XU CÁT TỊ HUNG TRONG HÔN LỄ
Sau khi đưa thiệp định việc hôn nhân, tiếp theo đó là phải xác định thời gian kết hôn. Trình tự này trong “lục lễ” gọi là “thỉnh kì” 请期, tức nhà trai sau khi đưa sính lễ sẽ nhờ bà mai sang nhà gái xin định ngày nghinh hôn, dân gian tục gọi là “tuyển nhật tử” 选日子(chọn ngày). Sở dĩ để nhà gái chọn ngày là do bởi nhiều người tin vào “toạ hỉ sàng” 坐喜床 (1), hi vọng trong đêm tân hôn cô dâu sẽ mang thai. Cần phải thông qua phương thức “thỉnh” để trưng cầu ý kiến. Ngoài ra, cũng có trường hợp hai bên nam nữ cùng nhờ người chọn thời gian thành hôn, vì thế cần phải lấy sự khiêm tốn hoà hợp của chữ “thỉnh” để điều hoà.
Căn cứ để thỉnh kì đó là “trạch cát” 择吉, người xưa cho rằng xác lập quan hệ hôn nhân là “thiên tác chi hợp” 天作之合, cho nên ngày tháng và giờ khắc kết hôn cũng cần phải thuận ứng theo thiên thời mới có kết quả tốt. Khoảng thời Tiên Tần, Tần Hán, biện pháp để chọn “cát nhật lương thần” 吉日良辰 lấy chiêm bốc làm chính. Người thực hiện chiêm bốc thông qua việc quan sát những vế nứt trên bốc cốt mà quyết định ngày tốt.
Về sau, các “chuyên gia” như Âm dương gia, Phong thuỷ gia, Tinh mệnh gia ... đều lấy việc coi ngày làm nghề sinh sống, sản sinh ra nhiều mâu thuẫn. Có một lần, Hán Vũ Đế triệu tập các “gia” tới cung, hỏi rằng:
- Ngày đó có thể nghinh hôn không?
Kết quả là, “Ngũ hành gia nói được, Kham dư gia nói không được, Kiến trừ gia nói bất cát, Túng thần gia nói đại hung, Lịch gia nói tiểu hung, Thiên nhân gia nói tiểu cát, Thái ất gia nói đại cát”.
Mọi người tranh biện phản bác lẫn nhau. Cuối cùng Hán Vũ Đế bước ra làm trọng tài lấy ngũ hành làm chính. Từ đó ngũ hành chiêm bốc trở thành biện pháp chủ yếu để chọn ngày tốt thành hôn. Về sau nữa lại tạp thu chư gia, dần diễn biến thành một hệ thống chọn ngày to lớn phức tạp trong hôn nhân. Thời trước, các thầy tướng số đa phần có bộ Tăng bổ chư gia tuyển trạch vạn toàn ngọc hạp kí 增补诸家选择万全玉匣记, đó chính là “kinh điển” để họ làm ăn.
Một trong những căn cứ chủ yếu chọn ngày thú thê là nhìn thấy trật tự của cái gọi là “thần sát” 神煞. Mọi người thường nhìn trên lịch thấy mấy chữ: “thị nhật tuế phá, đại sự bất nghi” 是日岁破大事不宜, “thị nhật cát tinh thiên đức” 是日吉星天德, “tuế phá”, “thiên đức” ở đây chính là danh xưng của cái mà gọi là “thần sát”. Thần sát có cát thần và hung thần, năm tháng ngày giờ thú thê là nghi hoặc kị. Đầu tiên cần xác nhận vào thời gian này là vị thần sát nào, ở vào phương vị nào, sau đó mới tính đến việc xu cát tị hung. Ví dụ, “tuế đức” 岁德 là cát thần trong số các “niên thần”, vạn phúc chầu về, đương nhiên là năm tốt để tổ chức hôn sự, nếu là hung thần “thái tuế” 太岁giá lâm thì cần phải tránh. Trong quá khứ còn có tập tục trong hôn nhân kị “đương lương niên” 当梁年 (2): người xưa lấy Tí, Ngọ, Mẹo, Dậu làm “đương lương niên”, cho rằng những năm đó không nên kết hôn. Ngược lại cũng có nhiều người nhanh chóng kết hôn vào nửa năm sau của “năm thỏ”, hi vọng sang “năm rồng” sẽ sinh “long tử”, vì thế năm thỏ lại trở thành năm tốt để kết hôn.
Sau khi chọn được năm, sẽ chọn tháng, chọn ngày, chọn giờ, cũng theo như cách chọn năm.
Chú của người dịch
1- Toạ hỉ sàng 坐喜床: cô dâu mang thai trong đêm thành hôn tục gọi là “toạ hỉ sàng”.
2- Đương lương niên” 当梁年: phong tục cổ đại cho rằng, những năm Tí, Ngọ, Mẹo, Dậu nếu kết hôn sẽ bất lợi cho cha mẹ chồng, nên cấm kị. Lương 梁 (xà nhà) nâng cây đống 栋(đòn dông), trong hôn nhân kị mang vác trên lưng, cho nên gọi những năm cấm kị đó là “đương lương niên”, gọi tắt là “đương lương”
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/7/2016
Nguyên tác Trung văn
XU CÁT TỊ HUNG
趋吉避凶
Trong quyển
HÔN GIÁ
婚嫁
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét