About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Sáu họ cùng chung một "Lục quế đường"


SÁU HỌ CÙNG CHUNG MỘT “LỤC QUẾ ĐƯỜNG”

          Văn hoá tính thị truyền thống của Trung Quốc rất được coi trọng. Xây từ đường, đặt tên hiệu cho từ đường là đặc điểm quan trọng. Từ đường là miếu đường của một gia tộc cùng một họ hoặc một chi phái xây dựng để thờ phụng tổ tiên. Từ đường là tượng trưng của gia tộc, là sự thể hiện tinh thần và quyền lực của cộng đồng gia tộc. Mỗi từ đường đều có một tên gọi riêng , tên gọi này gọi là “đường hiệu” 堂号. Cách đặt “đường hiệu” hoặc là căn cứ vào nơi phát tích của tộc họ như “Thái Nguyên đường” 太元堂, “Thiên Thuỷ đường” 天水堂; hoặc nêu công đức kỉ niệm tổ tiên như “Chủng đức đường” 种德堂, “Tứ tri đường” 四知堂. Về lai lịch của “Tứ tri đường” liên quan đến một điển cố. Thời Đông Hán, Dương Chấn 杨震 là một vị quan nổi tiếng liêm khiết, ông được mọi người gọi là “Quan Tây Khổng Tử” 关西孔子. Trong sử sách ghi chép rằng: khi Dương Chấn đi đến Đông Lai 东莱 nhậm chức Thái thú, trên đường có ghé qua Xương Ấp 昌邑, quan lệnh Xương Ấp là Vương Mật 王密 từng chịu ơn ông nên trong đêm khuya đã mang vàng đến biếu, nói rằng:
Mộ dạ vô tri giả
暮夜无知者
Đêm khuya không ai biết!
 Dương Chấn tức giận, quở trách rằng:
Thiên tri, thần tri, ngã tri, tử tri, hà vị vô tri!
天知, 神知, 我知, 子知, 何谓无知
Trời biết, thần biết, tôi biết, ông biết, sao bảo là không ai biết.
          Nói xong, đuổi Vương Mật đi. Để kỉ niệm mĩ đức ấy, con cháu đời sau của Dương Chấn đã đặt “đường hiệu” là “Tứ tri đường”.
          Ngoài ra, “đường hiệu” còn dùng quan xưng của tổ tiên để đặt, cũng có từ đường đặt theo yêu cầu của lễ giáo phong kiến. Tóm lại, mỗi “đường hiệu” đều có ý nghĩa riêng biệt.
          Tại Phúc Kiến 福建 có một đường hiệu rất đặc biệt, gọi là “Lục quế đường” 六桂堂, có ảnh hưởng rất lớn. Đường hiệu này không phải dùng cho gia tộc cùng một họ, mà là đường hiệu dùng chung cho cả 6 họ gồm: Hồng , Giang , Ông , Phương , Cung , Uông . Tại sao lại có hiện tượng 6 họ cùng dùng chung một đường hiệu?
          Thời Đường có một vị Tiến sĩ tên là Ông Hiên 翁轩 từng giữ chức Thứ sử Mân Châu 闽州, về sau định cư tại Trúc Khiếu trang 竹啸庄 ở Bồ Điền 莆田 tỉnh Phúc Kiến 福建. Thời Ngũ đại thập quốc, cháu của ông là Ông Càn Độ 翁乾度 đến sống ở Tuyền Châu 泉州 từng làm Lang trung bộ lễ của Mân vương. Càn Độ sinh được 6 người con, sau khi Mân quốc bị nhà Nam Đường tiêu diệt, Càn Độ đã đổi họ cho 6 người con để tránh hoạ. Người con trưởng đổi sang họ Hồng , con thứ đổi sang họ Giang , con thứ 3 giữ họ cũ, con thứ 4 đổi sang họ Phương , con thứ 5 đổi sang họ Cung , con thứ 6 đổi sang họ Uông . 6 người con chia ra sống tại Chu tử phường 朱紫坊, Hoài Dương 淮阳, Trúc Khiếu trang 竹啸庄, Mã Lan 马兰. Cả 6 anh em đều đậu Tiến sĩ, chấn động một thời, lan truyền thành giai thoại, được người đời khen tặng là “Lục quế liên phương” 六桂联芳. Con cháu của 6 anh em ngày một đông, gia tộc hưng vượng. Người đời sau của 6 gia tộc cho rằng họ tuy là khác họ nhưng đều cùng một nguồn gốc, đều là hậu duệ của họ Ông , cùng chung một ông tổ, hơn nữa tiên nhân của họ đều đậu Tiến sĩ, có lịch sử rất huy hoàng, vì thế tất cả đều dùng đường hiệu “Lục quế đường” để chúc mừng và kỉ niệm. Và cũng để răn con cháu, họ đã làm một bài thơ:
Chư tử truyền lưu phân lục tính
Huynh đệ nam bắc các tây đông
Chi phân nam bắc đông tây tỉnh
Lục tính nguyên lai thị nhất tông
Đản nguyện nhi tôn tri đồng tộc
Hôn nhân giá thú mạc loạn cương
诸子传流分六姓
兄弟南北各西东
枝分南北东西省
六姓原来是一宗
但愿儿孙知同族
婚姻嫁娶莫乱纲
Các con phân ra thành 6 họ
Anh em người thì nam bắc người thì đông tây
Cành nhánh có cả nam bắc đông tây
Sáu họ nhưng là cùng một gốc
Chỉ mong con cháu biết được là cùng một tộc
Hôn nhân giá thú chớ có loạn kỉ cương
Bài thơ ấy được chép vào trong gia phả của mỗi họ để biểu thị không quên nguồn gốc và để tránh về phương diện hôn nhân, đồng thời mượn đó để tăng cường mối liên hệ, thúc đẩy gia tộc ngày càng hưng vượng phát đạt.
          Đến nay, con cháu của “Lục quế đường”  phân bố khắp nơi trong và ngoài nước. Để không quên tổ tiên và tình huynh đệ, họ thường tiến hành những hoạt động hữu nghị giữa các gia tộc, đồng thời thành lập “Lục quế đường” ở hải ngoại. “Lục quế đường” đầu tiên ở hải ngoại là tại Singapore, sau đó các nơi như Đài Loan, Bắc Mĩ, Nhật Bản, Úc châu cũng đều thành lập xã đoàn tông tộc “Lục quế”.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 8/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LỤC TÍNH CỘNG DỤNG ĐÍCH “LỤC QUẾ ĐƯỜNG”
六姓共用的六桂堂
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
            Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét