TẬP TỤC GIĂNG ĐÈN KẾT HOA ĐÊM NGUYÊN TIÊU
Tương truyền tết Nguyên tiêu 元宵 bắt đầu từ đời Hán. Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 mất, Lữ Hậu 吕后 nắm triều cương. Lữ Hậu mất, Đại tướng Chu Bột 周勃 và Tể tướng Trần Bình 陈平bình định loạn họ Lữ, ủng hộ con Lưu Bang là Lưu Hằng 刘恒lên ngôi, tức Hán Văn Đế. Nhân vì dẹp phản loạn đúng vào ngày rằm tháng giêng, cho nên từ đó về sau mỗi khi vào đêm này, Hán Văn Đế đều mặc thường phục xuất cung đi dạo cùng vui với dân. Hán Văn Đế định ngày này là tết Nguyên tiêu, còn gọi là “Nguyên dạ” 元夜 hoặc “Nguyên tịch” 元夕.
Đạo giáo đối với Nguyên tiêu cũng có ảnh hưởng quan trọng. Thời Tần Hán khi Đạo giáo tính toán nguyệt lịch, có cách nói “tam nguyên” 三元. Ngày rằm tháng giêng là Thượng nguyên (ngày Thiên Quan tứ phúc), rằm tháng 7 là Trung nguyên (ngày Địa Quan xá tội), rằm tháng 10 là Hạ nguyên (ngày Thủy Quan giải ách). Đạo giáo có “Tam nguyên thần”, tức Thượng nguyên Thiên Quan 上元天官, Trung nguyên Địa Quan 中元地官, Hạ nguyên Thủy Quan 下元水官. Ngày sinh của 3 vị này lần lượt là rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10. Theo truyền thuyết, 3 vị thần này chủ tể việc sinh lão bệnh tử, vận mệnh và khí số của con người, cho nên, mọi người vô cùng kính sợ, không dám khinh mạn. Thiên Quan thích vui, để cầu được ban phúc, mọi người đến tiết Thượng nguyên giăng đèn kết hoa, tạo ra bầu không khi vui tươi náo nhiệt. Như vậy, tiết Thượng nguyên vốn cầu cát tường, trừ tai họa, tị tà đậm màu sắc tôn giáo dần diễn biến thành ngày lễ tết truyền thống của Trung Quốc. Do bởi tết Nguyên tiêu có tập tục giăng đèn kết hoa nên cũng gọi là “đăng tiết” 灯节, “đăng tịch” 灯夕. Mỗi khi đến đêm Nguyên tiêu, bất luận thành thị hay nông thôn, khắp nơi đều giăng đèn kết hoa, bất kể giàu sang hay nghèo hèn, thậm chí thục nữ chốn khuê môn cũng có thể phá bỏ những quy định thường ngày, ra khỏi nhà đi ngắm đèn, đố đèn vui chơi thỏa thích.
Nhưng rằm tháng giêng chính thức trở thành lễ tiết dân tục là bắt đầu sau thời Hán Ngụy. Thời Đông Hán, văn hóa Phật giáo truyền vào Trung Quốc, đối với việc hình thành tập tục giăng đèn vào dịp tết Nguyên tiêu đã có tác dụng thúc đẩy trọng yếu. Trong giáo nghĩa Phật giáo ánh sáng được ví với thần uy của Phật, đèn là loại được dâng cúng trước Phật. Để hoằng dương Phật pháp, Hán Minh Đế đã hạ lệnh vào ngày rằm tháng giêng, đêm Thượng nguyên, thắp đèn kính Phật, đồng thời đến chùa treo đèn để thể hiện lòng tôn kính Phật. Tóm lại, tập tục thắp đèn vào đêm Nguyên tiêu đã theo sự khuếch trương ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo, Đạo giáo dần trở thành phong tục.
Về nguồn gốc tết đèn đêm Nguyên tiêu, trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện thần thoại.
Thời xưa, có một con thiên nga bay xuống nhân gian bị người thợ săn bắn trọng thương. Ngọc Hoàng Đại Đế vô cùng tức giận, vào ngày rằm tháng giêng sai thiên binh thiên tướng xuống trần, đốt chết toàn bộ người và vật nuôi trên mặt đất để báo thù cho chim thiên nga. Nhìn thấy một trận nạn tai to lớn sắp giáng xuống nhân gian, một vị tiên nhân đã mạo hiểm sinh mệnh của mình đi cứu. Vị tiên nhân bảo với mọi người rằng:
Đêm rằm tháng giêng, nhà nhà nên thắp lửa, đốt đèn lên mới có thể tránh được tai ách này.
Sau đó, vị tiên nhân lên trời báo lại với Ngọc Hoàng Đại Đế, nói rằng đã thiêu hủy nhân gian, không cần phải để thiên binh thiên tướng nhọc công. Ngọc Đế dẫn chúng thần đến Nam Thiên môn để xem, quả nhiên chốn nhân gian đỏ rực. Và như thế đã dối được Ngọc Hoàng Đại Đế, nhân gian cũng đã tránh được một trận hỏa tai. Từ đó, mỗi năm vào rằm tháng giêng, giăng đèn, ngắm đèn trở thành tập tục truyền thống lưu truyền cho đến ngày nay.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/3/2015
Tết Nguyên tiêu năm Ất Mùi
Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU ĐĂNG TIẾT ĐÍCH DO LAI
元宵灯节的由来
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét