About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (tiếp theo)

MINH THÁI TỔ CHUNGUYÊN CHƯƠNG
(tiếp theo)

          Chu Nguyên Chương 朱元璋 sau khi xưng đế tiếp tục hoàn thành đại nghiệp thống nhất của vương triều. Lưỡng Quảng, Tứ Xuyên, Vân Nam, Liêu Đông trước sau được bình định. Nguyên Thuận Đế sau khi Đại Đô (nay là Bắc Kinh) bị phá đã bị đuổi chạy lên Thượng Đô của triều Nguyên (nay là Đa Luân 多伦Nội Mông).
          Để vương triều Đại Minh yên ổn lâu dài, đối với những kinh nghiệm thành bại trị loạn trong lịch sử, Chu Nguyên Chương đã tiến hành tổng kết, hình thành phương lược trị quốc hữu hiệu.
          Về cơ cấu quốc gia, Chu Nguyên Chương phế bỏ chế độ Trung thư sảnh中书省, không đặt chức Thừa tướng, đề cao địa vị của lục bộ, đồng thời thực hành phương thức Tam ti phân trị địa phương, khiến quyền lực quốc gia được nắm chặt trong tay hoàng đế. Trung thư sảnh là trung tâm chính vụ quốc gia được thiết lập từ đời Nguỵ Tấn cho đến các đời sau. Thời Nguyên, Trung thư sảnh tổng quản chính sự thiên hạ, trưởng quan là Thừa tướng, chức trách thống lĩnh bách quan, giúp hoàng đế xử lí chính sự. Nhưng do bởi Thừa tướng đối với chính vụ có quyền lực chuyên quyết, gần như chuyên đoán, sẽ trở thành mối uy hiếp đối với hoàng quyền, cho nên vào năm Hồng Vũ 洪武thứ 13 (năm 1380), Chu Nguyên Chương sau khi trừng trị Thừa tướng Hồ Duy Dung 胡惟庸 ngang ngược tàn ác, đã hạ lệnh bãi bỏ Trung thư sảnh cùng chức Thừa tướng, đề cao phẩm trật của quan viên lục bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, phân chia xử lí việc triều chính. Vì thế, lục bộ trực tiếp nghe lệnh từ hoàng đế. Mức độ chuyên chế của hoàng đạt đến cực điểm. Về việc thiết lập cơ cấu địa phương, những năm đầu thời Hồng Vũ vẫn theo cách của triều Nguyên tại các tỉnh thiết lập Trung thư sảnh. Do bởi Trung thư sảnh thống quản quân chính, dân chính và tài chính của một tỉnh, chức quyền quá lớn, dễ hình thành thế lực cát cứ không nghe theo hiệu lệnh của triều đình, cho nên vào năm Hồng Vũ thứ 9 (năm 1376), Chu Nguyên Chương hạ lệnh phế bỏ Hàng trung thư sảnh, lấy Thừa tuyên bố chính sứ ti 承宣布政使司 quản dân chính, tài chính của một tỉnh, lấy Đề hình án sát sứ ti 提刑按察使司 quản việc hình pháp của một tỉnh, lấy Đô chỉ huy sứ ti 都指挥使司 quản quân chính của một vùng. Do vì 3 ti này không thống thuộc lẫn nhau nên đã phòng ngừa hữu hiệu việc nhân quyền lực địa phương quá lớn mà hình thành thế lực cát cứ.
          Về phương diện biên chế và kiến thiết quân đội, Chu Nguyên Chương theo kiến nghị của Lưu Cơ 刘基 sáng lập Vệ sở chế 卫所制, tức mỗi Vệ do 5000 hộ tổ thành, cộng khoảng 5600 người. Trưởng quan các vệ là Vệ chỉ huy sứ, bên trên là Đô chỉ huy sứ. Các Đô chỉ huy sứ ti lấy Đô chỉ huy sứ làm trưởng quan thì phân ra lệ thuộc vào Ngũ quân Đô thống phủ của triều đình là Tiền, Trung, Hậu, Tả, Hữu. Ngũ quân Đô thống phủ tuy là cơ cấu quản lí quân tịch và quân chính, nhưng lại không có quyền điều binh. Mỗi khi gặp chiến sự, do Binh bộ phụng chỉ phát lệnh điều binh, thống soái quân sự thì do hoàng đế bổ nhiệm. Như vậy, tuy có sự không hiểu nhau giữa binh tướng, bất lợi việc chỉ huy chiến dịch, nhưng lại khiến hoàng đế nắm chặt quân quyền, đủ sức phòng ngừa phát sinh tình hình tướng soái đem binh phản biến.
          Đối với việc khôi phục và phát triển kinh tế xã hội đầu đời Minh, Chu Nguyên Chương đã có những cống hiến quan trọng. Lúc ban đầu, chiến tranh tàn phá, nhân khẩu điêu linh. Để nhanh chóng chữa trị vết thương mà chiến tranh gây ra cho xã hội, Chu Nguyên Chương áp dụng chính sách khen thưởng khẩn hoang và thực hành đồn điền. Đồng thời, đề xướng tiết kiệm, nghiêm trị tham quan ô lại. Những biện pháp này đối với việc củng cố chính quyền Minh sơ và thúc đẩy sự phát triển sản xuất đã có tác dụng cực lớn.
           Nhưng Chu Nguyên Chương rốt cuộc cũng là một vị đế vương phong kiến, ông có mặt tàn nhẫn hung hãn, từng tru sát công thần, gây ra văn tự ngục, khiến không ít bề tôi vô tội bị nỗi oan chém đầu. Thậm chí ngay cả những phi tần sinh được hoàng tử cũng có người đắc tội dẫn đến hoạ sát thân. Như Quách Ninh phi 郭宁妃 và Lí Hiền phi 李贤妃mẫu thân của Đường Vương 唐王, Cát Lệ phi 葛丽妃 mẫu thân của Y Vương 伊王, bị Chu Nguyên Chương thịnh nộ ban cho cái chết, dùng một cái giỏ lớn đựng xác rồi đem chôn bên ngoài Thái Bình môn 太平门 tại Nam Kinh. Đợi đến khi Chu Nguyên Chương bớt giận, lúc
muốn dùng quan quách để mai táng, thi thể của 3 bà phi đã nát không thể phân  biệt được. Và như, Hồ phi 胡妃 mẫu thân của Sở Vương 楚王, vì hoài nghi truỵ thai mà bị xử tử. Chu Nguyên Chương tàn nhẫn hạ lệnh bỏ thây ngoài thành. Sở Vương đến triều, tìm thây không thấy, chỉ thấy một dãi lụa. Sở Vương bi thống vạn phần, đành phải lấy dãi lụa đó đem về phong quốc của mình mai táng.
          Chu Nguyên Chương tại vị tổng cộng 31 năm. Ngày 10, Tân Mão (ngày 16)  tháng 5 nhuần  năm Hồng Vũ thứ 31 (năm 1398), Chu Nguyên Chương qua đời, táng tại Hiếu lăng 孝陵. Thuỵ Cao Hoàng Đế, miếu hiệu Thái Tổ. Năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ nhất (năm 1403), lại có thuỵ là:
Thần Thánh Văn Vũ Khâm Minh Khải Vận Tuấn Đức Thành công Thống Thiên Đại Hiếu Cao Hoàng Đế.
神圣文武钦明启运俊德成功统天大孝高皇帝
          Năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 17 (năm 1538) đổi lại tên thuỵ là:
          Khai Thiên Hành Đạo Triệu Kỉ Lập Cực Đại Thánh Chí Thần Nhân Văn Nghĩa Vũ Tuấn Đức Thành Công Cao Hoàng Đế.
开天行道肇纪立极大圣至神仁文义武俊德成功高皇帝
          Theo ghi chép trong Đại Minh hội điển 大明会典, cùng táng với Chu Nguyên Chương tại Hiếu lăng còn có 38 vị phi tần tuẫn táng. Gia thuộc của những phi tần này nhân đó được gọi là “Thái Tổ triều thiên nữ hộ” 太祖朝天女户. Cha và anh của họ đa số được sắp xếp làm Cẩm y vệ.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 13/8/2016

Nguyên tác Trung văn
MINH THÁI TỔ CHUNGUYÊN CHƯƠNG
明太祖朱元璋
Trong quyển
MINH TRIỀU ĐẾ VƯƠNG LĂNG
明朝帝王陵
Tác giả: Hồ Hán Sinh 胡汉生
Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã, 2001

0 nhận xét:

Đăng nhận xét