TRUYỀN THUYẾT KHƯƠNG TỬ NHA
Khương Thái Công 姜太公 cũng gọi là Khương Thượng 姜尚, tự Tử Nha 子牙, sinh vào cuối đời Thương; tổ tiên từng là quý tộc, đến thời Khương Tử Nha gia đạo đã suy. Lúc nhỏ ông sống ở Triều Ca 朝歌đô thành của triều Thương (nay là huyện Kì 淇Hà Nam 河南), làm nghề giết mổ; sau lại buôn bán rượu ở Mạnh Tân 孟津 bên bờ Hoàng hà 黄河. Lúc bấy giờ vương triều Ân Thương đã dần đi xuống dốc, chính trị cực độ hủ bại, mâu thuẫn nội bộ cùng mâu thuẫn giữa các bộ lạc với nhau đã vô cùng gay gắt. Quý tộc chủ nô đứng đầu triều Thương là Trụ vương 纣王 dâm dật kiêu xa, lấy rượu làm ao, treo thịt làm rừng, trai gái vui giỡn bên trong, ngày đêm hoan lạc. Trụ vương bạo ngược vô đạo, trọng dụng hình phạt, giết đại thần, sai khiến chư hầu, tàn hại bách tính. Vì thế, đại thần dần rời xa, trong số chư hầu có người phản lại, nô lệ và hạ tầng dân chúng không thể chịu nổi, nên không ngừng phản kháng.
Trong quá trình suy bại của triều Thương, Chu tộc ở phía Tây đã dần lớn mạnh. Tây Bá Cơ Xương 西伯姬昌 (về sau là Chu Văn Vương) khi làm quốc vương đã thực hành nhân ái, kính già yêu trẻ, tích cực chiêu mộ nhân tài, chú trọng phát triển kinh tế, thực thi chính sách cần kiệm làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội trật tự, quốc lực ngày càng tăng cường, dân chúng xa gần quy phụ về nhà Chu, chư hầu bốn phương cũng đều quy thuận.
Khương Tử Nha sau khi biết được nước Chu lập chí hưng bang, cầu mong hiền tài liền rời Triều Ca đến bờ sông Vị 渭, lãnh địa của Tây Chu, náu thân nơi Bàn Khê 蟠溪, buông câu nơi suối Từ 磁, chờ đợi thời cơ lập sự nghiệp oanh liệt cho nhà Chu.
Truyền thuyết kể rằng nơi ông nương thân, vách núi cao ngất, rừng trúc thâm u, ít người qua lại, là một nơi ẩn cư thích hợp, Khương Thượng buông cần nơi sông Vị, dùng lưỡi câu thẳng thả trên mặt nước để câu, người đi đường trông thấy đều lấy làm kì lạ, nhưng ông chẳng hề quan tâm.
Một ngày nọ, Chu Văn Vương ngồi xe đến săn nơi sông Vị, phát hiện một ông lão dùng lưỡi câu thẳng thả trên mặt nước, liền tiến đến chuyện trò. Khương Thượng luận bàn thế sự, thao thao bất tuyệt. Đối với việc trị quốc, ông đề xuất thuyết “tam thường” 三常:
- Quân dĩ cử hiền vi thường
- Quan dĩ nhậm hiền vi thường
- Sĩ dĩ kính hiền vi thường
Hàm nghĩa là lập quốc làm chính trị cần phải lấy hiền làm gốc, coi trọng việc sử dụng nhân tài, để cho nước giàu dân mạnh. Những lời của Khương Thượng cho thấy tầm nhìn xa của ông, đồng thời thể hiện tài năng chính trị của ông. Cơ Xương nghe xong vô cùng vui mừng, nói rằng:
Tiên quân của ta là Thái Công có nói trước rằng: ‘Có thánh nhân đến với nhà Chu, nhà Chu mới hưng thịnh’. Ông chính là vị thánh nhân đó chăng? Thái Công của ta “mong ông” (vọng tử 望子) lâu lắm rối”.
Cơ Xương đích thân dìu Khương Thượng lên xe cùng trở về cung, bái Khương Thượng làm Quốc sư, để ông ta nắm giữ chính trị, quân sự của cả nước, trở thành một trọng thần.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/3/2013
Nguyên tác Trung văn
KHƯƠNG TỬ NHA ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
姜子牙的传说
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét