About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Vị thuốc long cốt (tiếp theo)

VỊ THUỐC LONG CỐT
(tiếp theo)

          Vùng An Dương Hà Nam là phủ trị của phủ Đức Chương 德彰lúc bấy giờ (nay là thành phố An Dương), hàng năm vào hai mùa Xuân Thu đều cử hành miếu hội long trọng. Lúc ban đầu nông dân đến miếu hội đem bán “long cốt” đã nghiền thành bột làm vị thuốc trị bệnh. Về sau những người đi buôn phát hiện tại An Dương nhiều “long cốt” nên đã đến nơi đó thu mua, thừa cơ đầu cơ tích trữ để được lợi, đồng thời giữ bí mật địa điểm đào được long cốt. Đến khoảng thời Quang Tự光绪 nhà Thanh, phủ Chương Đức đã là nơi buôn bán cổ vật. Không chỉ có tiệm đồ cổ, mà còn có nhóm thương buôn cổ vật, họ trở thành nhà sưu tập chuyên thu mua cổ vật của các thành phố như Bắc Kinh 北京, Thiên Tân 天津. Lúc bấy giờ nông dân nơi đó lại phát hiện ra, phàm là “long cốt” không có hoa
văn có thể bán giá tiền cao hơn, vì thế họ đem những miếng “long cốt” mà bên trên có khắc văn tự cạo sạch để bán lại cho những người buôn cổ vật. Những người buôn cổ vật ban đầu cũng không biết là vật gì. Năm Quang Tự thứ 24 (năm 1898) có một người buôn cổ vật ở huyện Duy tỉnh Sơn Đông 山东tên là Phạm Duy Khanh 范维卿 trong lúc thu mua long cốt cũng phát hiện long cốt có khắc chữ đào được ở thôn Tiểu Đồn. Mùa đông năm đó, ông ta đã báo cho hai vị Tú tài nghèo ở Thiên Tân là Mạnh Định Sinh 孟定生và Vương Tương 王襄. Họ phát hiện những khắc hoạ trên “long cốt” là văn tự, nhưng lại mua được với giá không cao. Năm sau họ đem “long cốt” đến Bắc Kinh, được vị Đoàn luyện đại thần tại kinh sư mê cổ vật là Vương Ý Vinh 王懿荣mua, từ đó mới được các nhà kim thạch học của Bắc Kinh và Thiên Tân coi trọng.
          Vương Ý Vinh là nhà kim thạch học, đối với số long cốt có khắc văn tự này, ông chuyên tâm nghiên cứu, đoán định đây là một loại quy bản có văn tự cổ xưa nhất, vì thế đã bỏ ra số tiền lớn để thu mua. Lúc ban đầu ông mua được 12 mảnh giáp cốt tại nơi của Phạm Duy Khanh, mỗi mảnh là 2 lượng bạc. Mùa xuân năm sau (năm 1900), Phạm Duy Khanh lại mang hơn 100 mảnh bán cho Vương Ý Vinh. Sau đó ít lâu, Vương Ý Vinh lại tốn 200 lượng để mua 800 mảnh giáp cốt từ tay Phạm Duy Khanh. Chẳng bao lâu ông lại mua được mấy trăm mảnh giáp cốt từ người buôn cổ vật Triệu Chấp Trai 赵执斋 ở Sơn Đông. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vương Ý Vinh đã mua được hơn 1500 mảnh giáp cốt.
          Đương thời tại Bắc Kinh có văn nhân đang đợi bổ nhiệm làm tri huyện tên là Lưu Ngạc 刘鹗, tự Thiết Vân 铁云, bác học đa tài, từng làm nghề y và buôn bán nhưng đều không vừa ý, sau chuyển sang làm chính trị. Lưu Ngạc từng viết qua bộ tiểu thuyết Lão tàn du kí 老残游记. Ông cũng là nhà kim thạch học, rất mê cổ vật, biết Vương Ý Vinh đã mua được một số cổ vật với giá cao 2 lượng bạc một mảnh, liền đến nhà Vương Ý Vinh. Trải qua sự nghiên cứu, họ đoán định đó là di vật và văn tự thời Ân Thương. Những văn tự này có chỗ tương tự với kim văn 金文 (chung đỉnh văn 钟鼎文) mà họ lúc bấy giờ đang nghiên cứu, về sau khảo chứng thêm, cuối cùng chứng thực những khắc hoạ trên “long cốt” là một loại phù hiệu, nó là văn tự cổ xưa hơn cả kim văn, đó chính là văn tự được khắc trên yếm rùa mai rùa và xương bả vai của bò, tức “giáp cốt văn” 甲骨文.
          Năm Quang Tự thứ 26 (năm 1904), liên quân 8 nước xâm chiếm Bắc Kinh, do bởi nguyên nhân chính trị, Vương Ý Vinh đã tự trầm nơi ao trong vườn hoa của gia đình. Sau khi ông mất, để trả nợ cho ông, vào năm Quang Tự thứ 18 (năm 1902), người con trưởng là Vương Hàn Phủ 王韩甫 đã bán hết văn vật trong nhà. Lưu Ngạc nghe tin vội đến mua lại toàn bộ giáp cốt văn mà Vươn Ý Vinh sưu tập, lại thông qua người buôn cổ vật là Triệu Chấp Trai mua được hơn 3000 mảnh giáp cốt. Lưu Ngạc còn sai hai người con của ông đến vùng An Dương ở Hà Namthu mua được 1000 mảnh. Như vậy, Lưu Ngạc có tổng cộng hơn 5000 mảnh giáp cốt, và gọi những mảnh giáp cốt này là “quy bản” 龟版. Lúc bấy giờ người buôn cổ vật Phạm Duy Khanh một lần nữa đến An Dương thu mua “long cốt” rồi đem đến Bắc Kinh bán cho Đoan Phương 端方, người từng làm tổng đốc, tuần phủ đời Thanh, mỗi chữ đã tăng lên 2 lạng rưỡi bạc. Tháng 9 năm Quang Tự thứ 29 (tháng 10 năm 1903), Lưu Ngạc tuyến lựa 1058 mảnh “quy bản” để rập in thành bộ sách có tên là Thiết Vân tàng quy 铁云藏龟 và cho xuất bản, đây là bộ trứ tác giáp cốt văn đầu tiên của Trung Quốc, và là bộ sách thu thập giáp cốt văn nhiều nhất lúc bấy giờ. Bộ chuyên trứ này tiến một bước tạo sự thuận lợi cho việc nghiên cứu giáp cốt văn.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 20/4/2015

Nguyên tác Trung văn
TRUNG DƯỢC TÀI LÍ ĐÍCH LONG CỐT
中药材里的龙骨
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét