BỐN CỬA CỦA HOÀNG THÀNH TRUNG QUỐC
Thành Bắc Kinh đời Minh được chia làm 4 lớp, gồm Tử cấm thành 紫禁城, Hoàng thành 皇城, Nội thành 内城 và Ngoại thành 外城.
Ngoài Tử cấm thành là Hoàng thành, chu vi Hoàng thành dài 18 dặm, phía Nam là Đại Minh môn 大明门, ở 2 góc là Trường An tả môn 长安左门 và Trường An hữu môn长安右门. Phía đông là Đông An môn 东安门, phía tây là Tây An môn 西安门, phía bắc là Bắc An môn 北安门. Từ Đại Minh môn hướng về phía bắc là một quảng trường hình chữ “T”, trong quảng trường thiết lập các nha thự trung ương, phía đông có Tông nhân phủ 宗人府, Lại bộ 吏部, Hộ bộ 户部, Lễ bộ 礼部,Binh bộ 兵部, Công bộ 工部, Hồng lô tự 鸿胪寺 và Khâm thiên giám 钦天监; phía tây có Ngũ quân đô phủ 五军都府, Thái thường tự 太常字, Thông chính sứ ti 通政使司và Cẩm y vệ 锦衣卫. Phía bắc của quảng trường là Thừa thiên môn 承天门cửa chính của Hoàng thành, tức hiện nay là Thiên An môn 天安门. Thiên An môn xây dựng rất uy nghiêm tráng lệ, hình tượng huy hoàng rực rỡ, phía trước có Kim thuỷ kiều 金水桥, hoa biểu 华表 (1) và sư tử đá. Hai bên của Thiên An môn có Thái miếu bên trái (nay là cung văn hoá nhân dân lao động), bên phải là đàn Xã tắc (nay là công viên Trung Sơn 中山).
Trong Đại Thanh nhất thống chí 大清一统志 có ghi:
Hoàng thành tại kinh thành trung, chu thập bát lí hữu cơ, liễu tường mậu tam thiên tam bách tứ trượng hữu cơ. Chính nam viết Đại Thanh môn, thiếu bắc viết Trường An tả môn, viết Trường An hữu môn, đông viết Đông An môn, tây viết Tây An môn, chính bắc viết Địa An môn. Đại Thanh môn chi nội viết Thiên An môn, Thiên An môn chi nội viết Đoan môn, Đoan môn chi nội, tả viết Khuyết tả môn, hữu viết Khuyết hữu môn.
皇城在京城中, 周十八里有奇, 缭墙袤三千三百四丈有奇. 正南曰大清门, 少北曰长安左门, 曰长安右门, 东曰东安门, 西曰西安门, 正北曰地安门. 大清门之内曰天安门, 天安门之内曰端门, 端门之内, 左曰阙左门, 右曰阙右门.
(Hoàng thành ở trong kinh thành, chu vi hơn 18 dặm, có tường vây bọc chiều nam bắc rộng hơn 3340 trượng. Chính nam là Đại Thanh môn, thiếu bắc là Trường An tả môn, Trường An hữu môn, phía Đông là Đông An môn, phía tây là Tây An môn, chính bắc là Địa An môn. Trong Đại Thanh môn là Thiên An môn, trong Thiên An môn là Đoan môn, trong Đoan môn, phía bên trái là Khuyết tả môn, phía bên phải là Khuyết hữu môn)
Thiên An môn 天安门là cửa chính của Hoàng thành, Địa An môn 地安门vào đời Minh gọi là Bắc An môn 北安门, năm Thuận Trị 顺治 thứ 9 đổi là Địa An môn. Căn cứ vào chế độ của triều Minh, bên ngoài Hoàng thành thiết lập 72 hồng phố 红铺 (2), mỗi hồng phố có 10 người, cùng với 78 chiếc chuông nhỏ bằng đồng dùng để đi tuần trong đêm, được cất ở Trường An hữu môn. Bắt đầu vào canh, sai lính từng người cầm chuông rung đi tuần, đi qua 3 cửa là Tây An, Bắc An (tức Địa An môn), Đông An, đến Trường An tả môn thì dừng. Cứ mỗi 10 chiếc chuông có 1 hoả bài bộ Binh, về sau là 56 mộc bài, cung cấp cho 5 cửa dùng để kiểm tra khi phát chuông, thu chuông. Đến đời Thanh, đội cảnh vệ Hoàng thành vây quanh Tử cấm thành càng thêm nghiêm nhặt. Theo ghi chép trong Giới Am mạn kí 戒庵漫记:
Hoàng thành tứ diện tuần canh chư phố, chu lưu truyền cảnh, mỗi dạ nội phát đại linh. Tùng Đông Hoa môn xuất chí Hậu Tái môn thu, nhất nhất giao đệ, tận thất thập nhị mai thiên minh hĩ.
皇城四面巡更诸铺, 周流传警, 每夜内发大铃. 从东华门出至厚载门收, 一一交递, 尽七十二枚天明矣.
(Các trạm tuần canh 4 mặt Hoàng thành, luân phiên nhau canh gác, mỗi đêm phát chuông ra. Bắt đầu từ Đông Hoa môn đến Hậu Tái môn (3), cứ từng người thay nhau, hết 72 thẻ bài thì trời sáng)
Tên gọi Thiên An môn, cửa chính của Hoàng thành lấy ý từ câu:
Thụ mệnh vu thiên, an bang trị dân.
受命于天,安邦治民
(Nhận mệnh từ trời, làm cho đất nước được yên bình, làm cho dân được thịnh trị)
Thiên An môn cao 33,7m, từ đông sang tây có 9 cửa, chiều nam bắc sâu 5 gian, có 60 trụ sơn đỏ, hướng về phía nam trổ 36 cửa sổ, diện tích hơn 2000m2. Mái lầu xây theo kiểu trùng thiềm yết sơn đính 歇山顶 (4), tổng cộng có 9 đường gờ nóc, 10 vẫn thú 吻兽(5), gọi là “Cửu tích phong thập long” 九脊封十龙, biểu thị lúc nào cũng có 10 con rồng canh giữ cung điện Tử cấm thành.
Thiên An môn còn gọi là “Quốc môn” 国门, trước và sau cửa có một cặp hoa biểu. Trước cửa có 5 chiếc cầu với lan can bằng Hán bạch ngọc, gọi là Kim thuỷ kiều 金水桥. Chiếc cầu ở chính giữa dành riêng cho Hoàng đế, gọi là Ngự lộ kiều 御路桥, 2 chiếc kế ỏ 2 bên là Vương công kiều 王公桥, 2 chiếc ở ngoài cùng là Phẩm cấp kiều 品级桥. Ngoại Kim thuỷ kiều (6) tạo hình hoa mĩ, giống như cầu vồng đang ở trên đó cho nên có mĩ xưng là “Nhiếp ngọc kiều chi trường hồng” 蹑玉桥之长虹.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HOA BIỂU 华表: tức trụ đá lớn có chạm khắc được dùng làm vật trang sức đặt trước cung điện hoặc lăng mộ thời cổ, đây là một hình thức kiến trúc truyền thống của Trung Quốc.
(2)- HỒNG PHỐ 红铺: đời Minh gọi trạm gác cảnh vệ trong Hoàng thành là “hồng phố”.
(3)- HẬU TÁI MÔN 厚载门: tức Địa An môn 地安门.
(4)- YẾT SƠN ĐÍNH 歇山顶: một kiểu kiến trúc phần mái của cung điện. Kiểu này phần mái có tổng cộng 9 đường gờ nóc, gồm 1 gờ chính ở giữa gọi là “chính tích” 正脊, 4 gờ nhỏ hai bên gọi là “thuỳ tích” 垂脊 và 4 gờ nhỏ nối tiếp gọi là “thương tích” 戗脊, vì thế kiểu kiến trúc này còn được gọi là “cửu tích đính” 九脊顶. Do bởi từ 2 đầu của gờ giữa chạy xuống mái, đến giữa thì gãy khúc chia làm 2 phần “thuỳ tích” và “thương tích”, giống như nghỉ một lúc cho nên có tên gọi là “Yết sơn đính” (Yết 歇 có nghĩa là nghỉ).
(5)- VẪN THÚ 吻兽: tức hình đầu con thú, một loại vật trang sức trên gờ nóc các cung điện.
(6)- Kim thuỷ kiều 金水桥 tức cầu Kim thuỷ, gồm Ngoại kim thuỷ kiều và Nội kim thuỷ kiều.
Ngoại kim thuỷ kiều gồm 7 chiếc, ở phía trước Thiên An môn, Thái miếu, công viên Trung Sơn.
Nội kim thuỷ kiều gồm 5 chiếc, ở quảng trường phía trước Thái Hoà môn 太和门.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/3/2013
Nguyên tác Trung văn
HOÀNG THÀNH TỨ MÔN
皇城四门
Tác giả: Mao Hiến Dân 毛宪民
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc Văn học xuất bản xã, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét