dân tứ, Đặng gia ngũ.
官三, 民四, 邓家五
“Quan” chỉ quan lại quyền quý, theo tập quán ngày 23 tạ Táo. “Dân” chỉ bình dân bách tính, ngày 24 tạ Táo. “Đặng gia” chỉ những người sống trên sông nước (3), ngày 25 tạ Táo. Nhưng đại bộ phận bách tính dân gian đều chọn ngày 23 để tạ Táo.
Lễ vật để đưa tiễn Táo thần nhìn chung thường dùng một số những món vừa ngọt vừa dính như kẹo mạch nha, bánh trôi nước … tóm lại dùng những món vừa ngọt vừa dính mục đích là nhằm “khoá” miệng Táo thần, để khi lên trời Táo thần nói những lời tốt đẹp, gọi là “ăn món ngọt, nói điều hay”, “lời tốt truyền đến trời, lời xấu bỏ lại một bên”. Ngoài ra, niêm dính miệng Táo thần để ông ta khó mở miệng nói lời xấu. Cũng có người dùng hèm rượu bôi lên Táo quân gọi là “Tuý Tư mệnh” 醉司命, ý nghĩa là làm cho Táo thần say, đầu óc không được tỉnh táo, để giảm bớt những báo cáo. Nhân đó, tế Táo thần tượng trưng ý nghĩa cầu phúc miễn hoạ. Khi tế Táo quân, sắp bày vật phẩm, thắp hương tế bái, tiếp đó dâng rượu lần thứ nhất, lúc này hướng đến Táo quân thành tâm cầu khấn. Hoàn tất sẽ dâng rượu lần hai, sau khi dâng rượu lần ba sẽ lấy hình Táo quân cũ xuống đem hoá cùng giáp mã vàng bạc, tượng trưng cho Táo quân lên trời, nghi thức thuận lợi hoàn thành, hoá ngựa giấy để Táo thần cưỡi lên trời. Cũng cần phải chuẩn bị đậu nành và cỏ khô để làm lương thực cần thiết cho Táo thần và ngựa trên con đường dài. Ngoài ra, còn phải thắp hương, khấu đầu nhúm một nhúm tro của cỏ khô đã đốt rắc trước bếp, miệng khấn:
Thiên thượng ngôn hảo sự,
Hồi cung giáng bình an
天上言好事
回宫降平安
(Trên trời tâu những việc tốt
Về lại cung giáng những điều lành)
mục đích để cầu khấn Táo vương bẩm báo những việc làm tốt của người trong nhà với Ngọc Hoàng Thượng Đế, không nói những điều xấu. Sau khi tiễn Thần minh, chớ có quên vào ngày mồng 4 tháng Giêng (có thuyết là vào đêm Trừ tịch) nghinh đón các thần trở về lại, đây gọi là “Tiếp Táo” 接灶 hoặc “Tiếp Thần” 接神. Nghi thức tiếp Táo thần rất đơn giản, chỉ cần nơi bếp dán hình Táo thần mới.
Táo thần là nam hay nữ? Xưa nay có nhiều thuyết khác nhau, nhìn chung Kinh học gia cho rằng Táo thần là một bà lão, hoặc một mĩ nữ. Thời Đường, Lí Hiền 李贤 chú dẫn lời trong Tạp ngũ hành thư 杂五行书 lại nói:
Táo thần danh Thiện, tự Tử Quách, ý hoàng y, phi phát, tùng táo trung xuất.
灶神名禅, 字子郭, 衣黄衣, 披发, 从灶中出
(Táo thần tên là Thiện, tự Tử Quách, mặc áo vàng, thả tóc, xuất hiện từ trong bếp)
Riêng trong Kính Táo toàn thư 敬灶全书 đời Thanh lại nói, Táo quân họ Trương 张, tên Đan 单, tự Tử Quách 子郭, thuộc nam thần. Hiện nay, vị Đông trù tư mệnh định phúc Táo quân mà dân gian phụng thờ là một đôi vợ chồng già ngồi cùng nhau, hoặc là một nam 2 nữ cùng ngồi, tức hình Táo quân và Táo quân phu nhân. Xem ra bách tính Trung Quốc sợ Táo ông cô độc nên đã thêm Táo bà để cùng thờ, thể hiện tinh thần “dĩ nhân vi bản” 以人为本 (lấy người làm gốc).
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THẤT TỰ 七祀: trong Lễ kí – Tế pháp 禮記 - 祭法 ghi rằng:
Vương vị quần tính lập thất tự, viết Tư mệnh, viết Trung lựu, viết Quốc môn, viết Quốc hành, viết Thái lệ, viết Hộ, viết Táo.
王為群姓立七祀, 曰司命, 曰中霤, 曰國門, 曰國行, 曰泰厲, 曰戶, 曰竈
(Vương vì thiên hạ bách tính thiết lập 7 loại tế tự: một là Tư mệnh thần, hai là Trung lựu thần, ba là Quốc môn thần, bốn là Quốc hành thần, năm là Thái lệ thần, sáu là Hộ thần, bảy là Táo thần)
Theo Lễ kí dịch giải 禮記譯解, tác giả Vương Văn Cẩm 王文錦, Trung Hoa thư cục, 2007.
(2)- TAM ÂN CHỦ 三恩主: chỉ Quan Thánh Đế Quân 關聖帝君 (Ân chủ công),
Phu Hựu Đế Quân 孚佑帝君 (Lữ ân chủ tức Lữ Động Tân 呂洞賓), Tư Mệnh Chân Quân 司命真君 (Trương ân chủ) tức Táo thần.
(3)- Một số tư liệu cho “Đặng gia” là Đạo sĩ Hoà thượng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 23/01/2014
(Ngày 23 tháng Chạp năm Quý Tị)
Nguồn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét