About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Điền Anh

ĐIỀN ANH

          Điền Anh 田婴, không rõ năm sinh năm mất. Xưng là Tiết Công 薛公, hiệu Tĩnh Quách Quân 靖郭君, cũng còn gọi là Tĩnh Quách Huyện 靖郭县. Tể tướng thời Tề Uy Vương 齐威王, Tề Tuyên Vương 齐宣王 thời Chiến Quốc. Mất vì bệnh, táng tại phía đông nam huyện Đằng  tỉnh Sơn Đông 山东 hiện nay.

          Điền Anh 田婴, thiếu tử của Tề Uy Vương 齐威王. Ban đầu là tướng nước Tề, năm 342 trước công nguyên, nhân tham gia trận chiến Mã Lăng 马陵nổi tiếng giữa Tề và Nguỵ, diệt hơn 10 vạn quân Nguỵ, lập được chiến công nên được cất nhắc lên làm Tướng quốc.
          Điền Anh sau khi nhậm chức Tướng quốc, ban đầu còn cẩn thận, phàm mọi việc đều tấu thỉnh Uy Vương. Thấy Uy Vương lười nhác chính sự, ông can gián rằng:
          Công văn triều đình hàng ngày không thể không kiểm tra, thường phê duyệt mới được.
          Nhưng Uy Vương vô cùng chán ghét triều chính, mọi việc để giao cho Điền Anh xử lí. Điền Anh dần nắm quyền hành, cũng bạo gan hơn, bắt đầu lộng quyền lo thu vén tiền của, đối ngoại thì câu kết với Sở. Năm 333 trước công nguyên, nước Sở bao vây Từ Châu 徐州 của nước Tề, đánh bại quân Tề. Sở Uy
Vương muốn thừa cơ bức Tề Uy Vương bãi bỏ chức Tướng của Điền Anh, triều thần nước Tề vội đi nói với Sở vương rằng:
          Đại vương lần này lấy được Từ Châu là do bởi Điền Anh không dùng Điền Phán 田盼. Điền Phán có công lớn, trong nước rất được lòng dân. Vì Điền Anh bất hoà với Điền Phán, đã đổi dùng Thân Phược 申缚, một người không được lòng dân nên bị chiến bại. Nếu đại vương cho Điền Anh hạ đài, Tề vương thế tất sẽ giao Điền Phán chấp chính, chỉnh đốn lại quân đội, rồi cùng quý quốc giao chiến, điều đó đại bất lợi cho quý quốc.
          Sở vương lúc này mới thôi, nhân đó mà Điền Anh giữ được chức Tướng.
          Phong ấp ban đầu của Điền Anh tại Bành Thành 彭城 (nay là thành phố Từ Châu tỉnh Giang Tô), năm 322 trước công nguyên, đổi phong ở đất Tiết (nay là phía đông nam huyện Đằng tỉnh Sơn Đông). Điền Anh liền bắt tay xây dựng thành quách, tông miếu ở đất Tiết (nếu theo chế độ quy định, Điền Anh chưa thể xây dựng như thế). Nhiều người đến khuyên dừng lại, nhưng ông ta không nghe, tự ý làm, sai quan giữ cửa không cho những người này vào. Có một người nói với quan giữ cửa rằng:
          Tôi chỉ nói với Tĩnh Quách Quân 3 chữ thôi, nếu vượt quá 1 chữ, tôi cam chịu hình phạt.
          Điền Anh nghe qua lấy làm lạ bèn bảo người đó vào. Người bước nhanh đến và chỉ nói đúng 3 chữ “hải đại ngư” 海大鱼 rồi quay người đi mất. Điền Anh không hiểu, gọi người đó đến giải thích ý nghĩa của 3 chữ này. Người đó đáp rằng:
          “Đại ngư”, lưới bắt nó không được, câu cũng câu không được, nhưng một khi rời khỏi nước lên bờ, ngay cả loài kiến cũng có thể ăn nó được. Tề chính là nước của ngài, nước Tề trường tồn không suy yếu mới là chỗ dựa của ngài, không cần phải xây thành quách nơi đất Tiết; nếu nước Tề mất, cho dù  thành quách của ngài ở đất Tiết cao đến tận trời xanh cũng vô dụng.
          Điền Anh nghe qua thấy có lí, liền hạ lệnh dừng xây.  
          Tại đất Tiết, Điền Anh kết giao với cường hào, tiếp nhận bọn đào phạm, nuôi dưỡng rất nhiều môn khách, nhưng người được sự sủng ái nhất chính là môn khách Tề Mạo Biện 齐貌辨. Người này chẳng giữ lễ tiết, không hợp với những người khác. Không ít môn khách khuyên Điền Anh nên xa lánh người này. Con của Điền Anh là Điền Văn 田文 (Mạnh Thường Quân 孟尝君) cũng riêng khuyên, nhưng Điền Anh không nghe, lại còn giận dữ nói rằng:
          Tương lai cho dù có người huỷ gia tộc chúng ta, chỉ cần làm cho Tề Mạo Biện hài lòng, ta cũng bằng lòng.
          Điền Anh rước Tề Mạo Biện vào quán xá thượng đẳng, sớm tối sai người đến đưa món ngon, để cho con trưởng của Điền Anh làm người đánh xe cho ông ta. Nhưng, đối với ông ta không phải mọi  việc đều nghe theo. Tề Mạo Biện từng khuyên Điền Anh phế truất thái tử Điền Tịch Cương 田辟疆 để sau này Điền Anh có thể kế tục chấp chính. Điền Anh không nỡ làm như thế nên đã cự tuyệt. Tề Mạo Biện còn khuyên Điền Anh đem đất Tiết đổi lấy đất khác lớn gấp mấy lần. Điền Anh cho rằng đất Tiết là cơ nghiệp của tổ tiên không thể đổi, nên cũng cự tuyệt.
          Mấy năm sau Tề Uy Vương qua đời, Điền Tịch Cương kế vị tức Tề Tuyên Vương. Tuyên Vương rất phản cảm đối với Điền Anh, Điền Anh liền từ chức Tướng quốc về lại đất Tiết. Chẳng bao lâu, Tề Mạo Biện đòi được đến quốc đô gặp Tuyên Vương. Điền Anh bảo rằng:
        Ông là tâm phúc của tôi, nếu đi há chẳng phải là đâm đầu vào lưới, có đường sống không?
          Tề Mạo Biện thản nhiên nói:
          Tôi đã dự định không sống để trở về, nhưng không đi không được.
          Điền Anh đành phải nghe theo. Tề Mạo Biện sau khi gặp Tề Tuyên Vương, Tuyên Vương đã trách rằng:
          Ông là người được sủng ái nhất, là người tâm phúc nhất của Điền Anh, đến đây làm gì?
          Tề Mạo Biện đáp rằng:
          Sủng ái là sự thực, nhưng không thể nói là tâm phúc.
          Tề Mạo Biện đã nói về việc 2 lần bị Điền Anh cự tuyệt kiến nghị. Tuyên Vương nghe qua trong phút chốc thay đổi thái độ, than rằng:
          Không ngờ tình cảm của Tĩnh Quách Quân đối với ta sâu đậm đến thế, ta còn quá trẻ, không biết những chuyện này, nhờ ông mời Tĩnh Quốc Quân đến.
          Thế là, Điền Anh lại được đón về quốc đô, Tuyên Vương còn đích thân ra ngoài thành nghinh đón, và bái làm Tướng quốc. 7 ngày sau, Điền Anh lại mượn bệnh kiên quyết từ chức về lại đất Tiết.
          Về sau Điền Anh bị bệnh và mất ở đất Tiết.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 18/4/2015

Nguyên tác Trung văn
ĐIỀN ANH
田婴
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét