MĨ ĐỨC TRUYỀN THỐNG
(kì 1)
Trung Quốc vốn được gọi là “văn minh cổ quốc” 文明古国, “lễ nghĩa chi bang” 礼义之邦, có di sản lịch sử phong phú, trong đó bao gồm lí luận về học thuyết đạo đức luân lí của các thời kì lịch sử khác nhau, cùng với những quy phạm đạo đức. Những lí luận và quy phạm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hoá truyền thống Trung Quốc, hơn nữa đã trở thành nội dung chủ yếu của sử học và văn học.
Đầu tiên phải nói đến Khổng Tử 孔子. Khổng Tử sống vào cuối thời Xuân Thu, tinh thông văn hiến lịch sử đời Thương và đời Chu . Ông tuy tự xưng là “hiếu cổ” 好古, nhưng hoàn toàn không phải “thực cổ bất hoá” 食古不化, mà là giỏi đem di sản văn hoá Thương Chu tiêu hoá hấp thu, đề xuất quan điểm lí luận mới. Khổng Tử là tư tưởng gia và giáo dục gia đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đề xuất lí luận đạo đức luân lí.
Khổng Tử coi trọng nghiên cứu mối quan hệ của người với người trong xã hội. Điều này có quan hệ mật thiết với thời đại mà ông sinh sống. Sự biến động xã hội cuối thời Xuân Thu đã dẫn đến sự biến đổi kịch liệt ở nhiều phương diện như: người với người, quân thần, chư hầu khanh đại phu, phụ tử ..., từ đó xuất hiện cục diện “lễ hoại nhạc băng” 礼坏乐崩. Sự phá hoại Chu lễ khiến người ta mất đi chỗ dựa tinh thần và hành vi, vì thế đề xuất vấn đề xã hội cần giải quyết ngay: dùng chuẩn tắc nào để chỉ đạo tư tưởng và hành động của con người, mới có thể khiến xã hội ở vào trạng thái ổn định? Các tư tưởng gia đương thời đều phát biểu ý kiến riêng về vấn đề trọng đại này. Phái Nho gia mà người khai sáng là Khổng Tử đã trả lời một cách rõ ràng rằng: Chuẩn tắc của vấn đề này gọi là “nhân” 仁. Từ Tả truyện 左传, Quốc ngữ - Chu ngữ 国语- 周语 chúng ta có thể nhìn thấy, trước Khổng Tử và cùng thời với Khổng Tử, nhiều người đều nói về “nhân”, nhưng không có ai như Khổng Tử nói một cách có hệ thống, có tính lí luận, giản đơn rõ ràng nổi bật trọng điểm, dễ được mọi người tiếp nhận.
Thế nào là “nhân” 仁? Câu trả lời đơn giản và rõ ràng của Khổng Tử là: nhân tức đạo lí làm người. Nói một cách cụ thể cũng chính là chuẩn tắc cần phải tuân thủ để làm một người “quân tử” có tu dưỡng đạo đức, có học vấn. Như trong Quốc ngữ - Chu ngữ 国语 - 周语 có nói:
Ngôn nhân tất cập nhân.
言仁必及人
Nói về “nhân” tất nhiên liên quan tới việc làm người như thế nào, cho đến việc xử lí như thế nào cho chính xác về mối quan hệ giữa những người trong gia đình, mối quan hệ giữa vua tôi và bạn bè trong xã hội.
Khổng Tử giáo dục học trò, giảng không ít những lời mang tính triết lí. Học trò Khổng Tử đem những lời giảng ấy chỉnh lí lại thành bộ Luận ngữ 论语. Trong Luận ngữ, nhiều chỗ Khổng tử quy định giới thuyết cho “nhân”, mặc dù văn tự giới thuyết có chỗ không giống nhau, nhưng tinh thần cơ bản lại tương đồng. Khổng Tử giảng về “nhân” không phải xuất phát điểm từ sự sùng bái tổ tiên, mà là đạo lí làm người một cách chân thực; cũng không phải lấy việc ủng hộ sự hi sinh về một phương diện nào đó làm xuất phát điểm, mà là nghĩ đến lợi ích song phương giữa người với người. Như, học trò Khổng Tử hỏi rằng: Thầy thường giảng về “nhân”, rốt cuộc như thế nào là “nhân”? Khổng Tử trả lời rằng:
Nhân giả ái nhân
仁者爱人
(Nhân là biết yêu người)
(Luận ngữ - Nhan Uyên 论语 - 颜渊)
Gọi là “ái nhân”, một mặt là:
Kỉ sở bất dục, vật thi vu nhân
己所不欲, 勿施于人
(Những gì mình không muốn thì chớ có làm cho người khác)
(Luận ngữ - Vệ Linh Công 论语 - 卫灵公)
Một mặt khác là:
Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân
己欲立而立人, 己欲达而达人
(Những gì mình muốn lập thì cũng nên lập cho người khác, những gì mình muốn đạt thì cũng nên cho người khác đạt được)
(Luận ngữ - Ung Dã 论语 - 雍也)
Hai mặt này kết hợp lại gọi là “trung thứ chi đạo” 忠恕之道, được xem là nội dung chủ yếu của “nhân”.
Để điều tiết mối quan hệ giữa quân thần, phụ tử, Khổng Tử yêu cầu hai bên phải theo nguyên tắc đạo “trung thứ”, tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ, cha muốn con đối với mình phải hiếu, cha phải lấy “từ ái” để đối đãi với con. Con không muốn cha đối với mình “bất từ”, con cũng phải lấy hiếu để phụng dưỡng cha. Cũng như vậy, vua muốn bề tôi đối với mình phải trung, vua phải đúng là vua, có phẩm đức làm vua. Nếu vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, thế thì trật tự gia đình và trật tự xã hội khó mà ổn định.
Rất rõ ràng, từ mấy ví dụ trên có thể thấy, vị vua mà Khổng Tử nói đến như một người quân tử, đều là từ phương diện đạo đức luân lí mà nói. Cũng chính là nói, vua phải tuân thủ quy phạm đạo đức mới có thể trở thành vị vua chân chính. Nhân đó, “nhân” mà Khổng Tử nói đến là tổng xưng của đạo đức. Trong Luận ngữ - Dương Hoá 论语 - 阳货 có câu:
Tử Trương vấn nhân vu Khổng Tử. Tử viết: “Năng hành ngũ giả vu thiên hạ vi nhân hĩ.” Thỉnh vấn kì mục, viết: “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ, khoan tắc đắc chúng, tín tắc nhân nhậm yên, mẫn tắc hữu công, huệ tắc túc sử nhân.”
子张问仁于孔子. 子曰: “能行五者于天下, 为仁矣.” “请问其目”, 曰: “恭, 宽, 信, 敏, 惠. 恭则不侮, 宽则得众, 信则人任焉, 敏则有功, 惠则足以使人.”
(Tử Trương hỏi Khổng Tử về điều nhân. Khổng Tử trả lời rằng: “Làm được năm điều trong thiên hạ thì đó là nhân vậy.” Tử Trương lại hỏi: “Xin thầy cho biêt năm điều đó”. Khổng Tử đáp: “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung kính thì không bị người ta khinh nhờn, khoan hậu thì được lòng mọi người, thành tín thì được người ta tin dùng, cần mẫn thì có công, quan tâm đến người khác thì có thể sử dụng được họ.”)
Ở đây Khổng Tử đề xuất 5 quy phạm đạo đức:
“Cung” 恭 – tự trọng
“Khoan” 宽 – khoan hậu
“Tín” 信 – thành thực
“Mẫn” 敏 – cần mẫn
“Huệ” 惠 – quan tâm đến người khác
Tổng hoà của 5 quy phạm đạo đức này gọi là “nhân”. Khổng Tử giảng về quy phạm đạo đức không giới hạn ở 5 quy phạm này, có lúc Khổng Tử lại nói:
“Ôn” 温 – khiêm hoà
“Lương” 良 – thiện lương
“Cung” 恭 – tự trọng
“Kiệm” 俭 – kiệm phác
“Nhượng” 让 – khiêm nhường.
(xem Luận ngữ - Học Nhi 论语 - 学而)
Tổng hoà của “đức mục” này gọi là “nhân” (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/7/2016
Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
0 nhận xét:
Đăng nhận xét