About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Những tập tục trong ngày Tết Nguyên tiêu

NHỮNG TẬP TỤC TRONG NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU

          Nguyên tiêu là ngày tết truyền thống của Trung Quốc, cho nên các nơi trong cả nước đều ăn Tết Nguyên tiêu, tập tục ở một số địa phương cũng gần giống nhau, nhưng mỗi nơi có đặc điểm riêng của mình.
- Ăn bánh nguyên tiêu
          Rằm tháng Giêng ăn bánh nguyên tiêu, bánh “nguyên tiêu” có từ rất lâu. Đời Tống, trong dân gian lưu hành một món ăn mới trong ngày Tết Nguyên tiêu, món ăn này lúc đầu gọi là “phù nguyên tử” 浮元子, về sau gọi là “nguyên tiêu” 元宵. Những người làm nghề buôn bán còn đặt cho nó cái tên đẹp là “nguyên bảo” 元宝. Bánh nguyên tiêu tức “thang viên” 汤圆, nhân bánh được làm từ đường trắng, hoa hồng, mè, đậu, quế, hạnh nhân, táo … dùng nếp bọc lại thành hình tròn, có thể chưng, hấp, chiên, mang ý nghĩa đoàn viên mĩ mãn.
- Ngắm đèn
          Khoảng niên hiệu Vĩnh Bình 永平 đời Hán Minh Đế 汉明帝(năm 58 – năm 75), nhân vì Hán Minh Đế đề xướng Phật pháp, gặp lúc Thái Âm 蔡愔 cầu được Phật pháp từ Ấn Độ trở về nói rằng nước Ma Kiệt Đà 摩竭陀 mỗi khi gặp ngày rằm tháng Giêng, tăng chúng tụ tập chiêm ngưỡng xá lợi Phật. Để hoằng dương Phật pháp, Hán Minh Đế ra lệnh vào đêm rằm tháng Giêng trong cung và các tự viện “thắp đèn kính Phật”. Từ đó về sau, tập tục thắp đèn Nguyên tiêu vốn lúc đầu chỉ cử hành trong cung đình dần lưu truyền ra dân gian. Rằm tháng Giêng hàng năm, bất luận sĩ tộc hay thứ dân đều treo đèn, thành phố làng quê suốt cả đêm huy hoàng rực rỡ.
          Tập tục thắp đèn Nguyên tiêu vào thời Đường phát triển thành “đăng thị” 灯市 (thành phố đèn) sầm uất mà trước đó chưa từng có. Kinh thành Trường An 长安 lúc bấy giờ đã là đô thị lớn nhất trên thế giới với hơn một triệu nhân khẩu, xã hội giàu có. Dưới sự đề xướng của Hoàng đế, Tết Nguyên tiêu được tổ chức ngày càng lớn. Từ thời Trung Đường về sau, phát triển thành lễ tết mang tính toàn dân. Thời Khai Nguyên 开元 của Đường Huyền Tông 唐玄宗( 685 – 762), đăng thị Trường An có quy mô rất lớn, với hơn 5 vạn chiếc đèn, Hoàng đế sai người làm mô hình “đăng lâu” to lớn, rộng đến 20 gian, cao 150 xích, huy hoàng rực rỡ cực kì tráng lệ.
          Thời Tống, hội đèn Nguyên tiêu về quy mô và đèn kì ảo tinh mĩ hơn cả đời Đường, hoạt động cũng được dân gian hoá, nét đặc sắc dân tộc càng rõ. Trải qua các đời hội đèn Nguyên tiêu không ngừng phát triển, thời gian thắp đèn ngày càng dài. Hội đèn đời Đường là “trước sau Thượng nguyên một ngày”, đời Tống sau ngày 16 thêm 2 ngày nữa, đời Minh kéo dài 10 ngày từ mùng 8 đến ngày 18.
          Đến đời Thanh, người Mãn vào làm  chủ trung nguyên, cung đình không tổ chức hội đèn, hội đèn trong dân gian vẫn rực rỡ, nhưng thời gian rút ngắn còn 5 ngày và như thế kéo dài cho đến ngày nay.
          Trong dân gian Đài Loan, đèn còn hàm nghĩa quang minh và thêm đinh, thắp sáng đèn mang ý nghĩa soi sáng đoạn đường phía trước. Trong tiếng Đài, “đăng” và “đinh” hài âm đại biểu cho việc sinh con trai, vì thế thời trước vào ngày Tết Nguyên tiêu, phụ nữ đều cố ý đi ngang qua dưới đèn, hi vọng sinh được con trai.
- Lễ tình nhân của Trung Quốc
          Tết Nguyên tiêu cũng là một ngày lễ lãng mạn, hội đèn Nguyên tiêu trong xã hội truyền thống phong kiến đã tạo cơ hội cho nam nữ chưa lập gia đình được quen nhau. Con gái trong xã hội truyền thống không được phép ra ngoài hoạt động, nhưng vào Tết Nguyên tiêu có thể kết bạn ra ngoài vui chơi, Tết Nguyên tiêu thưởng thức đèn hoa chính là cơ hội kết bạn, nam nữ thanh niên chưa lập gia đình nhân đó có thể tìm được đối tượng. Thời gian hội đèn Nguyên tiêu lại là cơ hội cho nam nữ thanh niên gặp được tình nhân.
          Tại Đài Loan, con gái chưa lập gia đình vào buổi tối Tết Nguyên tiêu có tập tục truyền thống lén hái cộng hành hoặc cải để mong cưới được người chồng tốt, tục gọi:
Thâu vãn thông, giá hảo uông
偷挽葱嫁好尪
(Hái lén hành, cưới được người chồng tốt)
Thâu vãn thái, giá hảo tế
偷挽菜嫁好婿
(Hái lén cải, cưới được chàng rể tốt)
          Ở thành phố hoa đăng đời Đường còn xuất hiện có những đoàn hát biểu diễn, hàng ngàn cung nữ, thiếu nữ dân gian vừa ca vừa múa dưới đèn, gọi là “hành ca” 行歌, “đạp ca” 踏歌.
          Âu Dương Tu 欧阳修 trong bài từ theo điệu Sinh tra tử 生查子 đã viết:
Khứ niên Nguyên dạ thời
Hoa thị đăng như trú
Nguyệt thướng liễu sao đầu
Nhân ước hoàng hôn hậu
去年元夜时
花市灯如昼
月上柳梢头
人约黄昏后
(Vào đêm Nguyên tiêu năm ngoái
Cả thành phố đèn hoa rực sáng như ban ngày
Trăng lên đầu ngọn liễu
Người hẹn nhau sau lúc hoàng hôn)
          Và Tân Khí Tật 辛弃疾 trong bài từ theo điệu Thanh ngọc án 青玉案 cũng đã viết:
Chúng lí tầm tha thiên bách độ
Mạch nhiên hồi thủ
Na nhân khước tại đăng hoả lan san xứ
众里寻他千百度
驀然回首
那人却在灯火阑珊处
(Trong đám đông tìm cả trăm ngàn lần nhưng không thấy
Chợt quay đầu lại
Người đó đang đứng nơi đèn hoa thưa thớt)
          Trong hí khúc truyền thống, Trần Tam 陈三 và Ngũ Nương 五娘 vào đêm Nguyên tiêu ngắm đèn hoa gặp nhau lần đầu tiên đã gắn bó; công chúa Nhạc Xương 乐昌 và Từ Đức Ngôn 徐德言 trong đêm Nguyên tiêu gương vỡ đã lại lành; Vũ Văn Ngạn 宇文彦 và Ảnh Nương 影娘trong Xuân đăng mê 春灯谜 vào đêm Nguyên tiêu đã đính ước tình duyên, cho nên nói Tết Nguyên tiêu cũng là “lễ tình nhân” của Trung Quốc.
- Tẩu bách bệnh
          Tết Nguyên tiêu ngoài hoạt động chúc mừng ra còn có hoạt động mang tính tín ngưỡng, đó là “tẩu bách bệnh” 走百病, còn gọi là “khảo bách bệnh” 烤百病, “tán bách bệnh” 散百病. Người tham dự đa phần là phụ nữ, họ kết bạn cùng đi với nhau hoặc men theo tường, hoặc qua cầu, hoặc ra ngoại thành, mục đích là để xua trừ bệnh tật.
          Theo sự biến thiên của thời gian, hoạt động trong ngày tết Nguyên tiêu ngày càng nhiều, không ít những địa phương vào ngày này còn biểu diễn những tập tục truyền thống như: múa rồng, múa sư tử, đi cà kheo, đua thuyền trên cạn hát ương ca, đánh trống Thái bình.
          Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng còn có một số hoạt động dân gian truyền thống mà đã thất truyền, như:
          Tế môn 祭门, tế hộ 祭户 là hai loại trong “thất tế” thời cổ. Cách tế rất đơn giản, đem cành dương treo lên cửa, trong chén đựng cháo đậu cắm đôi đũa, hoặc trực tiếp đem rượu thịt để trước cửa.
- Đuổi chuột
          Hoạt động này chủ yếu là đối với những nhà có nuôi tằm, bởi chuột vào đêm tối thường ăn tằm. Mọi người nói rằng vào rằm tháng Giêng dùng cháo gạo cho chuột ăn thì nó có thể không ăn tằm. Vì thế, một số nhà vào rằm tháng Giêng, nấu một nồi cháo đặc, có nơi bên trên còn rắc lên một lớp thịt, múc cháo ra bát đặt nơi mà chuột thường ra vào, vừa đặt vừa lẩm nhẩm nguyền rủa chuột nếu ăn tằm sẽ chết không yên.
- Nghinh Tử Cô
          Tử Cô 紫姑 là một cô gái nghèo nhưng lương thiện trong thần thoại dân gian. Rằm tháng Giêng, Tử Cô vì nghèo khó mà chết. Bách tính cảm thương nhớ đến cô, có nơi đã xuất hiện tập tục “rằm tháng Giêng nghinh Tử Cô”. Mỗi khi đến ngày này vào đêm tối, mọi người dùng rơm, vải bện thành hình Tử Cô, đặt ở những nơi mà Tử Cô lúc sống thường làm việc như nhà xí, chuồng heo, nhà bếp. Phụ nữ tấp nập nghinh đón, giống như tiếp đón chị em, nắm tay, nói những lời thân mật, khóc an ủi, tình cảnh vô cùng sinh động. Điều này phản ánh chân thực tình cảm, tư tưởng lương thiện, trung hậu, đồng tình của nhân dân lao khổ.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 14/02/2014
                                                   (Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ)

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU TIẾT TẬP TỤC
元宵节习俗

0 nhận xét:

Đăng nhận xét