About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Vài nét về bộ "Tư trị thông giám"

VÀI NÉT VỀ BỘ “TƯ TRỊ THÔNG GIÁM”

          Tư trị thông giám 资治通鉴 là bộ sử thư biên niên thể, nội dung của nó trên bắt đầu từ Chu Liệt Vương 周烈王 năm thứ 23 (năm 403 trước công nguyên) xuống đến Chu Hiển Đức 周显德 năm thứ 6 (năm 959 trước công nguyên), bao quát lịch sử 16 triều, hơn 1300 năm, đồng thời theo triều đại phân thành 16 kỉ, tức: Chu kỉ (5 quyển), Tần kỉ (3 quyển), Hán kỉ (60 quyển), Nguỵ kỉ (10 quyển), Tấn kỉ (40 quyển), Tống kỉ (16 quyển), Tề kỉ (10 quyển), Lương kỉ (22 quyển), Trần kỉ (10 quyển), Tuỳ kỉ (8 quyển), Đường kỉ (81 quyển), Hậu Lương kỉ (6 quyển), Hậu Đường kỉ (8 quyển), Hậu Tấn kỉ (6 quyển), Hậu Hán kỉ (4 quyển), Hậu Chu kỉ (5 quyển). Tổng cộng 294 quyển, trong đó bộ phận Tuỳ Đường Ngũ đại chiếm tỉ trọng lớn nhất.
          Tư trị thông giám toàn sách khoảng 300 vạn chữ, lấy thời gian làm cương, lấy sự kiện làm mục, nội dung bao hàm nhiều phương diện như: chính trị, quân sự, dân tộc, kinh tế, văn hoá, đánh giá nhân vật... Tài liệu mà Tư trị thông giám thu nạp ngoài chính sử ra, còn có không ít dã sử, bách gia phổ lục, chính tập, biệt tập, mộ chí, bi kệ, hành trạng, biệt truyện ... nhiều và hoàn bị. Những người cùng Tư Mã Quang 司马光 biên soạn bộ sử thư này như Lưu Ban 刘攽, Lưu Thứ 刘恕, Phạm Tổ Vũ 范祖禹 đều là sử học gia nổi tiếng đương thời, trong đó Lưu Ban phụ trách bộ phận Chiến Quốc, Lưỡng Hán; Lưu Thứ phụ trách bộ phận Tam Quốc, Nam Bắc triều; Phạm Tổ Vũ phụ trách bộ phận Tuỳ Đường, Ngũ đại. Đối với khối tư liệu mênh mông đồ sộ, họ tiến hành phân tích, tuyển chọn, sau đó giao cho Tư Mã Quang 司马光 chọn lấy yếu điểm, biên tập định độ, làm thành bản sơ cảo. Như vậy, đảm bảo đồng thời tính phong phú và tính chuẩn xác của nội dung, khiến cho tài liệu riêng rẽ được hệ thống hoá.
          Sách mà Tư trị thông giám dẫn dụng nhiều đến cả trăm loại, có giá trị sử thực cực cao, nhưng do bởi lấy “giám tiền thế chi hưng suy, khảo đương kim chi đắc thất” 鉴前世之兴衰, 考当今之得失 (xem gương hưng suy của đời trước, khảo việc được mất của ngày nay) làm mục đích, lại hoàn toàn không phải là bộ sách đơn thuần thuật lại sự kiên lịch sử, mà là có công dụng chính trị rất lớn. Điều này phải nói từ bối cảnh ra đời của bộ Tư trị thông giám. Bắc Tống kiến lập, kết thúc cục diện chiến loạn bắt đầu từ sau thời trung Đường, lại một lần nữa thực hiện sự thống nhất quốc gia. Nhưng, quân chủ đại thần triều Bắc Tống đều biết rất rõ, bên trong thì chính trị quốc gia tích tệ rất nhiều, bên ngoài thì khu vực biên cương rất không ổn định. Đối với vấn đề này, các đại thần như Tư Mã Quang, Phạm Tổ Vũ trong lòng nóng như lửa đốt, họ muốn dùng lịch sử, tổng kết phương thức giáo huấn kinh nghiệm, tìm con đường giải quyết vấn đề hiện thực. Năm 1066, Tư Mã Quang dâng lên Tống Anh Tông bộ Thông chí 通志, tức tiền thân của bộ Tư trị thông giám. Bộ sách này ghi chép từ Chu Liệt Vương năm thứ 23 (năm 403 trước công nguyên) đến Tần Nhị Thế năm thứ 3 (năm 207 trước công nguyên), tổng cộng lịch sử 195 năm, thuật lại sự hưng vong của 7 nước Tần, Sở, Tề, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ. Tư Mã Quang hi vọng Tống Anh Tông từ bộ sách này có được sự gợi mở trong việc trị thế.
          Tống Anh Tông đối với bộ Thông chí vô cùng hài lòng, bèn sai Tư Mã Quang biên soạn Lịch đại quân thần sự tích 历代君臣事迹. Vì việc này, Anh Tông đặc biệt ban chiếu thiết lập thư cục, trợ giúp ngân khoản, để Tư Mã Quang tự chọn trợ thủ, chuyên công việc biên soạn, đồng thời cho phép Tư Mã Quang duyệt đọc sách vở của hoàng gia. Tư Mã Quang vô cùng cảm động, dùng thời gian 19 năm, hoàn thành bộ sách này vào năm Nguyên Phong 元丰 thứ 8 đời Tống Thần Tông (năm 1085). Nhưng, Tống Thần Tông không dùng tên sách Anh Tông đã định, mà lấy ý từ câu:
Giám vu vãng sự, hữu tư trị đạo
鉴于往事, 有资治道
(Lấy sự hưng suy của đời trước làm gương, hi vọng có lợi cho việc trị quốc)
đặt tên cho bộ sách là Tư trị thông giám.
          Do bởi duyên cớ đó, việc tuyển chọn tài liệu cho Tư trị thông giám vô cùng kĩ lưỡng, nó “gọt bỏ những chỗ dài dòng, nêu những chỗ quan trọng, chuyên lấy sự thịnh suy của quốc gia, gắn với vui buồn của dân sinh ..... trước sau có thứ tự, tinh thô không tạp”. Cho dù không nhằm bất cứ mục đích nào để đọc nó, chúng ta cũng sẽ trong bất tri bất giác hình thành nên lịch sử quan của mình, lấy thiện làm phép tắc, lấy ác làm điều răn. Sau khi thuật lại sự việc, sách còn nghị luận, chúng ta có thể thông qua những nghị luận này hiểu được giá trị quan của thời đại mà Tư Mã Quang sinh sống. Những nghị luận này tổng cộng 186 thiên, của Tư Mã Quang chiếm đến 102 thiên, “thần Quang viết”. Sử học gia Trần Thản 陈坦 cho rằng, Tư Mã Quang chí tại Tả thị truyện 左氏传, có những cảm xúc, cũng bắt chước theo họ Tả viết “quân tử viết” 君子曰mà xưng là “thần Quang viết” 臣光曰.
          Bất luận là lịch sử sử học hay lịch sử văn học, Tư trị thông giám đều chiếm một địa vị rất quan trọng, nó cùng với Sử kí 史记 của Tư Mã Thiên 司马迁được gọi chung là “Sử học song bích” 史学双璧. Hồ Tam Tỉnh 胡三省, sử học gia thời Tống Nguyên đã khen rằng:
          Làm vua mà không biết “Thông giám” thì muốn trị cũng không biết cái nguồn tự trị, ghét cái loạn mà không biết thuật phòng loạn. Làm bề tôi mà không biết “Thông giám”, thì trên không thể thờ vua, dưới không thể trị dân. Làm con mà không biết “Thông giám”, thì mưu tính cho bản thân tất sẽ khiến nhục tổ tiên, làm việc không đủ để lưu danh hậu thế.
          Lương Khải Siêu 梁启超, tư tưởng gia hiện đại bình luận rằng:
          “Thông giám” của Tư Mã Ôn Công, cũng là đại văn của trời đất, kết cấu hoằng vĩ, tại liệu phong phú, hậu thế muốn viết thông sử, thế không thể dựa vào đó làm lam bản, thì đến nay chưa có quyển nào vượt qua được. Ôn Công vĩ nhân thay!
          Sau Tư trị thông giám, sử thư với hình thức biên niên thể nhiều lên. Không ít học giả tham khảo phương pháp của Tư trị thông giám để khảo biện sử thực, chọn tài liệu không chỉ giới hạn ở thực lục chính sử, chú trọng tình hình căn cứ lịch sử và sự kiện lịch sử, tạo ra luồng gió khảo biện, mà Viên Xu 袁枢, sử học gia thời Nam Tống từ Tư trị thông giám đã có sự gợi mở, chọn lấy ưu điểm của biên niên thể và kỉ truyện thể, sáng tạo ra thể lệ viết sử mới – kỉ sự bản mạt.
          Một bộ sử thư vĩ đại không chỉ có thể giúp mọi người hiểu được quá khứ. Nó giống như một giòng sông lớn thâm trầm khoan thai, mọi người có thể đến bên sông để soi rọi bóng mình, xem nó là tấm gương để hiểu về bản thân, cũng có thể trên giòng nước, như ngư phủ bắt cá, từ trong đó lấy được thứ mình cần lấy, và có lẽ cũng sẽ có được viên ngọc quý mà mình chưa từng nghĩ đến. Nhìn từ diện mạo tuôn chảy của nó, mọi người còn có thể mượn nó để suy cầu tương lai.
          Đương nhiên, đọc xong một trứ tác đồ sộ với hơn 300 vạn chữ hoàn toàn không phải là dễ, cần phải có nghị lực kiên cường, cần phải có thời gian rộng rãi. Nhân đó, bộ sử thư này đã tinh tuyển những thiên chương mang tính đại biểu nhất, tinh tuý nhất, để mọi người có thể lấy tinh đạt toàn, thâm nhập thiển xuất thể ngộ tinh thần cả bộ Tư trị thông giám. Do bởi đồng thời tinh tuyển, bộ sách đã bảo lưu hoàn hảo thể lệ thông sử của Tư trị thông giám, bảo đảm tính hoàn chỉnh linh hồn của trọn bộ tác phẩm.
          Ngoài ra, đọc kinh điển cổ đại, ngôn ngữ văn tự là một trở ngại rất lớn, phương thức hành văn của người xưa rất khác với ngày nay, hơn nữa ngôn ngữ của Tư trị thông giám tuy giản phồn đều thích hợp, rất sinh động, nhưng lại không thông tục đơn giản dễ hiểu, nên rất nhiều người lui bước. Chính vì thế, khi biên soạn bộ Tư trị thông giám này, chúng tôi đã thêm phần chú thích, dịch văn sang Hán ngữ hiện đại giúp độc giả đọc hiểu, đồng thời đối với toàn sách chúng tôi tiến hành tinh biên tinh hiệu, bảo đảm tính nghiêm túc cẩn thận, tính chuẩn xác của nguyên văn, chú thích và dịch văn. Ngoài ra, chúng tôi còn tuỳ theo mỗi đoạn bổ sung thêm hơn 600 hình, triển hiện sinh động diện mạo chân thực thời kì lịch sử tương ứng. Bất luận là phục trang của nhân vật, hay dạng thức kiến trúc, hình mạo khí vật, chúng tôi đều phải trải qua sự khảo chứng kĩ lưỡng, tái hiện tình hình đương thời, độc giả đọc văn xem hình giống như mình đang đối mặt với tình cảnh ấy.
          Đọc sách vừa có được tri thức, bổ sung cho tư tưởng, bổ sung cho quá trình rèn luyện thân tâm, mà cũng chính là quá trình hưởng thụ tinh thần. Bộ sách này của chúng tôi kết hợp nguyên văn, chú thích, dịch văn, hình ảnh kèm theo cùng chú thích về hình ảnh, tầng thứ rõ ràng, lòng vui mắt thích, đem việc đọc cổ văn kinh điển từ chỗ khô khan biến thành một loại thể nghiệm tốt đẹp của thân tâm.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 01/7/2016

Nguồn
TƯ TRỊ THÔNG GIÁM
资治通鉴
Bắc Tống . Tư Mã Quang 司马光
Chủ biên: Nhậm Tư Vũ 任思武
Bắc Kinh . Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét