VỊ HOÀNG ĐẾ ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG QUỐC
TẦN THUỶ HOÀNG
Tần Vương Doanh Chính秦王 嬴政 từ năm 230 đến năm 221 trước công nguyên, dùng thời gian 10 năm, kiêm tính 6 nước Hàn, Triệu, Nguỵ, Sở, Yên, Tề, kết thúc cục diện Chiến quốc cát cứ chư hầu tranh bá, thống nhất Trung Quốc, kiến lập quốc gia trung ương tập quyền phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã định danh cho quốc gia thống nhất là Tần 秦, quốc đô đặt tại Hàm Dương 咸阳 (nay là Hàm Dương, Thiểm Tây). Ông cảm thấy công tích của mình còn lớn hơn so với Tam Hoàng Ngũ Đế trong truyền thuyết cổ đại, là nhân vật vĩ đại nhất từ lúc khai thiên lập địa đến giờ, cho nên không thể dùng xưng hiệu “vương” 王 nữa, cần phải có một xưng hiệu tôn quý mới có thể xứng với công tích của mình đồng thời truyền cho hậu thế. Thế là ông dùng kiến nghị của Lí Tư 李斯, quyết định lấy “hoàng” và “đế” làm một, dùng xưng hiệu “hoàng đế”. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc tự xưng là Thuỷ Hoàng Đế 始皇帝. Ông còn quy định: con cháu nối tiếp hoàng vị thứ tự đời thứ 2 gọi là Nhị Thế Hoàng Đế, đời thứ 3 gọi là Tam thế Hoàng Đế, như vậy đời nối đời truyền đến thiên thu vạn đại.
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng chính thức dùng đế hiệu, không hề chìm đắm trong ca múa thăng bình. Ông thường nghĩ đến, tuy thống nhất toàn quốc, nhưng làm thế nào để trị lí một quốc gia rộng lớn như thế. Ông nhận thức được đó là đại sự không được chậm trễ, tự mình phải chuyên cần triều chính, an bang tị quốc, mới có thể khiến giang sơn ổn định, hoàng vị của mình mới có thể vĩnh viễn không mất.
Trong một lần triều hội, Thừa tướng Vương Quan 王绾 dâng sớ tâu với Tần Thuỷ Hoàng:
- Hiện tại chư hầu vừa bị tiêu diệt, đặc biệt là 3 nước Yên, Sở, Tề cách Hàm Dương rất xa, rất khó khống chế, không phong mấy vị vương nơi đó thì không được. Xin hoàng thượng phong mấy vị hoàng tử đến những nơi đó tiến hành quản lí.
Nhiều đại thần tán thành ý kiến của Vương Quan, chỉ có một mình Lí Tư biểu thị phản đối. Ông nói rằng:
- Lúc đầu khi Chu Vũ Vương kiến lập triều Chu , cũng phân phong không ít chư hầu. Nhưng không ngờ sau này, họ như oan gia tàn sát lẫn nhau, Chu thiên tử cũng không cách gì cấm chỉ. Có thể thấy biện pháp phân phong không tốt. Theo thần thấy chi bằng thiết lập quận huyện trong toàn quốc.
Ý kiến của Lí Tư hợp ý Tần Thuỷ Hoàng. Để tiêu diệt thế lực muốn khôi phục nước cũ, ông quyết định hạ lệnh phế bỏ biện pháp phân phong truyền thống của xã hội nô lệ, đổi sang chế độ quận huyện, đem toàn quốc chia làm 36 quận, dưới quận phân thành huyện, trưởng quan do triều đình trực tiếp bổ nhiệm, những quan lại này chỉ phụ trách đối với hoàng đế. Chính sự quốc gia, bất luận lớn hay nhỏ, đều do hoàng đế quyết định. Tương truyền Tần Thuỷ Hoàng mỗi ngày phải xem 1200 cân tấu chương bằng thẻ trúc, lúc toàn quốc tiến hành chế độ quận huyện, Tần Thuỷ Hoàng còn xác định lấy tam công cửu khanh làm hình thức tổ chức chính quyền trung ương, những quan lại này do hoàng đế bổ nhiệm và bãi miễn, cũng giống quan lại địa phương không thể thế tập.
Việc xác lập chế độ quận huyện đã hạn chế sự phát triển thế lực cát cứ địa phương, tăng cường mối liên hệ giữa trung ương với địa phương, thúc đẩy sự phát triển đồng đều về kinh tế, văn hoá ở các nơi trong cả nước, có lợi cho việc củng cố sự thống nhất quốc gia. Về sau thể chế chính trị này đã được các vương triều phong kiến các đời làm theo, đó là công tích lịch sử to lớn của Tần Thuỷ Hoàng.
Trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất trung nguyên, liệt quốc chư hầu chưa có chế độ thống nhất, như: xe cộ các vùng lớn nhỏ không như nhau, nhân đó đường xe chạy cũng rộng hẹp khác nhau. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, bắt đầu quy định cự li giữa 2 bánh xe nhất luật đổi thành 6 xích, khiến đường xe chạy tương đồng. Như vậy xe cộ các nơi trong toàn quốc tới lui rất thuận tiện, việc đó đương thời gọi là “xa đồng quỹ” 车同轨
Cũng như vậy, trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, văn tự của liệt quốc chư hầu cũng không thống nhất. Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh, uỷ phái Lí Tư chỉnh lí văn tự, thu nạp cách viết tương đối thuận lợi, quy định lấy văn tự tiểu triện thống nhất làm tiêu chuẩn; như vậy, dần thực hiện rộng rãi trong cả nước, sự giao lưu văn hoá giữa các vùng cũng thuận lợi hơn, đó gọi là “thư đồng văn” 书同文.
Ngoài ra, tiêu chuẩn thước tấc, thăng đấu, cân lượng vốn có của 6 nước không như nhau, bắt đầu từ đây, Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh phế bỏ độ lượng đong đo vốn có của 6 nước, quy định chế độ đo lường dùng thống nhất trong cả nước.
Đương thời, Hung Nô phương bắc thường đem binh quấy nhiễu khu vực biên cương phía bắc, uy hiếp sự an toàn của vương triều Tần. Hung Nô vón là dân tộc thiểu số cổ xưa ở phía bắc Trung Quốc, hậu kì Chiến Quốc, quý tộc Hung Nô nhân nước Yên nước Triệu phía bắc ngày càng suy yếu, đã từng bước xâm phạm xuống phía nam, chiếm đoạt một vùng đất rộng lớn Hà Sáo 河套 phụ cận Hoàng Hà. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất trung nguyên, đã phái tướng quân Mông Điềm 蒙恬 đem 30 vạn đại quân chống lại sự xâm lược của Hung Nô, đồng thời thu hồi lại vùng Hà Sáo, thiếp lập 44 huyện tại nơi đó.
Để phòng ngự Hung Nô xâm phạm, Tần Thuỷ Hoàng trưng dụng mấy chục vạn dân chúng các nơi, đem tường thành vốn có từ trước của 3 nước Yên, Triệu, Tần nối liền lại với nhau, lại xây mới thêm không ít tường thành. Từ Lâm Thao 临洮 phía tây (nay là huyện Mân 岷 tỉnh Cam Túc 甘肃 đến Liêu Đông phía đông (nay là tây bắc Liêu Dương 辽阳 Liêu Ninh 辽宁), nối liền thành một tường thành dài đến vạn dặm. Toà kiến trúc cổ nổi tiếng trên thế giới này, mãi là tượng trưng cho nền văn minh lâu đời cổ xưa lâu của dân tộc Trung Hoa.
Về sau Tần Thuỷ Hoàng lại phát động cuộc chiến tranh cả nam bắc 2 tuyến, phái 50 vạn đại quân đánh phía nam, phạm vi thế lực của Tần mở rộng đến Nam Hải 南海. Năm sau, Tần Thuỷ Hoàng phái Mông Điềm đánh bại Hung Nô, thu phục những vùng đất đã mất, đặt thêm quận. Như vậy, toàn quốc tổng cộng có 40 quận. Để giữ vững biên giới, Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh dời mấy vạn dân đến Hà Sáo, lập đồn điền canh giữ, điều này đối với việc khai phá biên cương phía bắc đã có tác dụng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/8/2016
Nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC ĐỆ NHẤT CÁ HOÀNG ĐẾ - TẦN THUỶ HOÀNG
中国第一个皇帝- 秦始皇
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét