LƯU BANG KIẾN LẬP VƯƠNG TRIỀU ĐẠI HÁN
Lưu Bang 刘邦 là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời Tần, về sau kiến lập vương triều Tây Hán, trở thành vị đế vương phong kiến nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Bạng tự là Quý 季, người huyện Bái 沛, xuất thân nông dân, thời tráng niên làm qua chức Đình trưởng ở Tứ thuỷ 泗水. Sau khi Trần Thắng 陈胜, Ngô Quảng 吴广 khởi nghĩa, Lưu Bang khởi binh hưởng ứng, công hạ huyện Bái, mọi người tôn làm Bái Công 沛公, lãnh đạo quân khởi nghĩa. Nhóm quân khởi nghĩa này phát triển đến mấy ngàn người, phục tùng dưới sự chỉ huy của Hạng Lương 项梁, thủ lĩnh của nhóm quân khởi nghĩa khác.
Sau khi Hạng Lương chết, nhân Hạng Vũ 项羽 gây thiệt hại nặng cho quân Tần trong trận chiến ở Cự Lộc 巨鹿, Lưu Bang thừa cơ dẫn binh tiến về phía tây công chiếm Hàm Dương 咸阳, lật đổ sự thống trị của triều Tần. Lưu Bang cùng với phụ lão ở quan trung 关中 định ra “ước pháp tam chương” 约法三章, kẻ nào giết người sẽ bị xử tử, kẻ nào làm tổn thương người khác và trộm cắp sẽ xét tội mà trị, phế bỏ hình phạt hà khắc của triều Tần, nhân đó Lưu Bang đã được sự ủng hộ người dân vùng quan trung.
Hạng Vũ nghe nói Lưu Bang công chiếm Hàm Dương rất bất mãn. Sau khi tiến vào quan trung đã đóng quân tại Hồng Môn 鸿门, chuẩn bị tiêu diệt Lưu Bang. Binh lực của Lưu Bang không bằng Hạng Vũ, đành phải đích thân đến Hồng Môn tạ tội. Bộ hạ của Hạng Vũ muốn giết Lưu Bang trong bữa tiệc, nhưng do bởi Lưu Bang đã chuẩn bị trước, lại thêm Hạng Vũ vô mưu, cuối cùng Lưu Bang thoát được. Đây chính là bữa tiệc Hồng Môn nổi tiếng trong lịch sử.
Sau khi Hạng Vũ tiến vào Hàm Dương, đại phong chư vương, tự lập làm Tây Sở bá vương 西楚霸王. Lưu Bang được phong làm Hán vương 汉王, đóng ở vùng Ba Thục 巴蜀, Hán Trung 汉中. Chẳng bao lâu, Hạng Vũ và Lưu Bang tiến hành cuộc chiến tranh Hán Sở trường kì kéo dài đến 5 năm. Lúc đầu nhân vì Hạng Vũ binh lực hùng mạnh nên Lưu Bang thường bị đánh bại. Nhưng Lưu Bang liên hiệp lực lượng phản đối Hạng Vũ, tác chiến cùng quân Sở, chú ý thu phục lòng dân, giỏi việc dùng người, lại còn lấy vùng quan trung giàu có làm căn cứ địa, nhân đó quân Hán dần chuyển từ yếu sang mạnh, cuối cùng chiến thắng Hạng Vũ.
Năm 202 trước công nguyên, Lưu Bang tức vị làm hoàng đế, kiến lập triều Hán, ban đầu định đô tại Lạc Dương 洛阳, sau dời đến Trường An 长安, trong lịch sử gọi là Tây Hán. Lưu Bang cũng trở thành Hán Cao Tổ, vị hoàng đế khai quốc triều Tây Hán.
Sau khi Lưu Bang làm hoàng đế, nhắm xây dựng lại và ổn định sự thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến, Lưu Bang đã áp dụng nhiều biện pháp. Trong cuộc chiến tranh Sở Hán, để đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang đã phân phong chư hầu vương khác họ. Những chư hầu vương khác họ này có binh lực hùng mạnh, mỗi vị chiếm cứ một phương, làm suy yếu lực lượng chính quyền trung ương. Sau khi kiến lập triều Tây Hán, Lưu Bang trước sau tiêu diệt các chư hầu vương khác họ như Hàn Tín 韩信, Bành Việt 彭越, Anh Bố 英布. Đương thời, cựu quý tộc của 6 nước vẫn là một thế lực địa phương hùng mạnh. Lưu Bang đem quý tộc 6 nước và cường hào địa phương hơn 10 vạn người, toàn bộ dời đến quan trung. Như vậy, về cơ bản họ bị khống chế. Thời gian đầu triều Tây Hán, sau cuộc chiến trường kì, xã hội vô cùng nghèo khó, Lưu Bang thực hành chính sách hưu dưỡng, để binh sĩ phục viên sản xuất, miễn trừ một số lao dịch hàng năm, cho những người lưu vong trong chiến tranh trở về quê cũ, khôi phục lại ruộng vườn, phóng thích những người do vì nghèo khổ phải bán thân làm nô lệ cho họ về làm dân thường; giảm nhẹ thuế ruộng đất, quy định “thập ngũ thuế nhất” 十五税一, tức mỗi năm trưng thu 1/15 sản vật thu hoạch được. Ngoài ra, còn sai Tiêu Hà 萧何 lấy “Tần luật” 秦律 làm cơ sở chế định 9 chương “Hán luật” 汉律. Những biện pháp này đối với việc củng cố tập quyền trung ương, khôi phục kinh tế xã hội đều có tác dụng to lớn.
Năm 195 trước công nguyên, khi đông chinh chư hầu vương Anh Bố, Lưu Bang bị trúng tên. Tháng 4 năm đó, Lưu Bang bịnh mất ở Trường An.
Lưu Bang là chính trị gia kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa, Lưu Bang tích cực khởi binh hưởng ứng. Sau khi triều Tần diệt vong, Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, hoàn thành đại nghiệp thống nhất. Sau khi kiến lập triều Hán, Lưu Bang đã thực thi những biện pháp để khôi phục kinh tế xã hội, khiến chính quyền thống nhất phong kiến đi vào quỹ đạo, đối với sự phát triển của lịch sử Trung Quốc, Lưu Bang đã có không ít cống hiến.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/4/2015
Nguyên tác Trung văn
LƯU BANG KIẾN LẬP ĐẠI HÁN VƯƠNG TRIỀU
刘邦建立大汉王朝
Trong quyển
BÁCH GIA TÍNH
百家姓
Biên soạn: Triệu Dương 赵阳
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét