立名者贪用术者拙
真廉无廉名, 立名者正所以为贪; 大巧无巧术, 用术者乃所以为拙.
(菜根谭 - 立德修身)
LẬP DANH GIẢ THAM, DỤNG THUẬT GIẢ CHUYẾT
Chân liêm vô liêm danh, lập danh giả chính sở dĩ vi tham; đại xảo vô xảo thuật, dụng thuật giả nãi sở dĩ vi chuyết.
(Thái căn đàm – Lập đức tu thân)
LẬP DANH LÀ THAM, DÙNG THUẬT LÀ VỤNG
Người liêm khiết chân chính, không nhất định phải tạo lập thanh danh liêm khiết, một số người tạo lập thanh danh cho mình đó là vì họ tham danh tiếng; một người với trí tuệ chân chính không bao giờ khoe kĩ xảo, những người khoe kĩ xảo đó là vì họ muốn che dấu chỗ vụng về yếu kém của mình.
Giải thích và phân tích
Ngày trước, có một thư sinh nhân vì giống Xa Dận 车胤đời Tấn ban đêm mượn ánh sáng đom đóm để đọc sách nên nổi tiếng trong làng. Người trong làng vô cùng ngưỡng mộ việc làm của anh ta. Một buổi sáng sớm nọ, có người nghe tiếng tìm đến, muốn xin được chỉ giáo một số vấn đề. Nhưng người nhà của anh ta nói anh ta không có ở nhà.
Người nọ không rõ hỏi rằng:
- Lẽ nào một người mượn ánh sáng đom đóm học suốt cả đêm mà mới sáng sớm, thời gian học tốt nhất đã bỏ ra khỏi nhà, đi làm những việc khác? Đó không phải đạo lí của việc học.
Người nhà thành thực đáp rằng:
- Không có nguyên nhân nào khác, chủ yếu là đi bắt đom đóm, cho nên mới sáng sớm đã ra đi, đến chiều tối mới trở về.
Người nọ vô cùng thất vọng, hoá ra người nổi tiếng trong làng chẳng qua chỉ là hạng người vì muốn được hư danh mà làm điên đảo cả gốc ngọn. Về sau chuyện nọ lan truyền ra, anh chàng thư sinh đó bị người trong làng xa lánh.
Đọc câu chuyện này, mọi người đều chê cười. Xa Dận ban đêm đọc sách là có dụng công, thực cầu tri thức, còn anh chàng nguỵ thư sinh kia có khắc khổ chẳng qua cũng là loại hành vi ngu xuẩn. Bỏ thời gian học tốt nhất để ra ngoài bắt đom đóm, chiều tối mới trở về giả trang làm bộ dạng, hoàn toàn đảo ngược cả gốc ngọn. “Danh” đã có, nhưng với một thời gian dài nhất định sẽ lộ tẩy. Cái “danh” đó tạm bợ, như làn khói qua trước mắt, sẽ bị người đời nhanh chóng quên đi.
Ngoài ra, hư danh sẽ khiến con người mất đi chính mình, khiến người mất đi vẻ tôn nghiêm, càng nguy hiểm hơn đó là tham hư danh có thể khiến đối thủ có cơ hội, khi bị hại thì có thể nào lường được. Mỗi người đều cần phải khách quan đối đãi với chính mình, làm việc phải tự lượng sức mình.
Có một vị đại sư về võ thuật ẩn cư trong rừng sâu nhưng danh tiếng lan truyền khắp nơi. Có người từ xa ngàn dặm tìm đến, muốn học một số chiêu võ thuật. Khi anh ta đến rừng sâu, phát hiện vị đại sư nọ đang lấy nước từ núi về. Ông ta lấy không nhiều, nước trong hai thùng gỗ đều chưa đầy. Theo anh ta nghĩ, vị đại sư nọ phải dùng thùng lớn, hơn nữa, nước phải tràn đầy. Anh ta liền hỏi:
- Thưa đại sư, đây là đạo lí gì?
Vị đại sư đáp rằng:
- Đạo lấy nước không phải ở chỗ lấy nhiều, mà là ở chỗ đủ dùng. Tham nhiều sẽ bị phản ngược lại. Nước sánh đổ ra, há chẳng phải quay đầu đi lấy lại. Chân mỏi, đường đi gian nan, sao bằng lấy ít?
Vị đại sư nói xong liền để anh ta nhìn vào thùng gỗ. Hoá ra trong thùng có chăng một sợi dây.
Vị đại sư bảo rằng:
- Sợi dây này làm giới hạn, nước tuyệt đối không được cao hơn dây này, cao quá sẽ vượt quá năng lực và nhu cầu của mình. Lúc ban đầu cần sợi dây, nhiều lần lấy thì không cần nhìn sợi dây đó nữa, dựa vào cảm giác của mình thì biết là nhiều hay ít. Sợi dây đó có thể nhắc chúng ta, phàm mọi việc phải tận lực mà làm, và cũng cần phải lượng sức mà làm.
Trên đời có hạng người không dựa theo sợi dây giới hạn của mình, bề ngoài họ rất phong quang, nhưng một khi gặp việc, lộ ra điểm yếu của mình, khiến người ta chê cười, lại còn mất đi sự tín nhiệm của người khác. Cho nên mới có câu: “Chân liêm vô liêm danh, đại xảo vô xảo thuật” 真廉无廉名, 立名者正所以为贪; 大巧无巧术. Khi một người làm một việc không vì để hoàn thành việc đó, thường có thể nhận thức được năng lực và hoàn cảnh của mình, có thể cải biến hiện trạng cho tốt hơn, nếu không thì chỉ tự nếm lấy quả đắng.
Trên đời này, người háo danh trước khi làm một việc thường không biết việc mình làm có được người khác tán thưởng, họ chẳng qua chỉ dựa vào quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức của mình để làm những việc mà bản thân cho là cần làm. Kì thực, chúng ta với thân xích tử đến với cuộc đời này, lấy tâm xích tử để trải qua cuộc sống này, cần phải lưu lại sự thanh bạch chốn nhân gian. Không có thanh danh, cũng không có công lợi, thì đó là thanh danh không gì lớn bằng, công lợi không gì lớn bằng. Cho nên bậc tiên triết có nói: chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh. Ham muốn hư danh, muốn có được công muốn gần với lợi thì cái danh luôn kém; hạng người mua danh bán tiếng, không việc gì không làm, luôn không thể có được sự khoái lạc chân chính.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/7/2016
Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét