About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: "Dương Châu bát quái" gồm những ai?

“DƯƠNG CHÂU BÁT QUÁI” GỒM NHỮNG AI?

          Từ khi triều Đường khai thông đại vận hà, Dương Châu 扬州trở thành một đô thị thương nghiệp sầm uất. Thời kì Khang Hi, Ung Chính, Càn Long nhà Thanh, thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Dương Châu cực phát triển, chỉ riêng thu nhập thuế quan cao đến kinh người. Mọi người thường nói:
Yêu triền thập vạn quan, kị hạc há Dương Châu
腰缠十万贯, 骑鹤下扬州
(Lưng giắt mười vạn quan tiền, cưỡi hạc xuống Dương Châu)
Thiên gia dưỡng nữ tiên giáo khúc, thập lí tài hoa toán chủng điền.
千家养女先教曲, 十里栽花算种田
(Ngàn nhà nuôi dưỡng con gái, trước tiên nên dạy biết ca hát, mười dặm trồng hoa xem như là làm ruộng)
Có thể biết Dương Châu lúc bấy giờ không chỉ là nơi vui chơi của quý tộc công tử, mà còn là nơi thể hiện tài năng của mặc khách văn nhân. Từ đầu đời Thanh đến cuối đời Thanh, thư hoạ gia nổi tiếng hoạt động tại Dương Châu đã có đến cả trăm người, xem thư hoạ là thương phẩm rất thịnh hành tại đây, cho nên có “nhuận cách” 润格(tức hiện nay là nhuận bút) của Trịnh Bản Kiều 郑板桥, là câu chuyện thú vị lưu truyền trong lịch sử hội hoạ.
Đương thời, tình hình văn hoá kinh tế lúc Dương Châu mở cửa và nhiều loại nhân vật trên vũ đài xã hội , thành phần vô cùng phức tạp, sự giao lưu của các phương diện văn hoá nghệ thuật cũng thường xuyên và rộng rãi, đồng thời Dương Châu lại cách xa kinh thành, hoàn cảnh chính trị cũng tương đối tự do, khiến tư tưởng của các văn nhân thư hoạ gia nơi đây rất sinh động, tương đối thiếu ý thức chính thống, cho nên họ dám mạo thị quyền uy, “cả gan làm liều”, mỗi người tự phát huy sức tưởng tượng nghệ thuật của mình, dựa theo nhận thức và cách lí giải của mình sáng tạo ra phong cách nghệ thuật riêng. Nhóm thư hoạ gia được xưng là “bát quái”, đại đa số là văn nhân áo vải, trong đó Cao Phụng Hàn 高凤翰, Lí Tiên 李鲜, Trịnh Nhiếp 郑燮, Lí Phương Ưng 李方膺 từng làm qua chức quan nhỏ địa phương, sau khi bãi quan, họ không ra làm quan nữa mà chỉ bán thư hoạ để mưu sinh, nhân đó thư hoạ của họ rất khác với những đạt quan hiển nhân lấy thư hoạ làm vui. Họ vừa sáng tác thư hoạ vì sinh kế, lại không chịu cam tâm bị người khác dẫn dắt, cá tính khí chất của họ theo kịp với sự tỉnh ngộ đối với bản chất nghệ thuật, lại yêu cầu họ tự biểu hiện lấy mình, vì thế sự sáng tạo nghệ thuật của họ mưu cầu sự thống nhất cả hai, đem việc tự mình truy cầu cùng với thú vị thẩm mĩ của tầng lớp thị dân kết hợp lại thành nhất  thể.
“Dương Châu bát quái” có cùng một điểm chung: đó là họ đều giỏi cả thi, thư, hoạ. Về điểm này trong tác phẩm của họ đạt được sự thống nhất hoàn mĩ, trong đó Kim Nông 金农, Trịnh Nhiếp郑燮, Cao Phụng Hàn高凤翰, Uông Sĩ Thận 汪士慎, Cao Tường 高翔 còn kiêm cả triện khắc. Hoạ phẩm của họ thành “tứ hợp nhất”, thể hiện phong cách tuyệt diệu của bản thân.
Từ thành tựu thư pháp của họ mà nói, “bát quái” đa phần kiêm cả các thể chữ lệ, chân, hành; thảo thư cùng hành thư cũng thường bộc lộ triện ý. Thành tựu thư pháp trong “Dương Châu bát quái”, kiệt xuất nhất phải kể đến Kim Nông 金农, Trịnh Nhiếp郑燮, thứ đến là Cao Phụng Hàn高凤翰.
          Từ thành tựu hội hoạ của họ mà nói, “Dương Châu bát quái” đã phá bỏ sự trói buộc phong cách hội hoạ mang chủ nghĩa hình thức lúc bấy giờ, dùng một tư thế tươi mới với sinh khí tràn đầy chấn hưng hoạ đàn Trung Quốc, chiếm một địa vị cực kì trọng yếu trong lịch sử hội hoạ Trung Quốc, sản sinh ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau.
          Tại nhiều phương diện, “Dương Châu bát quái” đều biểu hiện đặc trưng quần thể mang tính khuynh hướng, do bởi thư hoạ của họ có chung sắc thái cá tính mãnh liệt phản truyền thống, phản chính thống, tạo ra sự khác lạ không theo trào lưu, nhất là có sự khác biệt rất xa với tứ Vương lúc bấy giờ (tức Vương Thời Mẫn 王时敏, Vương Giám 王鉴, Vương Thuý, Vương Nguyên Kì 王原祁 trong bát gia đầu đời Thanh), nên được người bấy giờ gọi là “quái”. Khoảng thời Quang Tự 光绪, Lí Ngọc Thái 李玉蔡 biên soạn quyển Âu Bát La thất thư hoạ quá mục khảo 罗室书画过目考, đã sớm gọi họ là “bát quái”, chỉ Kim Nông金农, Hoàng Thận 黄慎, Trịnh Nhiếp 郑燮, Lí (Ngư Đan) (鱼单), Lí Phương Ưng李方膺, Uông Sĩ Thận汪士慎, Cao Tường 高翔, La Sính 罗聘.
Trần Sư Tăng 陈师曾 trong Trung Quốc hội hoạ sử 中国绘画史 đã thêm Mẫn Trinh 闵贞.
Trịnh Sưởng 郑昶 trong Trung Quốc hoạ học toàn sử 中国画学全史 bỏ Cao Tường高翔, Lí Phương Ưng 李方膺thêm Cao Phụng Hàn高凤翰, Mẫn Trinh 闵贞
Hoàng Tân Hồng 黄宾虹 trong Cổ hoạ vi 古画微 bỏ Hoàng Thận 黄慎, thêm Hoa Nham 华嵒, Biên Thọ Dân 边寿民, Trần Soạn 陈撰.
Du Kiếm Hoa 俞剑华trong Trung Quốc hội hoạ sử 中国绘画史 đã xếp thuyết của mấy nhà, giống nhau ở trước, khác nhau ở sau, tổng cộng có 13 người, cũng có thuyết 15 người. Trên thực tế gọi là “bát quái”, trước giờ đều không cách nào xác định 8 người, chỉ nên xem đó là phiếm chỉ, kì thực tục ngữ dân gian cũng có cách gọi “bát quái”, ý nghĩa thường chỉ tướng mạo, hành động điệu bộ hoặc chữ viết, tranh vẽ của một người nào đó khác với người thường, khiến người ta trong nhất thời không thể tiếp thụ, từ nghĩa có ý nghĩa dí dỏm hài hước.
“Dương Châu bát quái” tuy không đặc chỉ ý nghĩa này, nhưng nó đã phản ánh sự phát triển đến trình độ cao về thương nghiệp, thủ công nghiệp vào thời Khang Hi, Ung Chính, Càn Long; và một hiện tượng văn hoá nghệ thuật xuất hiện ở Dương Châu phồn vinh.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 20/7/2015

Nguyên tác Trung văn
“DƯƠNG CHÂU BÁT QUÁI” THỊ HÀ NHÂN
扬州八怪是何人
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét