About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Những tranh luận trong lịch sử ...

NHỮNG TRANH LUẬN TRONG LỊCH SỬ
VỀ HAI TÍNH CHẤT CỦA KINH THI

          Đọc Kinh Thi, vấn đề đầu tiên chính là vấn đề tính chất của Kinh Thi. Vấn đề tính chất của Kinh Thi chủ yếu có 2 hàm nghĩa:
          - Một là tác giả của Kinh Thi là ai ?
          - Hai là Kinh Thi có phải là dân ca ?
          Sự tranh luận tính chất của Kinh Thi đã có từ lâu, chủ yếu có mấy giai đoạn mang tính tiêu chí dưới đây:
          Đầu thời Tây Hán, trong Sử kí Thái Sử Công tự tự 史记太史公自序, Tư Mã Thiên 司马迁đã viết:
“Thi” tam bách thiên, đại để thánh hiền phát phẫn chi sở vi tác dã.
三百篇, 大抵圣贤发愤之所为作也.
          (Ba trăm thiên “Kinh Thi” đại để là những tác phẩm của thánh hiền phát phẫn mà làm ra)
          Câu này có 2 ý:
          - Một là cho rằng tác giả của Kinh Thiđại đa số là “thánh hiền”
          - Hai là cho rằng đó là những tác phẩm do phát phẫn mà làm ra.
          Nói “thánh hiền” làm ra tương đối dễ hiểu, vả lại cũng nhất trí với cách nói trong Mao Thi tự 毛诗序 cùng thời đại với Tư Mã Thiên. Thánh hiền đại khái bao gồm thánh nhân, quân tử, hậu phi, đại phu, sĩ, quốc nhân trong đó. Còn “phát phẫn” có ý nghĩa gì? Liên hệ với đoạn văn ở dưới của Thái Sử Công, đại khái chẳng qua là nói “con người trong tâm ý có điều uất kết không thông, cho nên thuật lại chuyện cũ, nghĩ đến cái mới”, cũng chính là nói “thi ngôn chí” 诗言志. Nhưng, cách nói của Tư Mã Thiên rõ ràng không hợp với thuyết “thái thi” 采诗 mà trong Quốc ngữ 国语, Tả truyện 左传 nói đến.
          Đời Tống, trong Thi tập truyện tự 诗集传序, Chu Hi 朱熹 đã đề xuất thuyết “Phong” trong Kinh Thi là dân ca.
Phong giả, dân tục ca dao chi thi dã
风者, 民俗歌谣之诗也
(Phong là loại thơ ca dao dân tục)
          Phàm ‘Thi’ chi sở vị ‘phong’ giả, đa xuất vu lí hạng ca dao chi tác, sở vị nam nữ tương dữ vịnh ca, các ngôn kì tình giả thị dã (1).
          之所谓, 多出于里巷歌谣之作, 所谓男女相与咏歌, 各言其情者是也.
          (Phàm ‘Thi’ mà được gọi là ‘phong’, đa phần đều xuất phát từ những bài ca dao nơi ngõ hẻm trong làng, đó là những lời vịnh ca của nam nữ với nhau, ai nấy đều nói lên tình cảm của mình)
          Mục đích biên tuyển là “để xem và lấy đó làm gương soi”. Hạ Truyền Tài 夏传才 chỉ ra rằng, đó là một mâu thuẫn trong việc giải thích Kinh Thi, bất luận là tôn “tự” thuyết “Thi” của các nhà Hán học, hay phế “tự” thuyết “Thi” của Chu Hi, một mặt nói “Quốc phong” là ca dao dân tục, một mặt khác lại nói là những sáng tác của Chu Công 周公 hoặc hậu phi giáo hoá thiên hạ. Đây quả là một cái nhìn thấu suốt của ông.
          Thời kì thứ 3 là thời kì “ngũ tứ” 五四, nhóm học giả phản truyền thống phê phán “Thi tự” 诗序, các thuyết giáo của Nho gia, khẳng định Kinh Thi là tổng tập ca dao cổ đại, Hồ Thích 胡适 là người bỏ công sức nhiều nhất, ông liên tiếp cho đăng:
          - Thi tam bách thiên ngôn tự giải 诗三百千言字解 (năm 1913)
          - Luận Hán Tống thuyết Thi chi gia cập kim nhân trị Thi chi pháp 论汉宋说诗之家及今人治诗之法 (năm 1914)
          - Vị Chu Hi biện vu pháp 为朱熹辩诬法 (năm 1915)
          Ông đề xuất, Kinh Thi không phải thánh kinh hiền truyện, mà chỉ là một bộ tổng tập ca dao cổ đại được thu thập dần dần. Năm 1925, ông lại đăng Đàm đàm Thi kinh 谈谈诗经, tiến thêm một bước định tính Kinh Thi là một bộ văn học có giá trị cổ nhất trên thế giới, ông cũng đề xuất 2 con đường nghiên cứu Kinh Thi, đó là “huấn hỗ” 训诂 và “đề giải” 题解. Quách Mạt Nhược 郭沫若, Tiền Huyền Đồng 钱玄同, Văn Nhất Đa 闻一多 cũng theo quan điểm này, thời kì này còn có phái “cổ sử biện” 古史辨 với những người rất trọng lượng như Cố Hiệt Cương 顾颉刚 đã có sự khảo biện đối với Kinh Thi, đều luận chứng nó là tổng tập thi ca, thuyết Kinh Thilà dân ca đã trở thành lí luận lưu hành. Điều này chứng tỏ tính chất của Kinh Thi đã có sự chuyển biến to lớn từ kinh học hướng đến văn học.
          Thời kì thứ 4 là những năm 50 của thế kỉ 20, bắt đầu mạnh mẽ nói “Quốc phong” là dân ca. Lí luận chủ yếu của thời kì này dựa trên chủ nghĩa Mác, đặc biệt là lí luận “nhân dân tính”. Nhưng, theo sự bộc phát nhanh chóng của “cải cách văn hoá”, Kinh Thi bị định tính là “văn học của quý tộc chủ nô”.
          Từ sau những năm 80 của thế kỉ 20, lên quan đến việc nghiên cứu tác giả của Kinh Thi là ai, có phải là dân ca hay không đã bắt đầu xem xét lại.
                                                                             (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- ChuHi . Thi tập truyện 朱熹 . 诗集传 [M]. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã. 1958. trang 21.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 04/01/2014

Nguyên tác Trung văn
LỊCH SỬ THƯỢNG
THI KINH ĐÍCH LƯỠNG CHỦNG TÍNH CHẤT CHI TRANH
历史上诗经的两种性质之争
Tác giả: Lưu Tự Nghĩa 刘绪义

0 nhận xét:

Đăng nhận xét