VIỆC SÁNG TÁC CÁC THIÊN TRONG KINH THI
Về niên đại sáng tác Thi tam bách 诗三百 , không có cách gì để khảo chứng kĩ lưỡng, chỉ có thể luận định hình thành sớm nhất là vào đầu thời Tây Chu, sáng tác muộn nhất là vào giữa thời Xuân Thu, toàn bộ tác phẩm hình thành trong khoảng thời gian 500 năm từ thế kỉ thứ 11 trước công nguyên đến thế kỉ thứ 5 trước công nguyên. Từ chỉnh thể mà nói, thời gian sản sinh “Tụng” 颂 và “Nhã” 雅 tương đối sớm, cơ bản là vào thời kì Tây Chu; còn “Quốc phong” 国风, trừ “Bân phong” 豳风 cùng “Nhị Nam” 二南 ra, đa số còn lại đều là tác phẩm ở thời kì đầu và giữa của thời Xuân Thu.
Chu tụng 周颂 nguyên là nhạc ca tế tự nơi miếu đường của vương triều nhà Chu, chủ yếu sản sinh vào đầu thời Tây Chu. Trong Sử kí – Chu bản kỉ 史记 - 周本纪 có ghi:
Chu Thành Vương “kí truất Ân mệnh, tập Hoài Di, quy tại Phong, tác Chu quan. Hưng chính lễ nhạc, chế độ vu thị cải, nhi dân hoà mục, tụng thanh hưng”.
周成王 “既绌殷命, 袭淮夷, 归在丰, 作周官. 兴正礼乐, 制度于是改, 而民和睦, 颂声兴”.
(Chu Thành vương “Phế trừ thiên mệnh của nhà Ân, diệt Hoài Di, khi về lại Phong ấp, làm ra ‘Chu quan’. Chấn hưng lễ nhạc, đồng thời sửa đổi chế độ, bách tính đối xử hoà mục, tiếng hát ca tụng thái bình thịnh thế vang lên”)
Bài thơ sớm nhất trong đó là Đại Vũ vũ 大武舞 được làm ra để tế tự Văn vương khi Vũ Vương phạt Trụ thắng lợi, tổng cộng 6 thiên; bài thơ muộn nhất là Chấp cạnh 执竞 được làm ra đầu thời Chiêu vương khi tế tự Vũ Vương, Thành Vương, Khang Vương. Sau Chiêu Vương không có tế ca.
Lỗ tụng 鲁颂 là nhạc ca tế tự tông miếu của nước Lỗ thời Xuân Thu. Nước Lỗ là đất phong của Chu Công, nhân vì Chu Công có công lớn ổn định vương triều Tây Chu nên Thành Vương phong cho con trưởng Chu Công là Bá Cầm 伯禽 ở đất Lỗ, được hưởng dụng lễ nhạc của thiên tử, cho nên nhạc ca tế tự của Tây Chu, nước Lỗ có thể sử dụng. Ngoài ra, để tế tự các quốc quân đã mất của nước Lỗ, nước Lỗ cũng đã làm ra “tụng”, hiện chỉ còn truyền lại 4 bài.
Thương tụng 商颂 được sản sinh vào triều Thương hay là tại nước Tống vào thời Chu, vấn đề này hơn hai ngàn năm nay vẫn còn tranh luận. Trong Quốc ngữ - Lỗ ngữ 国语 - 鲁语 có ghi:
Tích Chính Khảo Phủ hiệu Thương chi danh tụng thập nhị thiên vu Chu chi Thái sư, dĩ “Na” vi thủ.
昔正考父校商之名颂十二篇于周之太师, 以 “那” 为首
(Xưa Chính Khảo Phủ đã dâng 12 thiên tụng nổi tiếng của triều Thương cho vị Thái sư nhà Chu, xếp bài “Na” lên đầu)
Trong Mao Thi tự 毛诗序 giải thích chữ “hiệu” 校 là “đắc” 得, theo đó thì Thương tụng là những bài tế ca của triều Ân Thương được quan Thái sư nhà Chu bảo tồn lại; Trong Kim văn tam gia “Thi” (1) cho chữ 校 (hiệu) là chữ 效 (hiệu), có nghĩa là dâng lên, như vậy, Chính Khảo Phủ đã đem 12 thiên Thương tụng dâng lên quan Thái sư nhà Chu để hiệu chính âm luật, Thương tụng đương nhiên là tụng ca của nước Tống thời Chu. Tư Mã Thiên 司马迁 tập Lỗ thi 鲁诗, trong Sử kí 史记 đã viết Thương tụng là sáng tác của Chính Khảo Phủ ,quan Đại phu nước Tống thời Tống Tương Công, nhưng Tư Mã Thiên đã viết nhầm niên đại của Chính Khảo Phủ, vì thế thuyết cho là của nước Tống không đáng tin. Vương Quốc Duy 王国维 và Quách Mạt Nhược 郭沫若 đều chủ trương Thương tụng là Tống thi, nhưng đó cũng chỉ là suy đoán, không phù hợp với những ghi chép trong lịch sử và cũng không phù hợp với nội dung của thơ văn, bởi vì thời Tống Tương công, cơ bản không có sự việc để ca tụng (vô sự khả tụng 无事可颂). Thương tụng có thể được người đời sau gia công chỉnh lỉ, vì thế trong thơ văn còn lưu lại không ít những dấu vết của đời Chu, còn việc Thương tụng sở sĩ có thể lưu truyền ở thời Chu, chỉ có thể lấy truyền thống cổ xưa “diệt nhân chi quốc, bất tuyệt nhân chi tự” 灭人之国, 不绝人之祀 (tiêu diệt nước người, nhưng không tiêu diệt việc tế tự của họ) để giải thích.
Nhã 雅 đại để là những sáng tác vào giữa và cuối thời Chu. Niên đại Đại Nhã 大雅 tương đối sớm hơn, cơ bản đều sản sinh vào giữa thời Tây Chu, muộn nhất thì cũng trước thời Tuyên Vương. Niên đại sản sinh của Tiểu Nhã 小雅 muộn hơn, chủ yếu là vào cuối thời Tây Chu và đầu thời Đông Chu, cũng có một bộ phận là vào giữa thời Tây Chu.
Quốc phong 国风, đại bộ phận đều là tác phẩm từ đầu thời Xuân Thu đến giữa thời Xuân Thu, cũng có một bộ phận nhỏ là nhạc ca của thời Tây Chu truyền lại. Thành thơ muộn nhất là Trần phong – Chu lâm 陈风 - 株林, có sử liệu tương đối đáng tin làm chứng cứ.
Về tác giả của các thiên trong Thi kinh 诗经, không thể lấy quan điểm ngày nay để xem xét. Tác phẩm có sớm của nhân loại đa phần đều là sáng tác tập thể, trong qua trình lưu truyền lâu dài đã dần định hình, cho dù sử có ghi chép tác giả, cũng không nhất định là tác phẩm của cá nhân. Sử ghi Chu Công làm ra Bân phong – Thất nguyệt 豳风 - 七月, không nhất thiết phải lí giải đó là tác phẩm của cá nhân Chu Công, rất có khả năng là Chu Công cải biên từ nhạc ca đã lưu truyền từ lâu, cũng có thể là tác phẩm được hoàn thành do cơ quan cấp dưới mà Chu Công là người kí tên đầu tiên. Vì thế, khi đọc Thi, không nên chấp vào “bản ý” của thơ, tác phẩm sáng tác tập thể không bao giờ có “bản ý”, thơ cùng với ý nghĩa ngôn ngữ của nó đều được xác định dần từ thực tế vận dụng và quá trình cải biên.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- KIM VĂN TAM GIA “THI” :
Tam gia thi 三家诗 chỉ Lỗ thi 鲁诗, Tề thi 齐诗, Hàn thi 韩诗, 3 học phái giải thuyết hàm nghĩa “Thi kinh”.
Lỗ thi do Thân Bồi 申培 người nước Lỗ truyền lại
Tề thi do Viên Cố 辕固 người nước Tề truyền lại
Hàn thi do Hàn Anh 韩婴 người nước Yên truyền lại
Ngoài ra còn có Mao thi 毛诗 do Mao Hanh 毛亨 người nước Lỗ và Mao Trường 毛苌 người nước Triệu truyền lại, gọi chung là “Tứ gia thi”.
Thời Tây Hán, 3 phái Tề Lỗ Hàn rất thịnh hành, triều đình cho lập Bác sĩ trở thành học quan, thuộc Kim văn học phái 今文学派.
Gọi là “kim văn” 今文 là để chỉ kiểu chữ Lệ thông hành vào thời Hán. Còn “cổ văn” là để chỉ kiểu chữ từ đời Tần trở về trước, tức Đại triện hoặc Tiểu triện.
Tam gia thi đều sử dụng kiểu chữ Lệ để viết cho nên gọi là “Kim văn tam gia thi”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/9/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
“THI” CÁC THIÊN ĐÍCH SÁNG TÁC
“诗” 各篇的创作
Trong
“THI” HỌC NHẬP MÔN TRI THỨC
“诗” 学入门知识
0 nhận xét:
Đăng nhận xét