THỜI ĐẠI THANH ĐỒNG - TRIỀU THƯƠNG
(Thế kỉ 16 trước công nguyên đến năm 1066 trước công nguyên)
Lịch sử Ân Thương 殷商 khoảng từ năm 1562 đến năm 1066 trước công nguyên, kéo dài trên dưới 500 năm. Nếu như nói triều Hạ 夏 là bắt đầu của văn minh sử của dân tộc Trung Hoa, thì triều Thương 商 chính là sự kế tục của văn minh sử Trung Hoa.
Cương vực của triều Thương rất khó xác định. Mãi đến vị quân chủ cuối cùng là Trụ vương 纣王, triều Thương vẫn đang mở rộng cương thổ. Nói chung, cương thổ của triều Thương tương đối cố định, bắc đến vùng Sơn Tây 山西, Hà Bắc 河北, đông đến biển lớn, nam kéo dài đến Trường giang 长江, tây tiến vào đến Thiểm Tây 陕西.
Chế độ chính trị triều Thương rất đặc sắc. Triều Thương tuy cũng là một đất nước liên bang có nhiều bang quốc hoặc thủ bang trong cương vực của mình, nhưng loại liên bang này không thể nói là giống với liên bang bộ lạc nguyên thuỷ. Liên bang này thông qua một loạt những cuộc chiến tranh mang tính chất chinh phục mà hình thành, cuối cùng kiến lập nên chế độ phong kiến. Người Ân được xem là trung tâm của liên bang, chiếm địa vị chủ đạo rõ nét. Quyền lực của Thương vương tuy không bằng với những vị hoàng đế đời sau, nhưng cũng là trung tâm của quyền lực thiên hạ. Các bang quốc chư hầu phải phụng mệnh Thương vương xuất chinh, còn phải định kì hướng đến Thương vương triều bái cống nạp, thậm chí phải giúp Thương vương tiến hành sản xuất nông nghiệp. Nhưng, do bởi địa vực vương quốc rộng lớn, phương tiện giao thông liên lạc còn lạc hậu, thủ đoạn kinh tế mà Thương vương khống chế các bang quốc cũng không được đắc lực, vương quyền vẫn chịu sự hạn chế quyền lực của các bang quốc. Sơ kì triều Thương, quân vị truyền cho em, truyền cho cháu và truyền cho con cùng tồn tại. Bắt đầu từ Khang Đinh 康丁 vị đế thứ 26, chế độ con kế thừa vương vị của cha mới xác định. Sự hỗn loạn trong việc truyền thừa đã cộng thêm sự tranh đoạt quyền lực trong nội bộ vương triều.
Tiền kì triều Thương thường dời đô, điều này cho thấy trình độ phát triển kinh tế còn rất thấp, năng lực chế ngự tai hoạ thiên nhiên cũng có hạn. Đến trung và hậu kì sau khi định đô ở đất Ân 殷, kinh tế mới có bước phát triển. Đặc biệt là điều kiện tự nhiên của đất Ân, theo nghiên cứu, tương đối có lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Do bởi nông nghiệp được coi trọng nên đã kéo theo sự tiến bộ về các phương diện khác. Ví dụ dần sản sinh một số kĩ thuật nông nghiệp thúc đẩy sự sản xuất: công trình thuỷ lợi, chăn nuôi canh tác, bón phân v.v…; đồng thời việc phát minh và chế tạo nông cụ tương quan cũng tiến bộ rất nhanh. Vật phẩm nông nghiệp của người Ân chủ yếu có tiểu mạch, cao lương, đại mễ và tiểu mễ. Nhìn từ những ghi chép về việc con người ưa thích rượu, nghề ủ rượu đã đạt đến trình độ phát đạt tương đối cao. Trong những văn vật đời Thương phát hiện được, còn có nhiều những di tích về hàng dệt, điều này cho thấy về nghề dệt cũng đã có thành tựu rất cao.
Từ những di chi khai quật ở các nơi, đặc biệt là tại Ân Khư 殷墟, theo sự nâng cao kĩ năng sản xuất và việc triển khai sơ bộ thành thị hoá, quy mô và trình độ kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc có liên quan đến sinh hoạt của đế vương, cung điện, tường thành, mộ táng … đều đạt đến trình độ tương đối cao. Riêng dân chúng phổ thông vẫn còn trú ở những phòng ốc bán huyệt cư. Nói tóm lại, trình độ kiến trúc của triều Thương còn ở vào thời kì quá độ. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/3/2015
Nguyên tác Trung văn
THANH ĐỒNG THỜI ĐẠI – THƯƠNG
青铜时代 - 商
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét