VỊ THUỐC LONG CỐT
Tương truyền vào mùa thu cuối đời Thanh năm Quang Tự 光绪 thứ 25 (năm 1899), trong thành Bắc Kinh có một người Phúc Sơn 福山 Quảng Đông 广东 tên Vương Ý Vinh 王懿荣mắc chứng bệnh sốt rét, ông cho mời thái y đến chẩn trị. Thái y sau khi xem mạch đã kê một toa thuốc, trong đó có vị long cốt 龙骨mà Trung y thường dùng. Nghe nói long cốt có thể chữa được vết thương, mụt nhọt, lại có thể bổ thận. Vương Ý Vinh sai người nhà đến Thái Thị khẩu 菜市口 ngoài cửa Tuyên Vũ 宣武 tìm hiệu thuốc Đạt Nhân đường 达仁堂 khai trương từ đời Minh để bốc thuốc. Sau khi thuốc mang về, Vương Ý Vinh mở ra xem, vô tình phát hiện long cốt, bên trên có khắc văn tự cổ. Nó tương tự với triện văn nhưng không thể nhận biết được. Là nhà Kim thạch học nổi tiếng lúc bấy giờ, Vương Ý Vinh vô cùng kinh ngạc, ông nghiên cứu đi nghiên cứu lại mấy văn tự cổ này. Để tìm ngọn nguồn, Vương Ý Vinh sai người đến hiệu thuốc nọ mua về toàn bộ số long cốt. Trải qua thời gian nghiên cứu kĩ, ông sơ bộ đoán định, đây là văn tự cổ xưa hơn nữa, những mảnh long cốt này có lẽ là xương thú dùng trong bói toán vào đời Thương. Thế thì, những mảnh long cốt có khắc văn tự này được phát hiện như thế nào?
Đầu những năm Quang Tự, nơi giáp giới giữa tỉnh Hà Nam 河南và Hà Bắc 河北, gần bờ bắc Hoàng hà có huyện An Dương 安阳 (hiện là thành phố An Dương). Vùng Tiểu Đồn 小屯 An Dương 安阳 vào đời Thương gọi là “Bắc Mông” 北蒙, sau khi trở thành đô thành của triều Thương đổi gọi là “Ân” 殷. Thủ lĩnh của tộc Thương lúc bấy giờ tên là Thành Thang 成汤, Thành Thang chiến thắng quốc vương triều Hạ là ông Kiệt 桀, kiến lập nên triều Thương tại trung du Hoàng hà và hạ du Trường giang, quốc gia nô lệ chế thứ 2 trong lịch sử Trung Quốc. Không ngờ mấy đời sau, chính trị triều Thương hủ bại, kinh tế suy thoái, không thể không nhiều lần dời vương đô. Đến khoảng thế kỉ thứ 14 trước công nguyên, quốc vương thứ 20 là Bàn Canh 盘庚 đã dời vương đô đến vùng Tiểu Đồn, An Dương. Bàn Canh sau khi dời đô, đất Ân trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của triều Thương. Năm 1123 trước công nguyên, sau khi Chu Vũ Vương 周武王 diệt nhà Thương, đô thành này bị tàn phá, đầu đời Chu nó thuộc về nước Vệ, cuối thời Chiến Quốc lại là đất Nguỵ. Sau khi Tần thắng nhà Chu đổi tên thành An Dương 安阳. Vùng Tiểu Đồn An Dương từ lúc đô thành nhà Ân bị phế bỏ không có những việc gì lớn để chép vào sử sách, vương đô lúc bấy giờ đều thành ruộng. Ân khư 殷墟 ở đây vào thời Tuỳ Đường đã trở thành mộ địa, mãi đến năm Vạn Lịch 万历 thứ 4 triều Minh (năm 1573) trên gạch xây mộ mới phát hiện có tên gọi Tiểu Đồn 小屯, có thể thấy trong khoảng thời gian từ đời Tuỳ Đường đến cuối đời Minh hơn 1000 năm, ở đây chỉ là vùng mộ hoang. Khoảng năm 1880, tại thôn Tiểu Đồn phía tây bắc An Dương, nông dân khai quật được mai rùa và xương bò từ trong bùn đất, đây là di vật của thời đại Ân Thương 3000 năm trước, nông dân gọi đó là “long cốt”. Họ đem chúng bán cho tiệm thuốc, sau khi nghiền nát làm thành vị thuốc “long cốt”.
Tại An Dương có một người thợ hớt tóc tên Lí Thành 李成mắc chứng ghẻ lở, vì không có tiền mua thuốc nên đã nhặt mai rùa bên bờ sông nghiền thành bột bôi lên vết thương, mủ ở vết thương được hút khô. Anh ta lại rạch một đường trên tay, đem bột long cốt phơi khô bôi lên, trong phút chốc có tác dụng cầm máu. Thần kì hơn, anh ta lấy cọng rơm đem trộn với nước bọt rồi đặt nằm ngang lên giáp cốt, cọng rơm chuyển động dựng đứng lên, đó là do tính hút ẩm của long cốt gây ra. Nhân vì những long cốt này là hoá thạch xương sống và răng của động vật, tuyệt đại đa số cách nay hơn 2500 vạn năm. Trung y dùng nó để trị bệnh, “long cốt” quả thật là một loại lương dược. Người thợ hớt tóc Lí Thành bắt đầu sưu tầm long cốt thần kì, bán cho tiệm thuốc giá mỗi cân 6 xu, đồng thời thể hiện tại chỗ sự hiệu nghiệm của “long cốt”, khiến bốn phương chấn động. Nông dân tại chỗ tấp nập lấy việc khai quật “long cốt” làm nghề phụ trong lúc nông nhàn. Đến cuối đời Quang Tự 光绪 nhà Thanh, nông dân không chỉ thu thập long cốt khi cày ruộng mà còn có người chuyên đào tìm “long cốt” để bán.
(còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/4/2015
Nguyên tác Trung văn
TRUNG DƯỢC TÀI LÍ ĐÍCH LONG CỐT
中药材里的龙骨
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét