NỮ LÀ KHỞI ĐẦU CỦA CON NGƯỜI
BÀN VỀ CHỮ “NỮ”
“Nữ” 女 là chữ tượng hình, trong giáp cốt văn chữ “nữ” giống hình trạng một phụ nữ đang quỳ hai tay bị trói. Từ tự hình có thể thấy địa vị nô lệ của phụ nữ thời cổ. Với những chữ có chữ “nữ” bên cạnh cũng có thể phân tích được sự khinh thường lăng nhục phụ nữ. Như chữ “đố” 妒, “tật” 嫉, “hiềm” 嫌, “lãn” 嬾, “gian” 奸, “lam” 婪, “phương” 妨, “vọng” 妄, “yêu” 妖 … (*) Từ Kha 徐珂trong Thân dư phóng ngôn 呻余放言 có nói, loại chữ như vậy có 168 chữ (1). Tại sao như thế? Văn Nhất Đa 闻一多 trong Phụ nữ giải phóng vấn đề 妇女解放问题 nói rằng:
Chữ “nữ” 女 và chữ “nô” 奴 vào thời cổ không những đồng âm mà còn đồng nghĩa, vốn là một chữ, chỉ là có lúc thêm vào cánh tay (chỉ chữ “hựu” 又 trong chữ “nô”) dắt người con gái mà thôi. Lúc bấy giờ con gái chưa xuất giá gọi là “tử” 子, sau khi xuất giá mới gọi là “nữ” 女 hoặc “nô” 奴 (2).
“Nữ” và “nô” sao lại như nhau? Lục Tông Đạt 陆宗达 trong Huấn hỗ giản luận 训诂讲论 đã nói cho chúng ta biết:
Trong xã hội thị tộc, cách xử trí đàn ông và đàn bà bị bắt được trong chiến đấu có chỗ khác nhau: đàn ông thì bị giết chết, đàn bà bị bắt làm vợ và cho nhập vào tộc, kì thực cũng chính là nô lệ (3).
“Nữ” và “nô” như nhau điều này không có gì là lạ. Chữ “phụ” 婦trong từ “phụ nữ” 婦女 gồm người con gái và bên cạnh có cái chổi, chữ “tì” 婢 gồm người con gái và bên cạnh có cây quạt lớn, đều là người phục vụ cho chủ nô lệ. Từ đó chúng ta thấy trong chữ Hán xuất hiện rất nhiều chữ mang ý lăng nhục phụ nữ là điều không lấy làm lạ.
Nhưng cũng phải nói lại, trong lịch sử cũng từng có qua chế độ thị tộc, phụ nữ trong xã hội thị tộc chiếm địa vị chi phối, đây là sự trải qua phổ biến của các dân tộc trên thế giới, điều này cũng đã phản ánh trong chữ Hán. Thời đại chế độ nữ quyền, nội bộ thị tộc cấm kết hôn, thực hành chế độ ngoại hôn, lúc bấy giờ lãnh tụ bộ lạc đều là nữ, cho nên nhiều tính thị (họ) có chữ “nữ” bên cạnh. Như tính “Cơ” 姬, tính “Tự” 姒, tính “Doanh” 嬴, tính “Vân” 妘, tính “Cật” 姞, tính “Khương” 姜, tính “Diêu” 姚, đều là những tính lớn nổi tiếng thời cổ ở Trung Quốc. Thời cổ không chỉ có tính có chữ “nữ” bên cạnh, mà còn nhiều danh (tên) cũng có chữ “nữ” đứng đầu. Như Nữ Oa 女娲 trong truyền thuyết, người con gái thứ hai của vua Nghiêu là Nữ Oanh 女莹, Nữ Tu 女嬃 trong Li Tao 离骚 … Nữ Oa luyện đá vá trời, nặn đất thành người, không chỉ chiến thắng thiên nhiên mà còn sáng tạo ra nhân loại; Nữ Oanh là phi tử của vua Thuấn, vua Thuấn chết ở Thương Ngô 苍梧, bà cùng với người chị là Nga Hoàng 娥皇 nhảy xuống Tương giang 湘江tự tận cuối cùng hoá thành nữ thần Tương giang; Nữ Tu là chị của Khuất Nguyên 屈原, bà khuyên can Khuất Nguyên, quan tâm Khuất Nguyên. Còn như Luy Tổ 嫘祖, Khương Nguyên 姜嫄trong lịch sử, Thường Nga 嫦娥 trong thần thoại cũng đều dùng chữ “nữ” đứng bên cạnh để làm tên. Trong những chữ có chữ “nữ” bên cạnh, còn có nhiều từ biểu thị ý nghĩa tốt đẹp. Như “nga” 娥, “uyển” 婉, “quyên” 娟, “diệu” 妙, “vũ” 妩, “mị” 媚, “nhàn” 娴, “viên” 媛 … (**). Những chữ này cũng là những từ tốt đẹp xuất hiện trong quá trình nam và nữ cùng sáng tạo thế giới, và nó cũng biểu hiện phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ. Hơn nữa những từ, tự có chữ “nữ” bên cạnh, ngoài biểu hiện phẩm chất tốt đẹp ra, còn có nhiều từ liên quan đến cách xưng hô của giới nữ. Với phụ nữ, tuổi tác khác nhau, thân phận khác nhau, chức vụ khác nhau, cách xưng hô cũng khác nhau. Như có “tỉ muội” 姊妹, “trục lí” 妯娌, “đệ tự” 娣姒, “cô chương” 姑嫜 (***); trong cung có “tần phi” 嫔妃, “tiệp dư” 婕妤, “đại cô” 大姑. Những từ xưng hô có chữ “nữ” bên cạnh là một loại lớn trong những chữ có chữ “nữ”. Còn như trong những từ xưng hô như “lão bà” 老婆, “thiếp” 妾, chúng ta cũng có thể thấy được địa vị của phụ nữ.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Tiền Chung Thư 钱锺书: Quản chuỳ biên 管锤编 (3), trang 1034, Trung Hoa thư cục.
(2)- Văn Nhất Đa toàn tập 闻一多全集 (3), trang 44, Khai Minh thư điếm
(3)- Lục Tông Đạt 陆宗达: Huấn hỗ giản luận 训诂简论 trang 153, Bắc Kinh xuất bản xã.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Đố 妒: ghen Tật 疾: ghen ghét Hiềm 嫌: ngờ Lãn嬾: lười biếng
Gian 奸: gian dối Lam 婪: tham lam Phương 妨: hại, ngại
Vọng 妄: xằng, càn Yêu 妖: yêu quái, quái lạ.
(**)- Nga 娥: tốt đẹp Uyển 婉: nhu thuận, đẹp Quyên 娟: xinh đẹp,
Diệu 妙: khéo, hay Vũ 妩: đẹp Mị 媚: tươi đẹp Nhàn 娴: nhàn nhã
Viên 媛: con gái đẹp.
(***)- Tỉ muội 姊妹: chị em gái Trục lí 妯娌: chị em dâu
Đệ tự 娣姒: vợ anh gọi là “tự phụ” 姒妇, vợ em gọi là “đệ phụ” 娣妇
Cô chương 姑嫜: bố chồng là “chương”, tục gọi bố mẹ chồng là “cô chương”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/01/2014
Nguyên tác Trung văn
NŨ VI NHÂN CHI SƠ
ĐÀM “NŨ”
女为人之初
谈 “女”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: Kỉ Đức Dụ 纪德裕
Phúc Đán đại học xuất bản xã, 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét