About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: La Quán Trung với "Tam quốc diễn nghĩa"

LA QUÁN TRUNG VỚI “TAM QUỐC DIỄN NGHĨA”

          La Quán Trung 罗贯中 là tiểu thuyết gia kiệt xuất cuối đời Nguyên đầu đời Minh. Tiểu thuyết lịch sử trường thiên Tam quốc diễn nghĩa 三国演义nổi tiếng thời cổ Trung Quốc chính là sáng tác của ông.
          La Quán Trung tên Bản , hiệu Hồ Hải Tản Nhân 湖海散人, người Thái Nguyên 太原 Sơn Tây 山西, cũng có người nói ông là người Tiền Đường 钱塘 hoặc người Lư Lăng 庐陵. Tính cách của ông tương đối cô độc, không thích giao du với mọi người. Truyền thuyết kể rằng, ông từng làm mạc khách cho Trương Sĩ Thành 张士诚, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân cuối đời Nguyên. Vương Kì 王圻 người triều Minh trong Bại sử hối biên 稗史汇编 nói rằng, ông “hữu chí đồ vương” 有志图王, là người rất có hoài bão về chính trị.
          Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 thống nhất toàn quốc, La Quán Trung theo việc sáng tác tiểu thuyết. Tam quốc diễn nghĩa có khả năng được hoàn thành trong thời gian này. Tương truyền, ông là môn nhân của Thi Nại Am 施耐庵, từng tham gia viết Thuỷ hử truyện 水浒传.
          Trứ tác của La Quán Trung có tiểu thuyết trường thiên Tam quốc diễn nghĩa 三国演义, Tuỳ Đường chí truyện 隋唐志传, Tam Toại bình yêu truyện 三遂平妖传, Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa 残唐五代史演义 và kịch bản tạp kịch Tống Thái Tổ long hổ phong vân hội 宋太祖龙虎风云会 . Tiểu thuyết của ông đều trải qua sự thêm bớt của người sau, trừ Tam quốc diễn nghĩaTam Toại bình yêu truyện là còn giữ được diện mạo cơ bản của nguyên tác, những tác phẩm khác đã không còn là diện mục nguyên bản.
          Tác phẩm đại biểu của La Quán trung là Tam quốc diễn nghĩa. Câu chuyện có liên quan đến Tam quốc, từ thời Đường sớm đã lưu truyền trong dân gian. Thời Bắc Tống lại xuất hiện bộ Toàn tương Tam quốc chí bình thoại 全相三国志平话, bộ bình thoại này rất có khả năng căn cứ vào chuyện kể của nghệ nhân dân gian thời Tống Nguyên chỉnh lí lại mà thành. Căn cứ chủ yếu của La Quán Trung là bộ Tam quốc chí 三国志 do Trần Thọ 陈寿 sáng tác và Bùi Tùng Chi 裴松之chú giải, đồng thời ông cũng tham khảo Toàn tương Tam quốc chí bình thoại và truyền thuyết dân gian, kinh qua sự tổng hợp, viết nên bộ Tam quốc diễn nghĩa.
          Bản Tam quốc diễn nghĩa sớm nhất hiện tồn là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa 三国志通俗演义 được khắc bản và lưu hành vào thời Gia Tĩnh 嘉靖 triều Minh, phân làm 24 quyển, 240 tắc. Mao Tôn Cương 毛宗岗 đời Thanh đã thêm bớt nhuận sắc toàn bộ sách này, hiện là bản thông hành với 120 hồi.
          Tam quốc diễn nghĩa miêu tả về những mâu thuẫn phức tạp và những cuộc đấu tranh giữa 3 tập đoàn thống trị phong kiến là Nguỵ, Thục, Ngô thời Tam Quốc. Tiểu thuyết đã bóc trần tội ác của bọn thống trị phong kiến phản động như Đổng Trác 董卓, phản ánh tình huống xã hội động loạn lúc bấy giờ, giúp người đọc hiểu về tình hình đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự trong xã hội phong kiến, nhận thức được bộ mặt của giai cấp thống trị phong kiến. Tiểu thuyết đã viết gần cả trăm cuộc chiến tranh lớn nhỏ, những cuộc chiến tranh này dưới ngòi bút của tác giả vô cùng biến hoá, không lặp lại, không xơ cứng, tất cả đều có đặc điểm riêng, biểu hiện rõ nét tài năng nghệ thuật của tác giả. Tiểu thuyết còn viết hơn 400 nhân vật, khắc hoạ hình tượng nghệ thuật mang đậm tính cách của nhân vật, như Chư Cát Lượng 诸葛亮 túc trí đa mưu, Trương Phi 张飞dũng mãnh hào sảng, Quan Vũ 关羽 cương liệt dũng cảm, Chu Du 周瑜 cơ trí hiếu thắng, Tào Tháo 曹操giảo hoạt quyền trá v.v... Tình tiết câu chuyện khúc chiết sinh động, đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Nhưng do bởi hạn chế về lịch sử và giai cấp, trong tiểu thuyết cũng tồn tại một số tư tưởng phong kiến coi thường khởi nghĩa nông dân tuyên dương trung hiếu tiết nghĩa.
          Tam quốc diễn nghĩa là tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng, có địa vị trọng yếu trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nó là bộ tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử xuất hiện sớm nhất của Trung Quốc. Sau sáng tác Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhiều người mô phỏng theo, tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử bắt đầu nổi lên, nhưng những bộ tiểu thuyết đó theo không kịp Tam quốc diễn nghĩa. Đồng thời trên vũ đài hí khúc, cũng xuất hiện một số kịch mục tam quốc, những kịch mục này luôn nhận được sự yêu thích của người xem.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 21/7/2016

Nguyên tác Trung văn
LA QUÁN TRUNG DỮ “TAM QUỐC DIỄN NGHĨA”
罗贯中与三国演义
Trong quyển
BÁCH GIA TÍNH
百家姓
Biên soạn: Triệu Dương 赵阳
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005 
       

0 nhận xét:

Đăng nhận xét