About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tính và danh của Khổng Tử

TÍNH VÀ DANH CỦA KHỔNG TỬ

          Khổng Tử 孔子 là tư tưởng gia, chính trị gia, giáo dục gia vĩ đại của Trung Quốc thời cổ và cũng là một trong những danh nhân văn hoá thế giới.
          Khổng Tử danh Khâu tự Trọng Ni 仲尼, sinh năm 551 trước công nguyên, mất năm 479 trước công nguyên, người ấp Tưu nước Lỗ thời Xuân Thu.
          Về tính và danh của Khổng Tử đều có lai lịch. Tiên nhân của Khổng Tử vốn không phải người nước Lỗ mà là người nước Tống. Tống là phong quốc của hậu duệ Ân Thương. Thuỷ tổ nhà Thương tên Khế , mẫu thân của ông Khế là Giản Địch 简狄. Tương truyền một năm nọ vào ngày Xuân phân, Giản Địch ra ngoài thành cúng tế, bỗng có huyền điểu bay đến, tức chim yến. Sau khi chim yến đậu xuống đất đã đẻ ra một cái trứng. Giản Địch vô ý nuốt phải trứng đó, kết quả có thai sinh ra ông Khế. Khi ông Khế trưởng thành có công phò tá vua Thuấn nên được phong ở đất Thương . Nhân vì mẫu thân ông Khế nuốt phải trứng mà có thai, trứng cũng được gọi là “tử” , cho nên vua Thuấn ban cho ông tính “Tử” .
          Cháu đời thứ 14 của ông Khế là Thang tiêu diệt ông vua cuối cùng của nhà Hạ là Kiệt kiến lập nên triều Thương. Ông vua cuối cùng của triều Thương là Trụ Vương 纣王 đã bị Chu Vũ Vương 周武王tiêu diệt. Sau khi Chu Vũ Vương kiến lập triều Chu đã đem khu vực chung quanh kinh đô của nhà Thương phân phong cho người anh của Trụ Vương là Vi Tử Khải 微子启, hậu nhân của Vi Tử Khải trên cơ sở này đã lập nên nước Tống. Hậu nhân của Vi Tử Khải có một người tên Khổng Phủ Gia 孔父嘉, từng giữ chức Đại tư mã ở nước Tống, cháu ông là Phòng Thúc 防叔 nhân vì tránh hoạ đã chạy đến nước Lỗ. Cháu của Phòng Thúc là Thúc Lương Hột 叔梁纥 chính là phụ thân của Khổng Tử.
          Thời cổ, có tập tục lấy tên tự của tổ tiên làm thị . Khổng Tử theo cách này, lấy tự “Khổng Phủ” 孔父 của tổ tiên Khổng Phủ Gia làm thị, đơn tự là “Khổng”. Sau thời Tiên Tần, tính và tự hợp làm một, thị cũng là tính, cho nên “Khổng” cũng trở thành tính của Khổng Tử. Nói chính xác, Khổng Tử phải tính “Tử”, “Khổng” là thị.
          Khổng Tử tính Khổng, thế thì tại sao phụ thân của Khổng Tử không phải tính Khổng mà gọi là Thúc Lương Hột? Một năm nọ, phó Thủ tướng Singaporelà Vương Đỉnh Xương 王鼎昌 đến Trung Quốc, khi thăm Khúc Phụ 曲阜, phát hiện ngôi miếu thờ phụ thân Khổng Tử gọi là Lương Đài miếu 梁台庙, liền hỏi:
          Khổng Tử tính Khổng, phụ thân Khổng Tử sao lại tính Lương?
          Lúc bấy giờ, vị uỷ viên Quốc vụ viện kiêm hội trưởng danh dự quỹ Khổng Tử là Cốc Mục 谷牧 đã viết thư giải thích, chỉ ra sự phức tạp của tính và thị ở Trung Quốc, sớm nhất có liên quan đến totem, sau lại lấy “địa vọng minh quý tiện” 地望明贵贱, tính và thị thường liên quan với địa danh rất không ổn định. Tiên nhân của Khổng Tử khi xưng hô thường bỏ bớt tính mà thêm địa vọng. Phụ thân Khổng Tử là Thúc Lương Hột, “Thúc” là thứ tự anh em trong gia đình thời cổ, “Lương” là địa vọng, “Hột” mới là tên của ông ta. Nếu dùng tính, phụ thân Khổng Tử phải gọi là “Khổng Hột”. “Thúc Lương Hột” chỉ là xưng vị theo tập quán truyền thống, đây cũng chính là lí do ngôi miếu của ông gọi là Lương Đài miếu.
          Về lai lịch danh Khâu của Khổng Tử, sử liệu ghi chép rằng: Phụ thân Khổng Tử Thúc Lương Hột lúc đầu cưới người vợ họ Thi , sinh được 9 người con gái, không có con trai. Về sau, người thiếp của ông sinh được một người con trai tên là Mạnh Bì 孟皮, nhưng người con này lại bị què chân. Vì muốn có một người con trai khoẻ mạnh, Thúc Lương Hột đã cưới cô gái chưa đầy 20 tuổi. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng đến núi Ni Khâu 尼丘 ở phía đông nam thành Khúc Phụ để khấn vái, cầu xin thần linh ban cho họ đứa con. Về sau, quả nhiên họ sinh được một người con trai. Thúc Lương Hột cho rằng người con này do cầu khấn ở núi Ni Khâu mà có nên đã đặt tên là Khổng Khâu. Cũng có thuyết nói rằng, khi Khổng Tử sinh ra, đầu của ông khác với mọi người, bốn phía cao, ở giữa thấp, cho nên gọi là Khổng Khâu.
          Thời Xuân Thu lấy “bá trọng thúc quý” 伯仲叔季 để biểu thị thứ tự anh em trong gia đình, Khổng Tử là thứ 2 cho nên ông lấy tên tự là “Trọng Ni”. Đây cũng là lí do người đời sau gọi ông là “Khổng lão nhị” 孔老二.
          Thời cổ đối với đàn ông có một cách tôn xưng gọi là “tử” , như Mạnh Kha 孟轲 gọi là Mạnh Tử 孟子, Trang Chu 庄周 gọi là Trang Tử 庄子, Mặc Địch 墨翟 gọi là Mặc Tử 墨子, Tuân Huống 荀况 gọi là Tuân Tử 荀子, Khổng Tử cũng là tên gọi mà người đời sau tôn xưng. Thời cổ, đàn ông còn có mĩ xưng gọi là “phủ” , dùng nhiều sau biểu tự. Khổng Tử tự Trọng Ni, mĩ xưng là “Ni Phủ” 尼甫.
          Khổng Tử còn được gọi là “Khổng Phu Tử” 孔夫子. Có người cho rằng “Khổng Phu Tử” là biếm xưng, kì thực không phải như thế. “Khổng Phu Tử” cũng là tôn xưng đối với Khổng Tử. Thời cổ gọi quan Đại phu là “Phu tử”, “Phu” là Đại phu, “Tử” là kính xưng. Khổng Tử từng đảm nhiệm qua chức Đại phu ở nước Lỗ, cho nên gọi ông “Khổng Phu Tử”.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 06/02/2014

Nguyên tác Trung văn
TẾ THUYẾT KHỔNG TỬ ĐÍCH TÍNH HOÀ DANH
细说孔子的姓和名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005

0 nhận xét:

Đăng nhận xét