TĂNG QUỐC PHIÊN
(kì 3)
Tháng 3 năm 1853, Nam Kinh 南京 gặp biến, Thái bình thiên quốc định đô Nam Kinh, đổi tên là Thiên Kinh 天京. Chẳng bao lâu, Thái bình thiên quốc phát động bắc phạt và tây chinh muốn tiêu diệt sạch chủ lực của quân Thanh. Lúc bấy giờ tại 4 tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy chỉ có binh lực Tương quân của Tăng Quốc Phiên là tương đối đông. Hàm Phong đem nhiệm vụ chống quân tây chinh giao cho Tăng Quốc Phiên.
Từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 15 tháng 11 năm 1853, chỉ trong vòng hơn 20 ngày ngắn ngủi, Hàm Phong đã 4 lần xuống chiếu, sai Tăng Quốc Phiên đến Hồ Bắc 湖北cứu viện Vũ Xương 武昌. Tăng Quốc Phiên không chịu đáp ứng, yêu cầu trước tiên phải chuẩn bị tốt thuỷ sư sau đó mới xuất chinh.
Tháng 2 năm 1854, quân Thái bình tại Hoàng Châu 黄州Hồ Bắc đánh bại quân Thanh, giết chết Tổng đốc Hồ Quảng là Ngô Văn Dung 吴文鎔, chia binh làm 3 lộ đánh vào Hồ Nam . Lúc này, triều Thanh tại vùng Hồ Nam ngoài Tương quân ra, không còn binh nào khác để điều động. Hàm Phong vội sai Tăng Quốc Phiên xuất chinh. Lúc bấy giờ thuỷ sư Tương quân vừa mới thành lập, lục quân cũng đã tập huấn hoàn bị. Quân Thái bình đã đánh tới Gia Môn Khẩu 家门口, nếu không xuất chinh thì Tương quân sẽ không có căn cứ địa.
Ngày 25 tháng 2 năm 1854, Tăng Quốc Phiên thống lĩnh hai quân thuỷ lục khoảng 1,7 vạn người, toàn bộ ra quân, tập kết tại Tương Đàm 湘潭, nhằm tiêu diệt quân Thái bình đã đánh vào Hồ Nam . Khi xuất chinh, Tăng Quốc Phiên đã đọc tuyên ngôn thư “Thảo Việt phỉ hịch” 讨粤匪檄.
Lúc này, thuỷ sư quân Thái bình đã chiếm cứ Trường giang 长江, bộ Thạch Trinh Tường 石祯祥của quân Thái bình đánh vào Hồ Nam, công hạ khu vực phía bắc Hồ Nam như Tương Dương 湘阳, Tĩnh Cảng 靖港, Ninh Hương 宁乡. Tăng Quốc Phiên sau khi biết tin vội dẫn quân nghinh địch. Quân Thái Bình thấy Tăng Quốc Phiên lần đầu ra trận, nhuệ khí đang hăng, nên mai phục binh lực tại vùng Ninh Hương, chủ động triệt thoái.
Tăng Quốc Phiên thấy quân Thái bình bỏ chạy rội lệnh cho tướng lĩnh lục quân Trừ Cửu Cung 储玖躬 tấn công. Tương quân nhanh chóng bị rơi vào vòng phục kích, quân Thái bình công phản, đội quân đột nhập của Tương quân bị tiêu diệt. Do bởi binh lực của quân Thái bình đánh vào Hồ Nam không đủ, nên sau khi thắng lợi đã chủ động rút khỏi Hồ Nam . Tăng Quốc Phiên cả mừng, vội dẫn Tương quân tiến đóng Nhạc Châu 岳州, chuẩn bị cứu viện Vũ Xương. Ông dâng tấu lên Hàm Phong:
“Dẹp trừ tặc thắng lợi, tặc đã chạy khỏi Hồ Nam ”
Chẳng bao lâu, bộ Thạch Trinh Tường của quân Thái bình sau khi chiêu binh mãi mã, một lần nữa đánh vào Hồ Nam . Ngày 24 tháng 4, quân Thái bình công hạ sào huyệt Tương Đàm của Tăng Quốc Phiên, vây Trường Sa 长沙.
Trường Sa bị vây khốn, Tăng Quốc Phiên ngoại vô viện binh, nội vô lương thảo, vô cùng nguy hiểm. Ông lập tức quyết định đột phá vòng vây, hạ lệnh chia quân làm 2 lộ đột phá. Một lộ hướng về nam đánh Tương Đàm, lộ còn lại hướng về bắc đánh Tĩnh Cảng, bắc lộ do Tăng Quốc Phiên đích thân chỉ huy. Thuỷ sư mà Tăng Quốc Phiên phái đi đánh Tĩnh Cảng vừa mới khởi động đã gặp phải trận pháo oanh kích. Quân Thái bình dùng thuyền nhỏ phóng hoả, tập kích đại thuyền của Tương quân. Thuỷ sư Tương quân nếu không bị bắt thì cũng bị thiêu chết. Quan binh lục quân nghe nói thuỷ sư đã rã vội tranh nhau tháo chạy, vượt cầu phao, cầy gãy, nhiều người bị chết chìm.
Trước đó, Tăng Quốc Phiên từng chê cười Lục doanh binh và Bát kì binh chỉ mới nghe tiếng gió mà đã bỏ chạy, nay Tương quân mà ông khổ tâm gầy dựng cũng tham sống sợ chết, ông cảm thấy không còn mặt mũi nào gặp mọi người nên nhảy xuống nước tự tận. Chương Thọ Lân 章寿麟 đi theo sau đã cõng ông lên thuyền. Tướng Lí Nguyên Độ 李元度 đưa ông về đại doanh, suốt đêm về lại Trường Sa. Tăng Quốc Phiên không chịu ăn uống, viết di chúc, lệnh cho em là Tăng Quốc Bảo 曾国葆 mua quan tài, chuẩn bị ngày hôm sau tự sát, hướng đến Hàm Phong tạ tội.
Lúc bấy giờ, tin Tương quân đột phát vòng vây tại tương đàm đại thắng truyền đến, Tăng Quốc Phiên quyết định không chết nữa. Sau đó, triều đình ban thưởng cho ông. Tăng Quốc Phiên hướng đến quân Thái bình phát động thế tấn công càng lúc càng mãnh liệt. Tháng 12 năm 1854, Tương quân cuối cùng đánh chiếm khu vực lưỡng Hồ, thuỷ sư đã khống chế được thượng du Trường giang.
Ngày 23 tháng 1 năm 1855, Tăng Quốc Phiên thống lĩnh thuỷ sư và một bộ phận lục quân hướng đến cửa hồ phát động thế tấn công mạnh mẽ. Quân Thái bình sau khi kháng cự lại một trận đã chủ động triệt thoái quân trấn thủ trạm đường thuỷ. Tăng Quốc Phiên nhầm tưởng quân Thái bình sợ, liền vào ngày 29 tháng 1 xuất những chiến thuyền nhẹ xông vào trong hồ, để những chiến thuyền lớn ngoài hồ.
Quân Thái bình lập tức xây đồn đắp luỹ, chặn nơi cửa hồ chặn thuỷ sư Tương quân trong và ngoài hồ. Đêm đến, quân Thái bình lén tập kích chiến thuyền lớn ngoài hồ, thiêu huỷ nhanh chóng. Tiếp đó, quân Thái bình phát động tấn công thuyền nhỏ trong hồ, mang theo các loại hoả khí, xông vào đội thuyền của Tương quân phóng hoả, thuỷ sư Tương quân lũ lượt căng buồm bỏ chạy, tổn thất vô số. Thuỷ sư Tương quân mà Tăng Quốc Phiên khổ tâm gầy dựng tan vỡ. Tăng Quốc Phiên xấu hổ thành giận, nhảy xuống nước tự tận, nhưng lại được vớt lên, đưa về trong quân doanh của đại tướng La Trạch Nam 罗泽南.
Chẳng bao lâu, quân Thái bình đánh tan lục quân của Tăng Quốc Phiên. Ngày 3 tháng 4, quân Thái bình lần thứ 3 công hạ Vũ Xương, chiếm lĩnh đại bộ phận khu vực Hồ Bắc. Do bởi triều Thanh là chính quyền tộc Mãn, người Mãn đối với quan lại, sĩ đại phu và quảng đại địa chủ người Hán luôn cảnh giới trong lòng. Khi Tăng Quốc Phiên lập chiến công, chỉ ban thưởng vật chất, không gia phong quan tước, không giao đại quyền Tổng đốc tỉnh Hồ Nam cho ông.
Để đối phó với sự xảo trá của từ triều đình, Tăng Quốc Phiên đã phải dùng mọi bản lĩnh, hao tốn tâm trí. Ông còn phải chịu sự điêu toa của quan viên địa phương Hồ Nam . Nhân vì ông mượn thân phận đại thần đoàn luyện ngầm tổ chức vũ trang, tướng lĩnh Tương quân đều xuất thân địa chủ, bị nhiều quan viên cho là bất trung. Lại thêm Tăng Quốc Phiên chỉ còn lại hư hàm Thị lang, không phải Khâm sai đại thần, những điều này đều vì sự dối gạt của triều đình gây ra.
Quan địa phương Hồ Nam từng rất xem thường Tăng Quốc Phiên, ông bị chướng ngại khắp nơi, mọi việc đều khó giải quyết. Chỉ cần Tương quân của Tăng Quốc Phiên bị đánh bại một trận, các quan địa phương đều vỗ tay vui mừng, làm nhục tướng sĩ Tương quân. Năm 1857, Tăng Quốc Phiên nhận được hung tin phụ thân qua đời, ông dâng tấu thỉnh cầu chọn người bổ nhiệm. Sau đó ông lại dâng thư xin được tại nhà thủ tang 3 năm. Hàm Phong sợ Tăng Quốc Phiên trong chiến tranh sẽ khuếch trương thế lực, nguy đến địa vị thống trị của triều Thanh nên đã phê chuẩn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/7/2015
Nguyên tác
LŨ BẠI LŨ CHIẾN, CHUNG VU SỬ ĐAO PHONG LỢI
屡败屡战终于使刀锋利
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 1006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét