NHÂN VẬT KIỆT XUẤT TRONG SỐ CÁC TIÊN CÔNG NHÀ CHU
VÀ NGUỒN GỐC TÊN GỌI “CHU ”
Truyền thống coi trọng nông nghiệp bắt đầu từ Hậu Tắc 后稷, đời đời nối tiếp nhau. Theo truyền thuyết, đến thời Công Lưu 公刘, để tìm được một nơi canh tác thích hợp hơn, tộc này đã dời đến đất Bân 豳 (Tuần Ấp 旬邑 Thiểm Tây 陕西). Thành tựu về nông nghiệp của Công Lưu đã thu hút được một số lượng lớn dân chúng quy phụ, từ đó người Chu 周 đã có một thế lực nhất định. Vào khoảng thời gian trung và hậu kì nhà Thương 商, đến thời Cổ Công Đản Phủ 古公亶父, do bởi bị sự uy hiếp của các tộc khác, người Chu không thể không dời đến vùng đất Chu 周 dưới chân Kì Sơn 岐山(Kì Sơn 岐山Thiểm Tây 陕西). Cũng giống như Bàn Canh 盘庚 nhà Thương dời đến đất Ân 殷, khi Cổ Công Đản Phủ bắt đầu quyết định dời đã gặp phải sự phản đối của tầng lớp trên trong xã hội. Sau khi Cổ Cổng Đản Phủ dời đến Kì Sơn thực thi cải cách tương đối triệt để, đặc biệt là về phương diện sản xuất nông nghiệp và tổ chức chính trị đã có những thành tích nổi bật. Do bởi họ cư trú tại trung tâm của bình nguyên Chu nên đặt quốc hiệu là “Chu ” 周, đồng thời bắt đầu có ý thức triển khai cuộc đọ sức với vương quyền Ân Thương. Nhìn chung mọi người cho rằng, thời đại Cổ Công Đản Phủ, người Chu đã bắt đầu “vương nghiệp” cho mình, vì thế Cổ Công Đản Phủ được người đời sau tôn là “Thái Vương” 太王.
Cổ Công Đản Phủ có 3 người con, con trưởng là Thái Bá 太伯, con thứ là Trọng Ung 仲雍 (cũng gọi là Ngu Trọng 虞仲), con út là Quý Lịch 季历. Lúc bấy giờ chưa xác lập chế độ con trưởng thừa kế, chỉ căn cứ vào thường quy, trong sự tranh đoạt quyền lực giữa anh em, người nhỏ nhất luôn là lợi hại nhất, do bởi tính cách đa phần kiên nghị, hơn nữa từ phía sau luôn được sự ủng hộ của phụ thân. Thái Bá và Trọng Ung không phải là đối thủ của Quý Lịch nên đã dẫn một số người chạy đến Giang Nam 江南, cắt tóc xăm mình, biểu thị nhất định không quay về triều đình, như vậy mới bảo toàn được tính mạng. Hai anh em đã lấy người nhà của mình làm thành viên cơ bản, dần dần phát triển thế lực tại Giang Nam , cuối cùng kiến lập nước Ngô 吴 tại vùng đất Tô Châu 苏州 hiện nay. Thái Bá tuy thiếu tác phong quyết đoán tranh đoạt quyền lực, nhưng lại phát huy mạnh mẽ tài năng trị quốc tại đất Ngô. Ông từng xây “Ngô thành” chu vi dài hơn 3 dặm, cho thấy rõ nhãn quan sắc bén của ông. Ông còn cho đào “ Thái Bá độc” 太伯渎, tức kênh đào có quy mô không nhỏ lúc bấy giờ. Kênh đào này phía tây bắt đầu từ Giang Nam, phía đông đến Nga hồ 鹅湖, dài khoảng 40 cây số, đối với việc tưới tiêu nông nghiệp có tác dụng mang tính quyết định. Lịch sử quan Nho gia cho rằng Thái Bá xuất bôn là hành vi nhường nước, kì thực chính là kết quả của việc đấu tranh quyền lực.
Quý Lịch kế thừa ngôi vị của Cổ Công, không chỉ là người có năng lực trong việc tranh đoạt quyền lực mà cũng là người có năng lực trị quốc. Ông một mặt phát triển nông nghiệp mà người Chu sở trường, mặt khác tăng cường hoạt động ngoại giao. Đôi với các nước chung quanh, nếu có thể giao hảo thì giao hảo, nếu không thể giao hảo thì triển khai công phạt, còn đối với đại quý tộc có thế lực ở triều đình thì dùng thủ đoạn quan hệ thông gia. Quý Lịch còn đi triều kiến Thương vương Vũ Ất 武乙, nhằm che đậy thế lực của mình, có mưu đồ chiếm lấy thiên hạ. Nhưng Thương vương Văn Đinh 文丁 nối tiếp Thương vương Vũ Ất vẫn cảm thấy được sự uy hiếp từ Quý Lịch nên tìm cơ hội giết chết Quý Lịch, nhưng việc đó cũng không ngăn nỗi sức mạnh phát triển của người Chu , do bởi người kế vị Quý Lịch có biện pháp cao minh hơn (1).
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Người kế vị Quý Lịch là Văn Vương Cơ Xương姬昌.
Thứ tự Tiên công của nhà Chu như sau:
Khí 弃 (Hậu Tắc 后稷) – Bất Truật 不窋 – Cúc 鞠 – Công Lưu 公劉 – Khánh Tiết 慶節– Hoàng Bộc 皇僕 – Sai Phất 差弗 – Huỷ Du 毀隃 – Công Phi 公非 – Cao Ngữ 高圉 – Á Ngữ 亞圉 – Công Thúc Tổ Loại 公叔祖類 – Cổ Công Đản Phủ 古公亶父 (Thái vương 太王) – Quý Lịch 季曆 (Vương Quý 王季) – Cơ Xương 姬昌 (Văn Vương 文王).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/01/2014
Nguyên tác Trung văn
TIÊN CÔNG TRUNG ĐÍCH KIỆT XUẤT NHÂN VẬT
DỮ “CHU ” ĐÍCH DO LAI
先公中的杰出人物与 “周” 的由来
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét