CÁT LỄ
(tiếp theo)
Đối với tế Địa kì地示 (示 là chữ gốc của chữ 祇) cũng theo tôn ti chia làm 3 bậc:
Bậc thứ 1: là xã tắc, ngũ tự, ngũ nhạc, dùng lễ Huyết tế 血祭để tế. Gọi “Huyết tế” đó là dùng máu của con vật đem tế rưới xuống đất để mong khí đến được với Thần đất. Xã 社là Thổ thần; Tắc 稷 là chủ của bách cốc. Ngũ tự 五祀là Thần của ngũ hành. Ngũ nhạc 五岳 chỉ Đông nhạc Đại tông 岱宗 (Thái sơn 泰山), Nam nhạc Hành sơn 衡山, Tây nhạc Hoá sơn 华山, Bắc nhạc Hằng sơn 恒山.
Bậc thứ 2: là núi rừng, sông hồ, dùng lễ Mai trầm 貍沈 để tế. Tế rừng núi gọi là “mai” 貍, tế sông hồ gọi là “trầm” 沈. Mai 貍 tức chữ 埋 (mai), đem con con vật được tế cùng ngọc, lụa chôn xuống đất, biểu thị lễ tế đối với Thần đất đai núi rừng. Chữ沈 thông với chữ 沉(trầm), đó là đem con vật được tế cùng ngọc lụa bỏ xuống nước để biểu thị lễ tế đối với sông hồ.Trong sách vở cổ không thiếu những ghi chép dùng phương thức “trầm” để tế Thần sông, như trong Tả truyện – Tương Công thập bát niên 左传 - 襄公十八年, Tấn phạt Tề, trước khi qua sông, Hiến Tử 献子 đã dùng dây đỏ buộc vào ngọc cầu đảo với Thần sông, sau đó “trầm ngọc nhi tế” 沈玉而济 (bỏ ngọc xuống nước rồi qua sông); Tả truyện – Định Công tam niên 左传 - 定公三年, Sái Chiêu Hầu 蔡昭侯từ nước Sở về, khi đi qua sông Hán 汉 đã “chấp ngọc nhi trầm” 执玉而沈 (cầm ngọc bỏ xuống nước).
Đối tượng của loại tế này còn có xã tắc, Thành hoàng, sông núi bốn phương, ngũ tự, lục tông … Theo Chu lễ - Tiểu tông bá 周礼 - 小宗伯, Vương sau khi tế Giao, phải vọng tế ngũ nhạc, tứ độc, tứ trấn. Tứ độc 四渎 chỉ 4 con sông lớn là Giang 江, Hà 河, Hoài 淮, Tế 济. Tứ trấn 四镇 chỉ Cối Kê sơn 会稽山ở Dương Châu 扬州, Nghi sơn 沂山 ở Thanh Châu 清州, Y Vô Lư 医无闾 ở U Châu 幽州, Hoắc sơn 霍山 ở Kí Châu 冀州, đó là trấn sơn của bốn phương. Ngũ nhạc, tứ trấn, tứ độc mỗi loại ở một nơi, cách nhau rất xa, khó mà tế cùng một lượt, cho nên lập đàn ở tứ giao của đô thành, vọng mà tế, cho nên gọi là “vọng tế” 望祭. Chư hầu chỉ có thể tế danh sơn đại xuyên trong đất phong của mình, cho nên từ xưa đã có cách nói:
Tế bất việt Vọng
祭不越望
(Tế không được vượt qua tế Vọng)
Bậc thứ 3: tứ phương bách vật, dùng lễ Phức cô để tế. Tứ phương bách vật chỉ các tiểu thần cai quản trăm vật của bốn phương. “Phức” là mổ bụng con vật đem tế, “cô” 辜là đem con vật đã mổ xẻ thịt. Đối tượng của loại tế này có ngũ tự là Hộ 户, Táo 灶, Lựu 霤, Môn 门, Hành 行. Trong Lễ kí – Nguyệt lệnh 礼记 - 月令 có nói: mùa Xuân tế Hộ, mùa Hạ tế Táo, trung ương tế Trung lựu, mùa Thu tế Môn, mùa Đông tế Hành. Năm vị Thần này liên quan mật thiết nhất với cuộc sống con người, làm cho dân sinh no đủ, vì thế cần phải báo đáp công ơn, cho nên phải tế Thần ngũ tự.
3- Nhân quỷ 人鬼
Tế Nhân quỷ chủ yếu là tế tổ tiên, tế tại miếu. Theo chế độ nhà Chu, thiên tử có 7 miếu, chư hầu 5 miếu, đại phu 3 miếu, sĩ 1 miếu. Trong Thi – Tiểu nhã – Thiên bảo 诗 - 小雅 - 天保 có câu:
Dược Từ Thường Chưng
Vu công tiên vương
禴祠烝尝
于公先王
(Tế Dược, tế Từ, tế Thường, tế Chưng
Tế các vị tiên công tiên vương)
“Dược”, “Từ”, “Chưng”, “Thường” là tên 4 lễ tế của 4 mùa theo thứ tự
Xuân Hạ Thu Đông. Ghi chép trong các sách cũng có chỗ hơi khác nhau, như 禴 được viết là 礿, 祠 được viết là 禘(đế) (1).
Số miếu của thiên tử rất nhiều khó mà tế trong cùng một ngày, cho nên lại phân chia “đặc” 犆 và “hợp” 祫. Trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制 có ghi:
Thiên tử đặc Dược, hợp Đế, hợp Thường, hợp Chưng.
天子犆礿, 祫禘, 祫尝, 祫烝
(Thiên tử tế Dược là phân biệt tế tại các miếu. Còn tế Đế, tế Thương, tế Chưng đều là đưa bài vị miếu chủ các miếu tập trung tại Thái Tổ miếu để tế hợp)
犆 chính là chữ 特(đặc), có nghĩa là đơn độc. “Đặc Dược” ý nói vào mùa Xuân tế từng miếu một. Còn “Hợp” 祫 là tế hợp, đem bài vị miếu chủ các miếu tập trung về Thái Tổ miếu để tế; 3 lễ tế Hạ, Thu, Đông là “Hợp tế”.
Đối với tế Tổ phụ còn tập trung vào tang lễ, có các danh mục như: điện 奠, ngu 虞, tốt khóc 卒哭, phục 袱, tiểu tường 小祥, đại tường 大祥, đạm 禫, tương đối phức tạp. Tế Nhân quỷ của đời sau không chỉ giới hạn ở tổ tiên mà còn bao gồm đế vương các đời, tiên vương tiên sư 先王先师, hiền thần 贤臣, tiên nông 先农, tiên tàm 先蚕, tiên hoả 先火, tiên xuy 先炊, tiên y 先医, tiên bốc 先卜 …
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Lễ kí dịch giải 礼禮記譯解 của Vương Văn Cẩm 王文錦, ở đây là chữ 禘(đế), trong nguyên tác in nhầm là 稀 (hi) nhưng lại có bính âm là dì. Chữ "hi" bính âm là xi (thanh 1), chữ "đế" bính âm là di (thanh 4)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu ghi rằng:
稀 1- thưa thớt. 2 lỏng, như hi chúc 稀粥 cháo loãng. 3- ít.
禘 là tên một lễ tế, thiên tử tế tổ tiên sánh ngang với trời gọi là tế Đế.
Nay theo Lễ kí dịch giải sửa lại là “đế”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/02/2014
Nguyên tác Trung văn
CÁT LỄ
吉礼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét