CHỦ NGHĨA “TRI KÌ BẤT KHẢ NHI VI” VÀ “VI NHI BẤT HỮU”
- Một là “trách nhiệm tâm” 責任心
- Hai là “hứng vị” 興味
Tôi là người rất giàu tình cảm. Đối với tình cảm của mình, tôi không ức chế, mà lắng nghe sự phát triển hết mức của nó. Kết quả của sự phát triển thường được sự điều hoà ngoài đắc ý. “Trách nhiệm tâm” và “hứng vị” đều thiên về phương diện tình cảm nhiều, thiên về phương diện lí trí ít.
“Trách nhiệm tâm” buộc đem cái gánh lớn đặt lên vai, rất khổ; “hứng vị” là rất thú vị. Cả hai ngoài mặt là tương phản, nhưng tôi đem chúng điều hoà lại. Cho nên cuộc sống của tôi, tuy một mặt nói là rất bận rộn, rất phức tạp, nhưng mặt khác rất điềm tĩnh, rất khoái lạc. Tôi cảm thấy trên thế gian sự việc có hứng thú cực nhiều; phiền muộn, đau khổ, áo não, tôi không hề có; đời người có thể khen tặng, ca ngợi, có thú vị. Kiến giải của tôi là:
- “Tri kì bất khả nhi vi chi” 知其不可而為之, câu nói của Khổng Tử 孔子 (1)
- “Vi nhi bất hữu” 為而不有, câu nói của Lão Tử 老子 (2).
“Tri kì bất khả nhi vi” là chúng ta làm một việc mà biết rõ nó không thể có được hiệu quả như dự liệu, thậm chí hoàn toàn không có hiệu quả, nhưng cho rằng cần phải nhiệt tình làm. Nói một cách khác, chính là khi làm việc, gác ý nghĩ thành công và thất bại qua một bên, cứ cố gắng mà làm.
Câu này vì sao mà thành lập được đây? Tôi nghĩ rằng: thành công và thất bại vốn chẳng qua là danh từ tương đối. Những người nói là thành công chưa hẳn đã là thành công; những ai nói là thất bại, chưa hẳn đã là thất bại. Trong thiên hạ, có rất nhiều việc từ phương diện này có thể nói là thành công, nhưng nhìn từ phương diện khác cũng có thể nói là thất bại; nhìn từ trước mắt có thể nói là thành công, nhưng nhìn từ tương lai cũng có thể nói là thất bại.
Tiến thêm bước nữa, có thể nói sự việc trong vũ trụ tuyệt đối không có thành công, chỉ có thất bại. Danh từ thành công, biểu thị một quan niệm viên mãn; danh từ thất bại, biểu thị một quan niệm thiếu hụt chưa hoàn bị. Viên mãn chính là điểm cuối cùng của sự tiến hoá vũ trụ, đến điểm cuối cùng của sự tiến hoá, tiến hoá sẽ ngừng lại, tiến hoá ngừng lại, không cần phải nói, ngay cả cuộc sống cũng ngừng lại. Cho nên bình thường nói thành công và thất bại, chẳng qua là chỉ một chặng đường hoạt động, nghỉ ngơi của nhân loại.
Con người trong cái “vũ” 宇 (không gian) vô biên, chỉ là hạt bụi; trong cái “trụ” 宙 (thời gian) bất đoạn, chỉ là một đoạn ngắn. Một cá nhân bất luận năng lực nhiều bao nhiêu, cũng có những việc làm không xong, làm không xong để lại cho người sau. Điều này dường như cá nhân rất bận, có nhiều việc làm không xong, đành phải nói “nhờ người khác làm thôi”. Một người muốn làm hết mọi việc là điều không thể, chẳng qua từ trong toàn thể rút ra một chút nhỏ của mấy vạn vạn việc để làm mà thôi, như vậy có thể xem là thành công sao? Từ thời gian mà nói, một đoạn ngắn mà một người làm, chính như:
Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu (3).
抽刀斷水水更流
(Rút dao chặt nước, nước vẫn cứ chảy)
cũng không thể gọi là thành công.
Tăng Tử 曾子 (4) nói rằng:
Tử nhi hậu dĩ (*)
死而後已
(Làm cho đến chết mới thôi)
Người này chết đi, người kia tiếp tục. Cho nên nói kế kế thằng thằng 繼繼繩繩 (5) mới có thể thành lộ trình to lớn, sự việc trong thiên hạ không việc gì không thể làm, sự việc trong thiên hạ, không việc gì không thành công.
Nhưng đời người, việc này lại rất kì lạ, trong vô số năm, vô số người, vô số việc đã làm, từng việc từng việc đều không thể, từng việc từng việc đều thất bại. Theo quy luật 0 + 0 = 0 của số học mà nói, hợp chúng lại là một thất bại to lớn; nhưng nhiều “bất khả” 不可 (không thể) gộp lại, lại là một cái “khả” 可 (có thể); nhiều “thất bại” gộp lại, lại là một “đại thành công”. Như vậy xem ra cũng có thể nói Thượng Đế sinh ra con người, chính là dạy con người làm những việc thất bại, anh muốn không thất bại được sao? trừ phi không làm việc. Nhưng cuộc sống của chúng ta là việc, khởi cư, ẩm thực cũng là việc, ngôn đàm, tư lự cũng là việc, chúng ta có thể không làm việc được không? Nếu muốn không làm việc, trừ phi không làm người. Nếu không thể không làm người thì không thể không làm việc. Như vậy xem ra những việc trong thiên hạ đều là “bất khả nhi vi” 不可而為, người trong thiên hạ đều là người “bất khả nhi vi”; chẳng qua Khổng Tử là “tri kì bất khả nhi vi” 知其不可而為 ( biết là không thể nhưng vẫn cứ làm), còn người thường là “bất tri bất khả nhi vi” 不知不可而為(làm mà không biết nó không thể) mà thôi.
Người “bất tri bất khả nhi vi”, gặp sự việc luôn tính toán, việc này có thể thành công, việc kia nhất định thất bại; có thể thành công thì làm, nhất định thất bại thì né tránh. Tự cho mình tính toán đúng, kì thực toàn là tự mình dối lấy mình, tổng kết tính toán cùng với tuyệt đối sự thực không thể tương ứng. Thành hay bại chỉ có thể phán đoán sau khi đã làm việc. Trước sự việc cứ tính ngang tính dọc, nó giảm đi dũng khí làm việc của con người; khi chọn lựa né tránh, 10 việc chí ít có 8 việc nhân vì sợ thất bại mà không làm.
(còn tiếp)
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- “Tri kì bất khả nhi vi chi” 知其不可而為之: câu này ở thiên Hiến vấn 憲問 trong Luận ngữ 論語 :
Tử Lộ túc ư Thạch Môn. Thần môn viết: “Hề tự?” Tử Lộ viết: “Tự Khổng thị.” Viết: “Thị tri kì bất khả nhi vi chi giả dư?”
子路宿於石門. 晨門曰: “奚自?” 子路曰: “自孔氏.” 曰: “是知其不可而為之者與?”
(Tử Lộ nghỉ đêm ở Thạch Môn. Người mở cửa thành buổi sáng sớm hỏi: “Ông từ đâu đến?” Tử Lộ đáp rằng: “Từ chỗ họ Khổng đến”. Người đó nói: “Có phải người mà biết không thể làm được mà vẫn cứ làm không?)
Chữ 與 đồng với chữ 歟, trợ tự nghi vấn.
Tử Lộ 子路: tính Trọng 仲, danh Do 由, học trò của Khổng Tử.
Thạch Môn 石門: cửa ngoại thành nước Lỗ.
Thần môn 晨門: người giữ việc mở cổng thành lúc sáng sớm.
“Tri kì bất khả nhi vi” chính là biết không thể thành công mà vẫn cứ cố gắng làm.
(2)- “Vi nhi bất hữu” 為而不有 của Lão Tử 老子: Lão Tử là người nước Sở thời Xuân Thu, trong Đạo đức kinh 道德經 của ông có câu:
Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị
生而不有, 為而不恃
(Sinh dưỡng vạn vật mà không chiếm lấy cho mình, làm mà không cậy công)
Tác giả lấy ý từ hai câu này.
(3)- Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu 抽刀斷水水更流: câu này trong bài Tuyên Châu Tạ Thiểu lâu tiễn biệt 宣州謝脁樓餞別 của Lí Bạch 李白:
Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu
抽刀斷水水更流,
舉杯消愁愁更愁
(Rút dao chặt nước, nước vẫn cứ chảy
Nâng chén tiêu sầu, sầu vẫn cứ còn)
ở đây dùng để ví thời gian không thể cắt đứt được.
(4)- Tăng Tử 曾子: tên Sâm 參, tự Tử Dư 子輿, người Vũ Thành 武城 nước Lỗ, học trò của Khổng Tử, thông hiếu đạo, sáng tác Hiếu kinh 孝經. Đời sau tôn Tăng Tử là “Tông Thánh” 宗聖.
(5)- Kế kế thằng thằng 繼繼繩繩: ý nói liên tục không dứt.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Câu này ở thiên Thái Bá 泰伯 trong Luận ngữ 論語 :
Tăng Tử viết: “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỉ nhậm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?
曾子曰: “士不可以不弘毅, 任重而道遠. 仁以為己任, 不亦重乎? 死而後已, 不亦遠乎?
(Tăng Tử bảo rằng: “Kẻ sĩ không thể không kiên cường mạnh mẽ, là vì gánh trên vai nặng mà đường thì xa. Lấy điều nhân làm nhiệm vụ của mình, cũng chẳng phải là nặng sao? Làm cho đến chết mới thôi, cũng chẳng phải là đường xa sao?)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/02/2014
Nguyên tác Trung văn
“TRI KÌ BẤT KHẢ NHI VI” DỮ “VI NHI BẤT HỮU” CHỦ NGHĨA
“知其不可而為” 與 “為而不有” 主義
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét