About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Giai tầng sĩ của nước Tề

GIAI TẦNG SĨ CỦA NƯỚC TỀ

          Thời kì Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu đều thịnh hành phong tục dưỡng sĩ, nước Tề vì đó mà lập “Tắc Hạ học cung” 稷下学宫 bên ngoài Tắc môn 稷门 của đô thành Lâm Tri 临淄, chiêu mộ danh sĩ trong thiên hạ. Nhìn lịch sử nước Tề, quân vương các đời phàm những vị hiền danh hữu chí, không vị nào là không khao khát cầu hiền, chiêu mộ rộng rãi danh sĩ bốn phương. Trong Quốc ngữ - Tề ngữ 国语 - 齐语 có chép, để có được nhiều hiền sĩ, Tề Hoàn Công 齐桓公 đã từng “tặng cho 80 du sĩ xe ngựa áo cừu, nhiều vàng bạc bảo họ chu du bốn phương để hiệu triệu hiền sĩ trong thiên hạ.” Chỉ riêng du sĩ đi tuyên truyền mà đã 80 người, có thể thấy nước Tề có nhiều dưỡng sĩ. Thời Tề Uy Vương 齐威王 cũng rất coi trọng tác dụng của sĩ, nhậm dụng nhiều kẻ sĩ xuất thân thấp kém như Trâu Kị 邹忌, Thuần Vu Khôn 淳于髡. Như Tề Uy Vương năm thứ 8, Sở xuất binh đánh Tề, Uy Vương sai Thuần Vu Khôn làm sứ giả, thỉnh cầu Triệu xuất 10 vạn binh, ngàn cổ xe, khiến Sở không dám đánh phải rút lui; năm thứ 24, Sở Tề đánh nhau tại Từ Châu 徐州, Lỗ kết thân Sở, Uy Vương dùng Trương Cái 张丐 đi thuyết vua Lỗ trung lập, v.v.. Tề Tuyên Vương 齐宣王 cũng nổi tiếng trong việc dưỡng sĩ.
          Theo Sử kí – Điền Kính Trọng Hoàn thế gia 史记 - 田几敬仲完世家:
          Tề Tuyên Vương thích kẻ sĩ du thuyết văn học, kẻ sĩ như Trâu Kị邹忌, Thuần Vu khôn淳于髡, Điền Biền 田骈, Tiếp Tử 接子, Thận Đáo 慎到, Hoàn Uyên 环渊 … tổng cộng 76 người được xếp vào hàng Thượng đại phu, chỉ chuyên nghị luận, khiến học sĩ ở Tắc Hạ hưng thịnh trở lại có đến cả trăm ngàn người.
          Dưới ảnh hưởng của phong tục này, giai tầng sĩ mà đã học qua “lục nghệ”, năng văn năng võ đã phát sinh biến hoá, một bộ phận thành thứ dân, còn những người tri thức uyên bác, bản lĩnh võ nghệ cao siêu trở thành một giai tầng sôi nổi trên vũ đài chính trị nước Tề, và đã xuất hiện nhiều kẻ sĩ nổi tiếng.
          Trong giai tầng sĩ đông đảo của nước Tề, có thể quy loại thành biện sĩ 辩士, ẩn sĩ 隐士, dũng sĩ 勇士, phương sĩ 方士.
          Biện sĩ 辩士: tức loại sĩ giỏi ăn nói, khéo biện luận. Trong số biện sĩ của nước Tề, nổi tiếng phải kể Thuần Vu Khôn 淳于髡và Lỗ Trọng Liên 鲁仲连. Thuần Vu Khôn túc trí đa mưu, xuất khẩu thành chương, sở trường về ẩn ngữ, giỏi khôi hài. Sở cử binh xâm lược Tề, khi Tề Uy Vương phái Thuần Vu Khôn đến Triệu cầu cứu, chỉ cấp cho ông “vàng trăm cân, xe 4 ngựa mười chiếc” làm kinh phí hoạt động. Thuần Vu Khôn thấy chê ít không tiện, liền nêu ví dụ:
          Nay thần từ phương đông đến, thấy một người cầu thần ruộng bên đường, bày một chân giò lợn và một hủ rượu, khấn rằng:
          ‘Ruộng cao đầy thúng, ruộng thấp đầy xe, ngũ cốc được nhiều, chất chứa đầy nhà.’
          Tề Uy Vương nghe xong đành thêm kinh phí hoạt động “vàng ngàn dật, bạch bích mười đôi, xe 4 ngựa trăm chiếc.”
          Lỗ Trọng Liên cũng là một biện sĩ giỏi, từng 3 lần làm khó Mạnh Thường Quân 孟尝君mà nổi tiếng gần xa.
          Ẩn sĩ 隐士:  tức kẻ sĩ ẩn cư không cầu công danh. Lỗ Trọng Liên không chỉ là một biện sĩ mà còn là một ẩn sĩ. Theo ghi chép, Lỗ Trọng Liên sau khi giúp Điền Đan 田单thu phục Liêu thành 聊城 đã mất, Điền Đan chuẩn bị thỉnh tấu Tề Vương gia phong cho ông. Lỗ Trọng Liên không nhận tước phong, quy ẩn ở Đông hải 东海 (nay là Mã Đạp hồ 马踏湖huyện Hoàn Đài 桓台) sống cuộc sống ẩn cư. Trần Trọng 陈仲 là con em quý tộc Điền Tề 田齐, từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục tốt đẹp, bác lãm quần thư, tri thức phong phú. Tề Uy Vương sau khi nghe nói, định mời ông làm thầy dạy ở Tắc Hạ, đồng thời đảm nhiệm chức Đại phu trong triều. Trần Trọng bất mãn với hiện thực xã hội lúc bấy giờ, kiên quyết từ chối, cùng vợ rời nhà đến Mục Lăng 穆陵 ở nước Sở sinh sống, tự làm tự ăn, viết sách lập thuyết. Chẳng bao lâu, nước Sở nghe nói tài học và phẩm hạnh của ông, hai lần sai người mang vàng đến mời ông ra làm Thừa tướng nhưng đều bị ông khéo léo chối từ. Để tránh bị quấy nhiễu, Trần Trọng cùng vợ lại đến Trường Bạch sơn 长白山 sống ẩn cư.
          Dũng sĩ 勇士: tức kẻ sĩ anh dũng thiện chiến, không sợ hi sinh. Nước Tề trước giờ rất coi trọng dũng sĩ, trong Quản Tử - Ngũ phụ 管子 - 五辅 có nói
Sĩ dân quý vũ dũng nhi tiện đắc lợi
士民贵武勇而贱得利
(Sĩ dân coi quý vũ dũng mà coi thường việc được lợi)
          Hậu kì thời Xuân Thu về sau, giai tầng sĩ tuy từ võ chuyển sang văn, nhưng vẫn tồn tại một số lượng lớn kẻ sĩ vũ dũng. Trong Án Tử Xuân Thu – Nội thiên gián hạ 晏子春秋 - 内篇谏下 có câu chuyện “Nhị đào sát tam sĩ” 二桃杀三士 (1), nói rằng: nước Tề có 3 dũng sĩ, tức Công Tôn Tiếp 公孙接, Cổ Dã Tử 古冶子và Điền Khai Cương 田开疆, họ nổi tiếng về việc “dũng mãnh đánh hổ”, “ra trận đánh lui được ba quân”.
          Phương sĩ 方士: tức loại sĩ tuyên dương thuật trường sinh thành tiên. Nhằm lấy lòng giới quý tộc thượng tầng để hưởng phú quý, đã xuất hiện loại phương sĩ thêu dệt ra các câu chuyện thần tiên và thuật thành tiên. Tề Uy Vương, Tề Tuyên Vương từng say mê phương thuật, sai phương sĩ ra biển tìm thuốc trường sinh bất lão. Nhân đó, trong Sử kí – Phong thiện thư 史记 - 封禅书 có nói:
          Từ khi Uy Vương, Tuyên Vương, Yên Chiêu Vương sai người ra biển cầu Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu … các tiên nhân cùng thuốc bất tử đều ở đó.
           Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇thống nhất Trung Quốc, năm 219 trước công nguyên đã sai phương sĩ Từ Phúc 徐福 dẫn mấy ngàn đồng đồng nữ ra biển. Từ Phúc là người nước Tề. Hán Vũ Đế 汉武帝tin dùng các phương sĩ như Thiếu Ông 少翁, Loan Đại 栾大, Công Tôn Khanh 公孙卿, họ cũng đều là người nước Tề.
          Giai tầng sĩ trước sau đại biểu cho hình tượng Trung Quốc, đại biểu cho tinh tuý của văn minh Trung Hoa, đồng thời truyền thừa truyền thống lịch sử mấy ngàn năm, ngoài ra còn có tác dụng thay đổi và phát triển. Mặc dù đến hiện nay, tuy trải qua mấy lần cách mạng, giai tầng sĩ vẫn chưa biến mất, họ vẫn như xưa, kế thừa, phê phán, phát dương, tinh thần của họ ngầm ảnh hưởng đến tính cách dân tộc, thậm chí có thể nói đã thống trị cả dân tộc về mặt tinh thần.

Chú của người dịch
1- Nhị đào sát tam sĩ 二桃杀三士:
Thời  Xuân Thu tại nước Tề, Tề Cảnh Công 齐景公 có 3 đại tướng, họ là Công Tôn Tiếp 公孙接, Điền Khai Cương 田开疆, Cổ Dã Tử 古冶子, nổi tiếng cả nước Tề về sự dũng mãnh vô địch.
          Nhưng ba người này đều không có sự tu dưỡng, thái độ ngạo mạn vô lễ, tể tướng Yến Anh 晏婴 lấy đó làm lo tâu với Tề Cảnh Công rằng:
          Thần cho rằng, tướng quân dưới tay của vị quân chủ hiền minh, cần phải biết rõ lễ vua tôi, hiểu được quy củ trên dưới. Có như vậy, với trong nước mới có thể cấm tuyệt bạo loạn, với ngoài  nước mới có thể ngăn được quân địch; nhưng Công Tôn Tiếp, Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử 3 người này vừa không có lễ nghi vua tôi, lại không có lễ tiết trên dưới, trong không thể dùng để cấm bạo loạn, ngoài không thể dùng để chống lại quân địch, vì thế họ là những kẻ nguy hại cho đất nước, chi bằng sớm trừ khử họ đi !
          Tề Cảnh Công than rằng:
          Ba người họ võ nghệ cao cường, biết làm sao đây?
          Yến Anh tâu rằng:
          Thần có một chủ ý, xin bệ hạ sai người đem tặng cho 3 người họ 2 trái đào, bảo họ dựa theo công lớn nhỏ mà phân chia, ai có công lớn người đó có thể ăn đào.
          Tề Cảnh Công làm theo kế đó.
          Công Tôn Tiếp vui mừng nhận đào và nói rằng:
          Sức của tôi có thể chế ngự được heo rừng, lại có thể bắt được hổ dữ, xét công  lao của tôi, tôi có thể ăn đào.
Công Tôn Tiếp liền lấy một trái trước.
          Điền Khai Cương bảo rằng:
          Tôi dẫn quân đánh trận có thể đánh lui quân địch đến 3 dặm, tôi cũng có tư cách ăn đào.
Điền Khai Cương liền đoạt lấy một trái.
          Lúc bấy giờ, đào đã bị lấy sạch, Cổ Dã Tử giận dữ nói:
          Tôi từng đi theo chúa thượng, có một lần qua sông, con ngựa của chúa thượng bị một con rùa lớn ngậm kéo đi, tôi liền giết rùa cứu sống con ngựa. Nếu luận về công, tôi đáng được ăn đào. Hai ông còn không chịu đưa đào cho tôi !
          Nói xong liền rút kiếm muốn giao tranh cùng Công Tôn Tiếp và Điền Khai Cương.
          Công Tôn Tiếp, Điền Khai Cương nhìn thấy Cổ Dã Tử giận, trong lòng áy náy, liền nói rằng:
          Hai tôi dũng mãnh không bằng ông, công lao của hai tôi cũng không bằng ông, hai tôi tham lam quá, lấy đào trước mà không nhường cho ông. Hai tôi chỉ có cái chết mới có thể bày tỏ dũng cảm và nghĩa khí.
          Nói xong, hai người rút kiếm tự vẫn.
          Cổ Dã Tử nhìn thấy hai người tự sát, trong lòng đau buồn, liền quăng đào cũng lấy kiếm tự sát.
          Theo
“Trung Quốc thành ngữ cố sự toàn tập” (tập 1)
中国成语故事全集
 Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 26/3/2015

Nguyên tác
TỀ QUỐC ĐÍCH SĨ GIAI TẰNG
齐国的士阶层
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006

0 nhận xét:

Đăng nhận xét