GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA GƯƠNG ĐỒNG
Gương đồng là vật dụng thường ngày trong sinh hoạt thời cổ, và cũng là sản phẩm nghệ thuật tinh xảo. Gương đồng sớm nhất của Trung Quốc được phát hiện tại di chỉ văn hoá Tề gia 齐家. Gương đồng đã trải qua mấy giai đoạn: chế tác đầu tiên vào trước thời Tây Chu, lưu hành thời Xuân Thu Chiến quốc, thịnh hành vào thời Hán, đến thời Tam quốc Nguỵ Tấn Nam Bắc triều hơi suy, thời Tuỳ Đường lại phồn vinh, sang thời Ngũ đại Tống Nguyên Minh Thanh lại suy. Trong hơn 4000 năm lịch sử, hình thức và chủ đề hoa văn của gương đồng không ngừng phát triển, hình thành văn hoá gương đồng cổ đại Trung Quốc với nội dung phong phú.
Gương đồng so với với đồ ngọc, đồ đồng xuất hiện tương đối muộn. Nhưng văn hoá gương đồng so với văn hoá đồ ngọc và đồ đồng lại có nội dung thế tục hoá hơn, đây chính là đặc điểm trọng yếu của văn hoá gương đồng.
Trên gương có các loại hoa văn như long văn 龙纹, phụng văn 凤纹, ngư văn 鱼纹, những loại hoa văn này vào thời viễn cổ đều là totem, nhưng trên gương đồng chúng đã mất đi ý nghĩa totem. Long và phụng xuất hiện trên gương đồng chủ yếu dùng để tượng trưng cho cát tường. Còn như ngư văn, phải đến đời Kim mới lưu hành, mọi người lấy ý nghĩa “đa tử (tử)” 多籽 (子) (tức nhiều con), “đa ngư (dư)” 多鱼 (余) (dư dả), hi vọng con cháu xương thịnh, gia nghiệp hưng long.
Trên gương đồng cũng có loại hoa văn nhật nguyệt thiên địa, nó có mối quan hệ sâu xa với quan niệm thiên địa thần linh, nhưng ý nghĩa chủ yếu đã là biểu hiện tri thức tự nhiên của con người. Quy củ văn 规矩纹 (hoa văn có hình tròn và vuông góc) trên gương đồng thời Hán phản ánh nhận thức “thiên viên địa phương” 天圆地方 (trời tròn đất vuông); tinh thần văn 星辰纹 (hoa văn hình ngôi sao) biểu thị tứ phương, tứ thời; liên hồ văn 连弧纹 (hoa văn những đường cong nối liền với nhau) biểu thị ánh sáng mặt trời mặt trăng và bầu trời. Bát quái văn 八卦纹 (hoa văn bát quái) trên gương đồng thời Đường Tống biểu thị sự kết hợp hữu cơ giữa trời đất và con người. Trên gương đồng có lúc còn đúc cả văn tự, như
Nhật nguyệt chi quang, thiên hạ đại minh
日月之光,天下大明
hoặc:
Quang huy tượng phù nhật nguyệt
光辉象夫日月
chủ yếu lấy ý nghĩa tượng trưng mặt trời mặt trăng chiếu sáng.
Hoa văn “Tứ thần” 四神 (Thanh long 青龙, Bạch hổ 白虎, Chu tước 朱雀, Huyền vũ 玄武), và “Thập nhị sinh tiếu” 十二生肖 (chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo) xuất hiện trên gương đồng vào thời Hán, từ thời Tống trở về sau dần biến mất. Nó phản ánh tâm lí người xưa cầu mong thần linh phù hộ và tâm lí xem động vật là loại cát tường. Những hoa văn này còn hàm chứa tri thức về địa lí, tri thức về thời tiết của người xưa, phản ánh trình độ nhận thức của người xưa đối với giới tự nhiên.
Từ sau thời Đường, hoa văn hoa cỏ cây cối trên gương đồng từ địa vị phụ thuộc điểm xuyết đã nghiễm nhiên trở thành vị trí chủ thể. Sau thời thịnh Đường, xuất hiện loại gương bảo tướng hoa 宝相花, gương hoa chi 花枝, chủ yếu lấy hoa cỏ làm hoa văn trang sức. Loại gương hoa điểu, gương thú, gương chim loan đa phần cũng có cây cỏ, động vật thực vật phối hợp nhau mà thành, cùng hiện ra một bức hoạ tươi đẹp nhiều màu sắc. Hoa văn hoa cỏ cây cối ở gương thời Tống trang nhã, trong sáng, đậm hơi thở điền viên.
Hoa văn nhân vật cũng đã được phản ánh trên gương đồng thời Chiến quốc. Người thời Chiến quốc chuộng võ nghệ, trên gương đồng có hình võ sĩ mặc khôi giáp. Thời Hán lưu hành câu chuyện về nhân vật thần tiên như Đông Vương Công, Tây Vương Mẫu, Thiên Hoàng, Ngũ Đế, Câu Mang … xuất hiện trên gương đồng. Hình tượng tiên trên gương đồng gắn liền với những cảnh như đi săn, cưỡi xe, ca múa, phản ánh sự ngưỡng mộ mãnh liệt của con người đối với thế giới thần tiên, mặt khác lại phản ánh sự theo đuổi nhiệt tình của con người đối với thế giới hiện thực. Loại gương có hình cưỡi ngựa đánh cầu thời Đường đã biểu hiện sinh động cảnh thi cưỡi ngựa đánh cầu. Cảnh đá cầu trên gương thời Tống, cảnh phụ nữ dệt vải trên gương thời Kim đều phản ánh những mặt nào đó trong cuộc sống xã hội lúc bấy giờ.
Từ những điều trên có thể thấy, sự phản ánh hiện thực cuộc sống toàn diện và nghệ thuật và sự hướng đến cái đẹp của con người. Đây là nội hàm văn hoá đặc sắc nhất của gương đồng Trung Quốc, biểu hiện rõ nhất là trên gương đồng thời Đường. Do bởi sự phát triển của văn hoá và kinh tế xã hội đương thời, sự giao lưu văn hoá giữa trong và ngoài nước, sự ảnh hưởng tương hỗ giữa các loại văn hoá cấu thành ngày càng mở rộng, khiến cho nội dung văn hoá và trình độ nghệ thuật của gương đồng đã được nâng cao. Ví dụ như “Đối điểu kính” 对鸟镜của thời Đường mà người thời nay ưa thích thịnh hành vào thời kì thịnh Đường và trung Đường (gương này còn có tên là “Song loan hàm thụ kính” 双鸾衔绶镜, được phát hiện tại thôn Cao Lâu 高楼 ở ngoại ô phía đông thành phố Tây An 西安). Thi nhân Lí Hạ 李贺 thời Đường trong bài Mĩ nhân sơ đầu ca 美人梳头歌 đã viết:
Song loan khai kính thu thuỷ quang
Giải hoàn lâm kính (1) lập tượng sàng
双鸾开镜秋水光
解鬟临镜 (1)立象床
(Người đẹp) lấy gương có hình đôi chim loan, gương trong như nước mùa thu
Trước gương đứng trên giường thả tóc
hai câu này đủ để chứng minh. Đối với hình tượng chim ngậm dây biểu hiện nguyện vọng mong cầu cát tường và hạnh phúc của con người lúc bấy giờ. Và “Thú liệp văn kính” 狩猎纹镜 được phát hiện tại mộ Vương gia 王家 ngoại ô phía đông thành phố Tây An đã biểu hiện sinh động tư thế của những thợ săn giục ngựa đuổi theo con hươu. Săn bắn là việc lớn trong cuộc sống xã hội đương thời, do bởi Đường Thái Tông đã đem việc săn bắn xếp ngang cùng với quốc thái dân an, đất nước thống nhất, xem đó là 3 việc lớn và công đức của ông ta, điều này khác với việc sau này xem săn bắn là một thú tiêu khiển. “Tiên kị kính” 仙骑镜phát hiện tại Quách gia than 郭家滩cũng tại ngoại ô phía đông thành phố Tây An, lưu hành vào đời Đường Huyền Tông đến đời Đức Tông, loại gương đồng này là sự phản ánh nghệ thuật tư tưởng thần tiên Đạo giáo của xã hội đương thời. Có thể nói, cuộc sống xã hội mà gương đồng thời cổ phản ánh là vô cùng rộng lớn.
(còn tiếp)
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Trong nguyên tác, ở đây là chữ “sàng” 床:
Giải hoàn lâm sàng lập tượng sàng
解鬟临床立象床
Giải hoàn lâm kính lập tượng sàng
解鬟临镜立象床
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/3/2013
Nguyên tác Trung văn
ĐỒNG KÍNH ĐÍCH VĂN HOÁ GIÁ TRỊ
铜镜的文化价值
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1999.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét