TẬP TỤC ĐẶT TÊN
THỜI NGUỴ TẤN NAM BẮC TRIỀU
Ở Trung Quốc cổ đại, họ tên không chỉ là phù hiệu thân phận của con người, mà họ tên còn kí thác nguyện vọng của gia tộc đối với con cái, phản ánh văn hoá quan và việc hướng tới giá trị của xã hội lúc bấy giờ, có nội hàm văn hoá sâu sắc. Nghiên cứu quy luật dùng chữ ở họ tên người có thể từ một khía cạnh hiểu được phong tục thời thường của xã hội lúc bấy giờ.
Đầu tiên chúng ta thấy, trong dân gian thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều có tập tục đặt cho con tên xấu, như ở Ngoại thích truyện 外戚传 trong Tấn thư 晋书 quyển 93 có chép, Vương Tu 王修
Tự Kính Nhân, tiểu tự Cẩu Tử
字敬仁小字苟子
(Tên tự là Kính Nhân, tiểu tự là Cẩu Tử)
苟子 (cẩu tử) tức 狗子 (cẩu tử). Ở Thích Lão chí 释老志 trong Nguỵ thư 魏书 quyển 114 cũng có chép:
Lương Châu quân hộ Triệu Cẩu Tử đẳng nhị bách gia vi tăng chi hộ.
凉州军户赵苟子等二百家为僧祗户
(Hai trăm nhà của Lương Châu quân hộ Triệu Cẩu Tử là tăng chi hộ (1))
Trong Nhan thi gia huấn – Phong tháo đệ lục 颜氏家训 - 风操第六 có nói ở phương bắc có tập tục là:
Bắc thổ đa hữu danh nhi vi Lư Câu, Đồn Tử giả.
北土多有名而为驴驹,豚子者
(Ở phương bắc đa phần đặt tên con là Lư Câu, Đồn Tử)
Ở phương nam cũng như thế, như Lưu Dụ 刘裕 vị vua khai quốc nhà Lưu Tống xuất thân bần hàn, khi sinh ra mẹ qua đời, cha không đủ sức nuôi định đem bỏ. Sau nhờ có bà bác trong họ nuôi dưỡng nên mới sống được, cho nên tiểu danh của ông là “Kí Nô” 寄奴. Và như hàn nhân Trương Kính Nhi 张敬儿triều Nam Tề, “mới đầu tên là Cẩu Nhi 苟儿”. Người mẹ “lại sinh thêm một người con nữa, nhân vì có tên Cẩu Nhi nên đặt cho đứa thứ hai là Trư Nhi 猪儿. Tống Minh Đế 宋明帝 chê tên Cẩu Nhi là xấu, đổi lại là Kính Nhi, Trư Nhi cũng đổi là Cung Nhi 恭儿” (1).
Tập tục đặt cho con tên xấu có từ rất lâu, bởi dân gian mê tín, những đứa thấp hèn càng dễ nuôi, không chết yểu, cha mẹ lấy những con vật như heo (trư 猪), chó (cẩu 狗), lừa (lư 驴) để đặt tên cho con cái, sẽ khiến cho trẻ tránh được tà, gặp hung hoá cát, trưởng thành một cách bình an. Tập tục này vẫn còn tồn tại ở đời sau.
Sau khi trẻ sinh ra, để đặt cho trẻ một tên tốt đẹp, gia trưởng phải lao tâm khổ tứ, trong phút chốc khó có thể định ra, phải cần một thời gian dài. Trong khoảng thời gian này, trước tiên là đặt tiểu danh, tình hình này rất phổ biến vào thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều. Ví dụ như Tào Tháo曹操có tiểu danh là “A Man” 阿瞒; Lưu Thiện 刘善tiểu danh là “A Đẩu” 阿斗; Lưu Dụ 刘裕 tiểu danh là “Kí Nô” 寄奴; Lưu Nghĩa Long 刘义隆 tiểu danh là “Xa Nhi” 车儿, đây đều là sự thực lịch sử mà mọi người đều biết.
Còn như Tấn Giản Văn Đế 晋简文帝 có tên tự là “Đạo Vạn” 道万; các con ông ta tên là “Đạo Sinh” 道生, “Đạo Tử” 道子; Lưu Tuấn 刘骏tiểu tự là “Đạo Dân” 道民; Lưu Tử Nghiệp 刘子业 tiểu tự là “Pháp Sư” 法师; Tiêu Chiêu Nghiệp 萧昭业 tiểu danh là “Pháp Thân” 法身; Tiêu Loan 萧鸾 tiểu danh là “Huyền Độ” 玄度; Trần Bá Tiên 陈霸先 tiểu tự là “Pháp Sinh” 法生; Trần Húc 陈顼 tiểu tự là “Sư Lợi” 师利, đây đều là chịu ảnh hưởng tôn giáo.
Lưu Dục 刘昱 tiểu tự là “Tuệ Chấn” 慧震 là từ bát quát mà ra. Tiêu Đạo Thành 萧道成tiểu danh là “Đấu Tướng” 斗将; Tiêu Trách 萧赜 tiểu danh là “Long Nhi” 龙儿; Trần Bá Tông 陈伯宗 tiểu tự là “Dược Vương” 药王; Trần Thúc Bảo 陈叔宝 tiểu tự là “Hoàng Nô” 黄奴, đây đều là lấy từ tục ngữ dân gian.
Tiêu Dịch 萧绎 tiểu tự là “Thất Phù” 七符 đây là theo thứ tự anh em trong nhà. Tiêu Cương 萧纲tiểu tự là “Lục Thông” 六通 (2) lại là danh từ Phật giáo. Phàm những tiểu danh này chỉ dùng trong sinh hoạt ở nhà, trong những trường hợp giao tiếp, gọi tiểu danh là không tôn trọng đối phương, đây là điều phàm vào lễ phải cấm kị.
Dân tộc thiểu số phương bắc và người Hán bị Hồ hoá cũng có tiểu danh, như Thác Bạt Đào 拓跋焘 có tiểu danh là “Phật Li” 佛狸, Vũ Văn Thái 宇文泰 tiểu danh là “Hắc Thát” 黑獭, đây là lấy tên động vật. Phế Đế nhà Bắc Tề là Cao Ân 高殷 có tiểu danh là “Đạo Nhân” 道人, cũng là chịu ảnh hưởng tôn giáo. Còn như Cao Hoan 高欢 tiểu tự “Hạ Lục Hồn” 贺六浑 đây là lấy từ tiếng Tiên Ti 鲜卑; Vũ Văn Giác 宇文觉 có tên tự là “Đà La Ni” 阤罗尼; Vũ Văn Ung 宇文邕 có tên tự là “Nỉ La Đột” 祢罗突, đều từ tiếng Phạn. Vũ Văn Dục 宇文毓 tiểu danh là “Thống Vạn Đột” 统万突, đây là lấy địa danh nơi sinh ra là “Thống Vạn Đột”. Phàm những tiểu danh và tên tự này đều phản ánh khuynh hướng Hồ hoá ở khu vực Bắc triều.
Con cái nhà quan lại sĩ tử khi đặt đại danh đều cực kì thận trọng, vừa phải có âm đọc nghe hay lại gởi gắm chí hướng, lí tưởng và tình cảm nhất định, thể hiện nội hàm văn hoá nhất định, đây quả là một việc không hề đơn giản. Do bởi nhà của sĩ tộc môn phiệt đều có bề dày truyền thống văn hoá, có tố chất văn hoá tương đối cao, lại chịu ảnh hưởng giá trị quan sinh hoạt duy mĩ cho nên tên mà họ đặt đều có hàm nghĩa văn hoá nhất định.
Có người hi vọng con cái sẽ trở thành thánh hiền, tức lấy tên của các bậc thánh hiền đặt cho, để gởi gắm kì vọng đối với con cái, như ở Nhan Tuấn truyện 颜竣传 trong Tống thư 宋书 quyển 75 có chép: Thời Tống Hiếu Vũ Đế, Nhan Tuấn “làm Đan Dương Doãn 丹阳尹, và lại là Tán kị thường thị 散骑常侍. Trước đó, Tuấn chưa có con, còn mấy người con của Đại tư mã Giang Hạ là Vương Nghĩa Cung 王义恭 bị Lưu Thiệu 刘劭 giết chết, sau cả hai đều sinh được con trai, chúa thượng đặt tên cho, con của Nghĩa Cung tên là Bá Cầm 伯禽, để sánh với Lỗ Công Bá Cầm, con của Chu Công Đán; con của Tuấn tên là Tích Cường 辟强, để sánh với con của quan Thị trung nhà Hán là Trương Lương 张良.
Có người lấy tình cảm gởi gắm vào tên của con cái. Ở Tấn Hi Vương Sưởng truyện 晋熙王昶传 trong Tống thư 宋书 quyển 72 có chép, Lưu Sưởng 刘昶 do bởi sự tranh giành trong tông thất đã bị bức chạy sang Bắc Nguỵ, sau khi Tống Minh Đế Lưu Úc 刘彧 lên ngôi mới về lại Kiến Khang 建康, hai người thiếp của ông mỗi bà sinh được 1 người con, “con lớn tên là Tư Viễn 思远, con nhỏ tên là Hoài Viễn 怀远”.
Có người biểu thị kì vọng của bậc trưởng bối đối với con cái, đồng thời cũng gởi gắm lí tưởng chính trị của mình, như Chư Cát Khuê 诸葛圭 đặt tên cho người con lớn là Chư Cát Cẩn 诸葛瑾, hi vọng con sẽ trong trắng như ngọc, cũng hi vọng triều chính có thể trong trắng như ngọc; tên của người con thứ là Chư Cát Lượng 诸葛亮, ý muốn con phát dương gia phong chính trực quang minh, cũng hi vọng triều chính có thể quang minh; tên của người con út là Chư Cát Quân 诸葛均, hi vọng thiên hạ quân bình, bách tính an khang. Và như ở Viên Ngang truyện 袁昂传 trong Lương thư 梁书 quyển 31: Viên Ngang 袁昂 vốn tên là Thiên Lí 千里, niên hiệu Vĩnh Minh 永明 nhà Tề, Vũ Đế nói với ông rằng:
Ngang ngang thiên lí chi câu, tại khanh hữu chi, kim cải khanh danh vi Ngang, tức Thiên Lí vi tự.
昂昂千里之驹, 在卿有之, 今改卿名为昂, 即千里为字
(Hiên ngang phấn khích như ngựa câu thiên lí, khanh giống như thế, nay đổi tên khanh là Ngang, lấy Thiên Lí làm tự)
Đây là bậc đế vương đổi tên cho bề tôi.
Có người lại lấy thứ tự con em trong gia tộc để đặt tên, như ở Mao Hỉ truyện 毛喜传 trong Trần thư 陈书 quyển 29: Thế Tổ (Trần Thiến 陈蒨) từng nói với người em là Cao Tông (Trần Húc 陈顼) rằng:
Ngã chư tử giai dĩ “Bá” vi danh, nhữ chư tử nghi dụng “Thúc” vi xưng
我诸子皆以“伯”为名,汝诸子宜用“叔”为称
(Các con của ta đều lấy chữ “Bá” đặt tên, các con của em nên lấy chữ “Thúc” để gọi)
Trần Húc hỏi ý kiến Mao Hỉ 毛喜, Mao Hỉ:
Tức điều điệp tự cổ danh hiền Đỗ Thúc Anh, Ngu Thúc Khanh đẳng nhị thập dư nhân dĩ khải Thế Tổ, Thế tổ xưng thiện.
即条牒自古名贤杜叔英,虞叔卿等二十余人以启世祖,世祖称善
(Liền đem hơn 20 người hiền nổi tiếng như Đỗ Thúc Anh, Ngu Thúc Khanh kể với Thế Tổ, Thế Tổ khen hay)
Có người thì nhân con của mình thiên tư thông tuệ, đã đặt cho con mĩ danh để nêu bật, như ở Trần Thiện truyện 陈缮传 trong Trần thư 陈书 quyển 23:
Tử Biện Huệ, niên sổ tuế, chiếu dẫn nhập điện nội, Biện Huệ ứng đối tiến chỉ hữu phụ phong, Cao Tông nhân tứ danh Biện Huệ, Tự Kính Nhân Vân.
子辩惠, 年数岁, 诏引入殿内, 辩惠应对进止有父风, 高宗因赐名辩惠, 字敬仁云.
(Con là Biện Huệ, lúc lên mấy tuổi có chiếu truyền dẫn vào điện, Biện Huệ ứng đối đi lại giống phong thái của cha, nhân đó vua ban cho tên là Bện Huệ, tự Kính Nhân Vân)
Có người nhân được các danh nhân mến mộ đã lấy tên của danh nhân mà đặt tên cho con, như ở Hoàn Ôn truyện 桓温传 trong Tấn thư 晋书 quyển 98 có chép, con của Thái thú Tuyên Thành 宣城 Hoàn Di 桓彝:
Sinh vị kì nhi Thái Nguyên Ôn Kiệu kiến chi, viết: ‘Thử nhi hữu kì cốt, khả thí sử đề.’ Cập văn kì thanh, viết: ‘Chân anh vật dã! Di dĩ Kiệu sở thưởng, cố toại danh chi viết Ôn.’
生未期而太原温峤见之, 曰: ‘此儿有奇骨, 可试使啼.’ 及闻其声, 曰: ‘真英物也!’ 彝以峤所赏, 故遂名之曰温.
(Sinh ra chưa đầy một tuổi, Ôn Kiệu ở Thái Nguyên nhìn thấy, nói rằng: ‘Đứa bé này có cốt cách kì lạ, thử nghe cháu khóc thử.’ Khi nghe qua tiếng khóc, liền nói: ‘Quả là báu vật!’ nhân lời khen của Kiệu, Di đặt tên cho con là Ôn.)
(còn tiếp)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TĂNG CHI HỘ 僧祗户: là hộ dân được quản lí bởi Tăng tào, một cơ cấu của Tăng quan chuyên quản lí chùa chiền vào thời Bắc triều.
Thời Bắc triều Phật giáo hưng thịnh. Để trốn tránh thuế khoá phu dịch, bách tính có người xuống tóc làm tăng, ni, có người dựa vào chùa làm nông dân. Năm Hoàng Hưng 皇兴thứ 3 triều Bắc Nguỵ (năm 469), Đàm Diệu 昙曜 ở Sa môn thống (tăng quan do triều đình thiết lập) kiến nghị, Bình Tề hộ 平齐户 (năm 467 Bắc Nguỵ tiến đánh phương nam, chiếm Thanh Châu 青州, trong số nhân dân bị bắt làm tù binh có một bộ phận gọi là “dân vọng” 民望 tức địa chủ bị an trí ở Bình Thành 平城, đồng thời thiết lập tại phụ cận Bình Tề quận 平齐郡, dân ở đó được gọi là “Bình Tề hộ”), Lương Châu quân hộ 凉州军户 (cũng là hộ dân bị bức dời đến Đại kinh 代京 sau khi nhà Bắc Nguỵ bình định Lương Châu) và dân hộ, mỗi năm nộp 60 hộc thóc cho Tăng tào, thóc đó gọi là “tăng chi túc” 僧祗粟, hộ dân thì gọi là “tăng chi hộ” 僧祗户. Bản tấu của Đàm Diệu được phê chuẩn, Tăng tào ở các châu, trấn đều có “tăng chi hộ” và “tăng chi túc”.
Tăng chi hộ không phải hộ được nhà nước biên chế, trừ nộp tăng chi túc cho Tăng tào ra, nói chung không phải phục vụ tạp dịch. Thân phận của họ cũng tương tự “đồn điền hộ” 屯田户. Tăng chi hộ không thuộc một chùa nào, mà là do Tăng tào thống lĩnh. …
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/3/2013
Nguyên tác Trung văn
THỦ DANH PHONG TỤC
取名风俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUỴ TẤN NAM BẮC TRIỀU QUYỂN
中国风俗通史
魏晋南北朝卷
Biên soạn: Trương Thừa Tông 张承宗, Nguỵ Hướng Đông 魏向东
Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã, 2001.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét