LĂNG TẨM ĐẾ VƯƠNG VÀ TÔNG MIẾU TRIỀU KIM
Chế độ lăng tẩm và tông miếu triều Kim được kiến lập trên cơ sở chịu ảnh hưởng của vương triều trung nguyên.
Thời gian đầu khi Nữ Chân 女真 kiến quốc, tổ tông sau khi mất được an táng ở phía đông rừng hộ quốc gần Thượng Kinh 上京, nghi chế đơn giản. Từ sau khi Hải Lăng Vương 海陵王 (*) dời đến đất Yên 燕, mới bắt đầu có ý định xây dựng lăng tẩm, lệnh cho Tư Thiên đài 司天台 chọn đất ở chung quanh Yên sơn 燕山. Trải qua hơn một năm tìm kiếm, bốc phệ, đã chọn được Đại Phòng sơn 大房山ở phía tây Lương hương 良乡(nay là huyện Phòng Sơn 房山), ở đây “núi đồi liên tiếp, cây rừng thấp thoáng” (1), là một nơi lí tưởng để xây dựng lăng tẩm. Năm Trinh Nguyên 贞元 thứ 3, Hải Lăng Vương “cho lấy chùa Vân Phong 云峰 ở Đại Phòng sơn làm Sơn lăng 山陵”, đồng thời cho xây hành cung ở chân núi (2). Tháng 10 năm Chính Long 正隆 thứ 1, cải táng 10 vị đế từ thuỷ tổ trở xuống ở Đại Phòng sơn (chỉ 10 vị trước khi kiến lập triều Kim là Thuỷ Tổ Hàm Phổ 始祖函普, Đức đế Ô Lỗ 德帝乌鲁, An đế Bạt Hải 安帝跋海, Hiến Tổ Tuy Khả 献祖绥可, Chiêu Tổ Thạch Lỗ 昭祖石鲁, Cảnh Tổ Ô Cổ Nãi 景祖乌古迺, Thế Tổ Hặc Lí Bát 劾里钵, Túc Tông Phả Thích Thục 颇刺淑, Mục Tông Doanh Ca 穆宗盈哥, Khang Tông Ô Nhã Tố 康宗乌雅素). Sau khi triều Kim kiến lập, trừ những tình huống đặc thù, lăng tẩm các vị đế đều tại Đại Phòng sơn.
Nữ Chân vốn không có chế độ tông miếu, việc tế tự không tỉ mỉ như người Hán ở trung nguyên. Trong Kim Lỗ Đồ kinh 金虏图经 nói rằng, từ sau khi Kim bình được Liêu, đa số đại thần được dùng đều là người Hán, họ “luôn nói rằng hiếu của bậc thiên tử là ở tại tôn tổ, việc tôn tổ là ở việc xây dựng tông miếu”, vì thế triều Kim bắt đầu xây dựng tông miếu, tại kinh sư gọi là Thái miếu 太庙. “Miếu mạo cùng tế tự tuy có”, nhưng “chế độ cực kì đơn giản” (3). Đầu niên hiệu Trinh Nguyên, Hải Lăng Vương dời về đất Yên, mở rộng miếu cũ, đưa thần vị tổ tông từ Thượng Kinh 上京dời về Trung Đô 中都, đặt ở Thái miếu. Niên hiệu Chính Long xây cung thất ở Nam Kinh 南京, lại lập tông miếu. Chế độ tế tự đại để tham chiếu cựu chế truyền thống của trung nguyên từ đời Chu trở đi “3 năm tế Hợp 祫, 5 năm tế Đế 禘”. “Hợp” 祫 tức “hợp thực Tổ miếu” 合食祖庙, chính là tập trung thần chủ của tổ tiên xa gần về Thái miếu để hợp tế. “Đế” 禘 là “Đế tự tôn ti” 禘序尊卑, chính là hợp thần chủ từ Cao Tổ phụ trở lên tế ở Thái Tổ miếu, từ Cao Tổ trở xuống chia ra tế ở bản miếu. Niên hiệu Đại Định 大定, lại theo lễ nhà Đường vào tháng đầu tiên của 4 mùa cùng cuối năm tế ở Thái miếu (4). Từ những ghi chép về những nghi thức Đế Hợp 禘祫, Triều Hưởng 朝享, Thời Hưởng 时享 ở tông miếu trong Kim sử 金史 quyển 30, mục Lễ chí tam 礼志三, có thể thấy sự trang trọng nhưng phức tạp, thể hiện sự sùng kính của họ đối với tổ tiên.
1- Thái Tổ 太祖: Duệ lăng 睿陵
Mất năm Thiên Phụ 天辅 thứ 7, táng tại phía tây nam cung thành Thượng Kinh 上京, xây điện Ninh Thần 宁神 ở lăng. Năm Thiên Hội 天会 thứ 13, cải táng ở Hoà lăng 和陵. Năm Hoàng Thống 皇统 thứ 4 đổi gọi là Duệ lăng 睿陵. Tháng 1 năm Trinh Nguyên 贞元 thứ 3, cải táng tại Đại Phòng sơn 大房山.
2- Thái Tông 太宗: Cung lăng 恭陵
Mất năm Thiên Hội 天会 thứ 13, táng tại Hoà lăng 和陵. Năm Hoàng Thống 皇统 thứ 4, đổi hiệu là Cung lăng恭陵. Tháng 1 năm Trinh Nguyên 贞元thứ 3, cải táng tại Đại Phòng sơn 大房山.
3- Hi Tông 熙宗: Tư lăng 思陵
Mất năm Hoàng Thống 皇统 thứ 9, táng tại khu vực mộ của Bùi Mãn thị 裴满氏. Năm Trinh Nguyên 贞元thứ 3, cải táng tại Lục Hương điện 蓼香甸 ở Đại Phòng sơn 大房山. Đầu niên hiệu Đại Định 大定, gọi lăng là Tư lăng 思陵, năm thứ 28 cải táng ở thung lũng Nga Mi 峨嵋, vẫn gọi là Tư lăng.
4- Hải Lăng Vương 海陵王:
Mất năm Chính Long 正隆 thứ 6, linh cữu đặt tại Ban Kinh quan 班荆馆 ở Nam Kinh 南京. Năm Đại Định 大定thứ 2 giáng xuống làm Hải Lăng Vương 海陵王, táng tại khu vực các Vương ở thung lũng Lộc Môn 鹿门 Đại Phòng sơn 大房山. Năm thứ 20 phế làm thứ nhân, cải táng tại phía tây nam Sơn lăng 山陵 40 dặm.
5- Thế Tông 世宗: Hưng lăng 兴陵
Táng tại Đại Phòng sơn 大房山.
6- Chương Tông 章宗: Đạo lăng 道陵
Táng tại Đại Phòng sơn 大房山.
7- Vệ Thiệu Vương 卫绍王:
không rõ
8- Tuyên Tông 宣宗: Đức lăng 德陵
Táng tại Đại Phòng sơn 大房山.
9- Ai Tông 哀宗:
Năm Thiên Hưng 天兴 thứ 3, quân lính bao vây, ông tự ải, người ta thu nhặt xương cốt ông chôn bên bờ sông Nhữ 汝.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Đại Kim quốc chí 大金国志 quyển 33 Lăng miếu chế độ 陵庙制度.
(2)- Kim sử 金史 quyển 5, Hải Lăng kỉ 海陵纪.
(3)- Tam triều bắc minh hội biên 三朝北盟会编 Viêm Hưng thượng trật 炎兴上帙 144.
(4)- Kim sử 金史 quyển 30 Lễ chí tam 礼志三.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- HẢI LĂNG VƯƠNG 海陵王(1122 – 1161): tên Nữ Chân là Địch Cổ Nãi 迪古乃, tên Hán là Hoàn Nhan Lượng 完颜亮, vị Hoàng đế đời thứ 4 triều Kim,
cháu của Kim Thái Tổ A Cốt Đả 阿骨打, con thứ 2 của Liêu Vương Hoàn Nhan Tông Cán 完颜宗干. Hải Lăng Vương giết Kim Hi Tông 金熙宗 soán ngôi, sau đó dời đô về Yên kinh 燕京, dần từng bước Hán hoá. Nhân vì thất bại trong trận đại chiến ở Thái Thạch 采石, bị bộ hạ giết chết, tại vị 12 năm.
Sau khi chết ông bị biếm làm thứ nhân.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/01/2014
Nguyên tác Trung văn
ĐẾ VƯƠNG LĂNG TẨM DỮ TÔNG MIẾU
帝王陵寝与宗庙
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
LIÊU KIM TÂY HẠ QUYỂN
中国风俗通史
辽金西夏卷
Tác giả: Tống Đức Kim 宋德金, Sử Kim Ba 史金波
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét