About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Kiếm Can Tương và kiếm Mạc Da

KIẾM CAN TƯƠNG VÀ KIẾM MẠC DA

          Can Tương 干将, Mạc Da 莫邪 là hai thanh kiếm, không ai có thể tách rời chúng ra. Can Tương và Mạc Da là hai người, cũng vậy, không ai có thể chia lìa họ được.
          Kiếm Can Tương và kiếm Mạc Da là hai thanh kiếm do Can Tương và Mạc Da đúc thành. Can Tương là kiếm trống, Mạc Da là kiếm mái. Can Tương là chồng, Mạc Da là vợ. Can Tương rất siêng năng, Mạc Da rất nhu thuận.
          Khi Can Tương đúc kiếm cho Ngô vương, Mạc Da quạt và lau mồ hôi cho Can Tương. Ba tháng qua đi, Can Tương than một tiếng, Mạc Da cũng rơi nước mắt.
          Mạc Da biết vì sao Can Tương than, bởi vì thiết trong lò lấy từ Ngũ sơn lục hợp không có cách nào tan chảy, thiết không tan chảy, kiếm không thể đúc thành. Can Tương cũng biết vì sao Mạc Da rơi nước mắt, bởi vì kiếm đúc không thành, sẽ bị Ngô vương giết chết.
          Một đêm nọ, Mạc Da đột nhiên cười. Nhìn thấy Mạc Da cười, Can Tương chợt sợ, Can Tương biết vì sao Mạc Da cười liền nói với Mạc Da:
          Mạc Da, nàng chớ có bỏ đi.
          Mạc Da không nói gì, chỉ cười.
          Khi Can Tương tỉnh dậy, phát hiện Mạc Da không có bên cạnh mình. Như tên bắn phải tim, Can Tương biết Mạc Da ở nơi đâu.
          Mạc Da đứng trên thành lò cao, áo bay phất phới, uyển chuyển như tiên nữ, nhìn thấy bóng Can Tương trong ánh sáng le lói của buổi ban mai từ xa chạy đến. Nàng cười, nghe tiếng kêu thất thanh của Can Tương: “Mạc Da …”
          Mạc Da vẫn cười, nhưng nước mắt cũng đồng thời rơi xuống. Can Tương cũng khóc, trong làn nước mắt mơ hồ nhìn thấy Mạc Da đang rơi, nghe được tiếng nói cuối cùng của Mạc Da đối với mình:
          Can Tương, thiếp không chết, chúng ta luôn mãi bên nhau …
          Thiết tan chảy, kiếm đúc thành một cách thuận lợi, một trống một mái, đặt tên là Can Tương và Mạc Da.
          Can Tương chỉ đem thanh “Can Tương” dâng lên cho Ngô vương. Việc Can Tương giấu thanh “Mạc Da” bị Ngô vương biết được, võ sĩ vây chặt Can Tương, Can Tương thúc thủ chịu bắt, mở hộp kiếm hướng vào bên trong nói một cách tuyệt vọng:
          Mạc Da, chúng ta làm sao mới có thể ở bên nhau?
          Thanh kiếm đột nhiên từ trong hộp nhảy ra, hoá thành một con rồng trắng bay đi. Đồng thời Can Tương cũng đột nhiên mất tích. Khi Can Tương mất tích, thanh kiếm “Can Tương” bên cạnh Ngô vương cũng không biết đi đâu. Nhưng nơi một huyện thành nghèo xa ngàn dặm tại hồ có tên là Diên Bình Tân 延平津đột nhiên xuất hiện một con rồng trắng.
          Con rồng này đẹp và lương thiện, hô mưa gọi gió cho bách tính, huyện thành này dần mưa thuận gió hoà, ngũ cốc được mùa, tên của huyện thành cũng nhân đó mà đổi thành “Phong Thành” 丰城.
          Người dân nơi đây thường phát hiện, con rồng trắng này ngày ngày đều trên mặt hồ ngóng nhìn, dường như đang trông đợi một thứ gì. Có người còn nhìn thấy ngấn lệ trong mắt của rồng.
          Sáu trăm năm qua đi, có một cơ hội ngẫu nhiên, Huyện lệnh Phong Thành Lôi Hoán 雷焕 trong khi đang tu sửa tường thành, đã đào được một chiếc hộp đá, bên trong có một thanh kiếm, trên kiếm rõ ràng có khắc 2 chữ “Can Tương”. Lôi Hoán vô cùng vui mừng, đem thanh kiếm đã được truyền tụng từ lâu đeo bên mình.
          Một hôm, Lôi Hoán từ hồ Diên Bình Tân đi qua, thanh kiếm đeo bên người đột nhiên nhảy ra khỏi vỏ, rơi vào trong nước. Đương lúc Lôi Hoán kinh ngạc, mặt nước hồ rẽ sóng, nhô lên hai con rồng một đen một trắng. Hai con rồng hướng đến Lôi Hoán gật gật đầu tỏ ý cảm tạ, sau đó cả hai quấn lấy nhau rồi chìm xuống nước không thấy nữa.
          Bách tính sống nối đời ở huyện Phong Thành phát hiện ra, con rồng trắng đã tồn tại hơn 600 năm, ngày ngày trên mặt hồ ngóng nhìn đột nhiên không thấy nữa. Ngày hôm sau, có một đôi vợ chồng trẻ dọn đến huyện thành. Chồng là một
người thợ rèn xuất sắc, tay nghề vô cùng cao siêu, anh ta chỉ rèn những nông cụ rẻ tiền, cự tuyệt đúc những binh khí đắt tiền. Khi anh ta làm việc, người vợ luôn bên cạnh quạt và lau mồ hôi cho chồng.
          Can Tương và Mạc Da là một cặp kiếm chí tình.
Câu chuyện này được thấy trong Ngô Việt Xuân Thu 吴越春秋, Sưu thần kí 搜神记, Thập di kí 拾遗记.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 12/7/2015

Nguồn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét