相反与相得
好丑心太明 (1), 则物不契 (2); 贤愚心太明 (3), 则人不亲 (4). 须是内精明而外浑厚 (5), 使好丑两得其平, 贤愚共受其益, 才是生成的德量(6).
(小窗幽记)
TƯƠNG PHẢN DỮ TƯƠNG ĐẮC
Hảo xú tâm thái minh (1), tắc vật bất khế (2); hiền ngu tâm thái minh (3), tắc nhân bất thân (4). Tu thị nội tinh minh nhi ngoại hồn hậu (5), sử hảo xú lưỡng đắc kì bình, hiền ngu cộng thụ kì ích, tài thị sinh thành đích đức lượng (6).
(Tiểu song u kí)
Chú thích
1- Hảo xú 好丑: phân biệt tốt đẹp và ác xấu.
2- Khế 契: khế hợp, phù hợp.
3- Hiền ngu 贤愚: phân biệt thông minh và ngu xuẩn.
4- Thân 亲: thân cận, gần gũi.
5- Hồn hậu 浑厚: thuần phác, đôn hậu.
6- Sinh thành 生成: nuôi nấng, sinh dưỡng.
Đức lượng 德量: đạo đức và độ lượng.
Dịch nghĩa
TƯƠNG PHẢN VÀ TƯƠNG ĐẮC
Tâm quá rạch ròi phân biệt giữa cái đẹp và cái xấu, thì không có cách gì hợp với sự vật; tâm quá rạch ròi phân biệt giữa thông minh và ngu xuẩn, thì không có cách gì gần gũi với mọi người. Điều cần phải là, trong lòng thì tinh minh còn bên ngoài thì thuần phác nhân hậu, để cái đẹp và cái xấu cả hai có được sự quân bình, hiền và ngu cả hai cùng nhận được cái lợi. Đó mới là bản ý và khí lượng của trời.
Phân tích và thưởng thức
Như thế nào là đẹp? có người nói là tại khách quan, có người nói là tại chủ quan, cũng có người nói là sự kết hợp giữa chủ quan và khách quan. Cái đẹp không thể luận định, mà thường là dựa vào sự yêu thích của mỗi cá nhân. Lão Tử nói rằng:
Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tức ác hĩ (*).
天下皆知美之为美, 斯恶矣
(Thiên hạ đều biết cái đẹp sở dĩ đẹp là do bởi cái xấu nó tồn tại)
Thiện ác đẹp xấu vốn là tương đối, nếu chỉ chấp vào cái mà ta cho là đẹp thì không thể tiếp nhận hiện tượng vốn có của cả thế giới, sẽ rơi vào trạng thái thấy mọi vật hoàn toàn xa lạ. Cũng như vậy, sự phân biệt hiền ngu cũng chỉ là tương đối. Khổng Tử dạy không nên phân biệt ngu hiền bất tiếu, nếu chỉ tiếp nhận người hiền mà bỏ người ngu, há chẳng phải là khiến người hiền càng hiền, người ngu càng ngu sao? Xử thế trong tâm nên minh bạch còn bên ngoài nên thuần phác nhân hậu, giống như ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng muôn vật, để cái đẹp cái xấu cả hai được quân bình, người hiền người ngu cả hai đều được cái lợi. Đó mới chính là bản ý và khí lượng của trời cao.
Chú của người dịch
*- Câu này theo quyển Đạo đức kinh, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê là:
Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tức ác dĩ.
天下皆知美之为美, 斯恶已
Tiểu song u kí 小窗幽记 là tác phẩm ghi lại những cách ngôn tu thân xử thế do Trần Kế Nho 陈继儒biên soạn, thể hiện thái độ nhân sinh tích cực của nho gia về việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tác phẩm này xưa nay được xem là giai tác về việc tu dưỡng bản thân.
Toàn sách được chia làm 12 quyển:
quyển 1: tập tỉnh 集醒 quyển 2: tập tình 集情 quyển 3: tập tiễu 集峭
quyển 4: tập linh 集灵 quyển 5: tập tố 集素 quyển 6: tập cảnh 集景
quyển 7: tập vận 集韵 quyển 8: tập kì 集奇 quyển 9: tập ỷ 集绮
quyển 10: tập hào 集豪 quyển 11: tập pháp 集法 quyển 12: tập thiến 集倩
Tiểu song u kí được dùng ở đây do Lôi Phương 雷芳 chú dịch, Sùng Văn thư cục xuất bản năm 2007, sách này không chia thành 12 quyển như ở trên.
Trần Kế Nho 陈继儒 (1558 – 1639): văn học gia, thư hoạ gia đời Minh, tự Trọng Thuần 仲醇, hiệu Mi Công 眉公, người Hoa Đình 华亭Tùng Giang 松江 (nay là Tùng Giang Thượng Hải).
Trần Kế Nho lúc nhỏ đã thông minh, ông học rộng biết nhiều, giỏi cả thơ lẫn văn, về thư pháp theo Tô Thức 苏轼, Mễ Phế 米芾 nổi tiếng một thời. Khoảng những năm hai mươi mấy tuổi, ông tuyệt ý với khoa cử, ẩn cư tại Tiểu Côn sơn 小昆山, sau cất nhà tại Đông Xà 东佘suốt ngày đóng cửa viết sách. Triều đình nhiều lần cho mời nhưng ông đều lấy cớ bệnh tật từ chối.
Trần Kế Nho cả một đời đọc rất nhiều, trứ thuật cũng đồ sộ phong phú. Tác phẩm của ông có Trần Mi Công toàn tập 陈眉公全集 truyền đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/7/2016
Nguyên tác
TƯƠNG PHẢN DỮ TƯƠNG ĐẮC
相反与相得
Trong quyển
TIỂU SONG U KÍ
小窗幽记
Tác giả: Trần Kế Nho 陈继儒
Chú dịch: Lôi Phương 雷芳
Sùng Văn thư cục, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét