About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Nguồn gốc của thể dục

NGUỒN GỐC CỦA THỂ DỤC

1- Vài nét về tình hình sinh hoạt thời kì tối nguyên thuỷ của nhân loại
          Tìm hiểu về nguồn gốc của thể dục, cần phải truy ngược đến thời kì tối nguyên thuỷ của nhân loại. Dựa vào những văn vật phát hiện được dưới lòng đất, tham chiếu những truyền thống thần thoại trong các thư tịch cổ cùng tư liệu dân tộc học có liên quan, chúng ta có thể biết: sớm nhất là sơ kì thời đại đồ đá cũ cách nay từ 1 triệu đến 2 triệu năm, khu vực tây nam Trung Quốc đã tồn tại con người sớm nhất.
          Người vượn Nguyên Mưu 元谋 Vân Nam 云南 khoảng 1.700.000 năm trước (có thuyết cho là 2.500.000 năm trước), người vượn Lam Điền 蓝田 Thiểm Tây 陕西 khoảng 800.000 năm trước, người vượn Bắc Kinh 北京 Chu Khẩu Điếm 周口店 khoảng 500.000 năm trước là những loài người sớm nhất được phát hiện ở Trung Quốc hiện nay. Họ ở vào thời đại quần cư nguyên thuỷ, còn bảo lưu một số đặc trưng của vượn, có những đồ đá chế tác nguyên thuỷ. Người vượn Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm đã biết cách dùng lửa và đã có ngôn ngữ rất đơn giản. Sức sản xuất của họ cực thấp, sống một cuộc sống bầy đàn săn bắt hái lượm, cuộc sống đơn giản, sơ sài, bị dã thú xâm hại và bị bệnh tật đói rét giày vò. Trong các sách cổ từng miêu tả qua tình hình này:
          Thượng cổ chi thế, nhân dân thiểu nhi cầm thú chúng, nhân dân bất thắng cầm thú trùng xà. ….. Dân thực quả loả bạng cáp, tinh tao ác xú, nhi thương hại phúc vị, dân đa tật bệnh.
          上古之世, 人民少而禽兽众, 人民不胜禽兽虫蛇 ….. 民食果蓏蚌蛤, 腥臊恶臭, 而伤害腹胃, 民多疾病.
          (Thời thượng cổ, dân ít mà cầm thú thì nhiều, dân không thắng nổi cầm thú trùng xà ….. Dân ăn quả hạt sò ốc, những thứ tanh tao hôi hám, gây hại cho bụng, nên dân nhiều tật bệnh)
                                          Hàn Phi Tử 韩非子, quyển 19. Ngũ đố 五蠹
(Chư tử tập thành 诸子集成 bản, đệ ngũ sách, Trung Hoa thư cục 1954, trùng ấn bản)

          Tích thái cổ thường vô quân hĩ. Kì dân tụ sinh quần xử, tri mẫu bất tri phụ. Vô thân thích, huynh đệ, phu phụ, nam nữ chi biệt, vô thượng hạ, trưởng ấu chi đạo, vô tiến thoái, ấp nhượng chi lễ, vô y phục, lí đới, cung thất, súc tích chi tiện, vô khí giới, chu xa, thành quách, hiểm trở chi bị.
          昔太古尝无君矣. 其民聚生群处, 知母不知父. 无亲戚, 兄弟, 夫妇, 男女之别, 无上下, 长幼之道, 无进退, 揖让之礼, 无衣服, 履带, 宫室, 畜积之便, 无器械, 舟车, 城郭, 险阻之备.
          (Vào thời thái cổ không có người đứng đầu. Lúc bấy giờ dân sống quần tụ, chỉ biết mẹ mà không biết cha; không có sự phân biệt bà con, anh em, vợ chồng, nam nữ; không có chuẩn tắc trên dưới lớn nhỏ; không có lễ tiết tới lui vái nhường; không có quần áo, giày dép, nhà cửa, chất chứa, những thứ tiện lợi cho con người; không có khí giới, xe cộ tàu thuyền, thành quách, hiểm trở)
                        Lã Thị Xuân thu 吕氏春秋, quyển 20, Thị quân lãm 恃君览
                               (xem Chư tử tập thành 诸子集成 bản, đệ lục sách)
          Tình hình này chính là bối cảnh lịch sử để chúng ta tìm hiểu ngọn nguồn của thể dục.
2- Một vài manh mối về nguồn gốc thể dục
          Cuộc sống và văn hoá của con người thời tối nguyên thuỷ rất sơ sài, rõ ràng vẫn chưa thể có được hình thức thể dục như chúng ta lí giải ngày nay. Nhưng, từ một số công cụ mà người nguyên thuỷ sử dụng cùng phương diện cuộc sống xã hội của họ, chúng ta có thể thấy được một số manh mối nguồn gốc nội dung về khí giới, động tác bộ phận của thể dục hiện đại.
          Nhìn từ những văn vật được phát hiện dưới lòng đất, công cụ mà người vượn Nguyên Mưu, người vượn Lam Điền, người vượn Bắc Kinh sử dụng, chủ yếu là những vật được gọi là “khảm táp khí” 砍砸器 (A), (những vật này là nguyên thuỷ của những loại “độn khí” 钝器 (B) như búa, rìu,  đá nghiền và “nhận khí” 刃器 (C) như dao kiếm đời sau), “quát tước khí” 刮削器 (D) (loại này là tổ tiên của những công cụ có lưỡi bén và vũ khí đời sau), “tam đại lăng tiêm trạng khí” 三大棱尖状器 (Đ) (đây lại là tị tổ của những công cụ và  vũ khí như mâu, kích, mũi tên, búa).
          Trong những hang động của người vườn Bắc Kinh còn phát hiện được một số những hòn đá tròn và vật bằng xương và sừng thú
          Người nguyên thuỷ lúc bấy giờ đối mặt với hoàn cảnh hiểm ác, thường bị rắn độc, mãnh thú uy hiếp. Đương thời vẫn chưa có sản phẩm thặng dư và thời gian nhàn rỗi; quan niệm tôn giáo, nghệ thuật, đạo đức thậm chí giáo  dục cũng vẫn chưa xuất hiện. Theo suy đoán, hoạt động xã hội của con người lúc bấy giờ chỉ có thể miễn cưỡng chia làm 2 loại:
          - Kiếm ăn: hái lượm, bắt cá, săn bắt
          - Tấn công tự vệ : đối với dã thú, đối với nhóm người khác.
          Hai loại hoạt động trên trong lịch sử giáo dục gọi là “sinh hoạt” 生活 và “an toàn” 安全 (1). Đôi lúc giới hạn giữa hai hoạt động này cũng không rõ ràng. Nhưng, bất luận là tay không hoặc cầm vũ khí, có nhiều khả năng trong đó có ngọn nguồn sớm nhất của thể dục. Ví dụ như:
          Có người cho rằng: “Trong di chỉ hang động mà người vượn Bắc Kinh cư trú được các nhà khảo cổ phát hiện ra cả ngàn xương hươu, ngựa cùng xương thú khác. ….. Đuổi theo những con thú chạy nhanh này phải có tốc độ như thế nào mới bắt được chúng, …. Tốc độ chạy này cũng chính là manh nha cho phong trào thi chạy (2).
          Cũng như vậy, những thứ khác như nhảy, ném, leo, bơi là từ những hoạt động săn bắt của người nguyên thuỷ dần sản sinh ra. Thậm chí có người còn suy đoán, đánh đu manh nha từ cuộc sống hái lượm phải leo cây của người nguyên thuỷ (3).
          Ngoài ra, trong cuộc đọ sức giữa người nguyên thuỷ với dã thú hoặc giữa đồng loại với nhau dần diễn hoá ra một số động tác và bản lĩnh trong những trận đánh tay không hoặc có vũ khí, đây lại là nguồn gốc một bộ phận khác của thể dục (thể dục có liên quan đến quân sự). Chu Vĩ 周纬 trong quyển Trung Quốc binh khí sử cảo 中国兵器史稿 đã nói rằng:
          Ở người nguyên thuỷ, công và binh bất phân, thạch khí tức thạch binh, lấy mảnh đá chặt đồ vật là khí, lấy đá đánh nhau là binh.

          Còn như thạch khí cổ đại, coi trọng thạch binh, người thời cổ cùng mãnh thú tranh giành cuộc sống, tiến thêm một bước cùng với thân tộc láng giềng tranh nhau sinh tồn, vật mà thường ngày cần, không thể rời tay, dựa vào nó mà không cảm thấy sợ, đó chỉ là thạch binh.
          Vì vậy, những trận đọ sức  quyền kích, quyền thuật, võ nghệ binh khí, vật, phát triển sau này trên thực tế chính là phát triển từ những trận đánh tay không hoặc cầm mảnh đá của người nguyên thuỷ.
          Đương nhiên, những suy đoán trên không đồng nghĩa với sự thực lịch sử. Tư duy của nhân loại thời đại quần cư vẫn chưa phát triển, chỉ có ngôn ngữ sơ khai chưa định hình, chưa phát minh đủ những phù hiệu văn tự để ghi chép,vẫn chưa hiểu được cần phải làm gì để tăng cường sức khoẻ. Cũng chưa có cái gọi là võ nghệ quân sự, hoạt động vui chơi có ý thức, tín ngưỡng tôn giáo, thường thức về y học dược học, do đó trên thực tế lúc bấy giờ không thể nói chính thức “thể dục” sản sinh hoặc manh nha. Lúc bấy giờ chỉ có thể là tự phát mô phỏng và lặp đi lặp lại đối với những động tác lao động và sự vui chơi giản đơn tự phát xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Đó chính là ngọn nguồn sớm nhất của thể dục. Có người gọi ngọn nguồn thể dục sớm nhất này là “giáo dục thân thể thời kì manh nha” và “hoạt động vui chơi thời kì manh nha” (4). Mặc dù một số quan điểm này vẫn còn nghiên cứu thảo luận, nhưng, từ trong lao động tối sơ và hoạt động tự vệ của con người thời đại quần cư nguyên thuỷ, chúng ta thực sự thấy được một số manh mối và dấu vết sản sinh thể dục ở thời kì đầu tiên nhất của nhân loại.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Mao Lễ Nhuệ: Trung Quốc cổ đại giáo dục sử  毛礼锐: 中国古代教育史.
(2), (3)- Trung Quốc thể dục sử tham khảo tư liệu 中国体育史参考资料 tập 5, trang 12.
(4)- Nhan Thiệu Lư: Thể dục đích nguyên thuỷ hình thái thí tích 颜绍泸: 体育的原始形态试析, đăng trong Thể dục sử luận văn tập 体育史论文集 (số 3) trang 3, tháng 11 năm 1987 của Trung Quốc thể dục sử học hội.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(A)- KHẢM TÁP KHÍ 砍砸器: “khảm” có nghĩa là chặt, bổ; “táp” có nghĩa là đập, nện. Khảm táp khí là một loại công cụ bằng đá của thời đại đồ đá cũ, hình trạng không cố định, hình thể tương đối lớn,  có thể dùng để chặt, đập hoặc đào lấy củ.
(B)- ĐỘN KHÍ 钝器: “độn” có nghĩa là cùn, nhụt, không sắc bén. Độn khí là những loại công cụ hoặc binh khí không có lưỡi bén hoặc mũi nhọn, như búa, rìu.
(C)- NHẬN KHÍ 刃器: tức những binh khí như dao, kiếm.
(D)- QUÁT TƯỚC KHÍ 刮削器: “quát” có nghĩa là cạo, “tước” có nghĩa là vót, gọt. Quát tước khí là loại công cụ dùng để cạo, gọt
(Đ)- TAM ĐẠI LĂNG TIÊM TRẠNG KHÍ 三大棱尖状器: “lăng” có nghĩa là cạnh góc, “tiêm” có nghĩa là nhọn. Đây là công cụ dùng để đào lấy củ, hình thể tương đối lớn và thô, được làm thành từ những mảnh đá dày.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 18/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
THỂ DỤC ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
体育的起源
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THỂ DỤC SỬ
中国古代体育史
Quốc gia thể uỷ thể dục văn sử công tác uỷ viên hội
Trung Quốc thể dục sử học hội, 1990

0 nhận xét:

Đăng nhận xét