DANH VÀ HIỆU CỦA TỀ BẠCH THẠCH
Thư hoạ gia, triện khắc gia hiện đại nổi tiếng Tề Bạch Thạch 齐白石 (1) sinh năm 1863 trong một gia đình nông dân nghèo tại Bạch Thạch phô 白石铺, huyện Tương Đàm 湘潭 tỉnh Hồ Nam 湖南. Theo gia phả, cha mẹ đặt cho ông tên là Thuần Chi 纯芝, tự Vị Thanh 渭清 (2), tiểu danh là A Chi 阿芝.
Thuần Chi lúc nhỏ rất được bà nội yêu quý, được bà đeo trên cổ một chiếc chuông nhỏ bằng đồng để cầu thần linh bảo hộ bình an. Tề Bạch Thạch rất trân trọng giai đoạn lịch sử này, khi về già ông vẫn còn đeo chiếc chuông đó đồng thời tự khắc chiếc ấn “Bội linh nhân” 佩铃人để tưởng nhớ đến bà nội.
Tề Bạch Thạch lúc nhỏ chẳng được học bao nhiêu, 14 tuổi bắt đầu học nghề mộc. Nhưng ông thông minh hiếu học, những lúc rỗi liền tranh thủ đọc sách, luyện viết chữ, vẽ tranh,do bởi cố gắng chịu khó nên tiến bộ rất nhanh, đặc biệt là về hội hoạ, ông đã đem nghệ thuật hội hoạ dung hợp vào chạm trổ điêu khắc, khiến tác phẩm điêu khắc của ông sinh động truyền thần, khác với những người thợ bình thường. Từ đó ông bắt đầu nổi tiếng.
Năm 27 tuổi, Tề Bạch Thạch được vị Tú tài thôn bên cạnh là Hồ Thấm Viên 胡沁园 quý trọng. Nhìn thấy tài năng hơn người của ông, nếu được bồi dưỡng nhất định sẽ thành tài, Hồ Thấm Viên quyết định nhận ông làm đồ đệ để bồi dưỡng thêm. Hồ Thấm Viên mời đến một vị thầy dạy học tên là Trần Thiếu Phiên 陈少蕃, đồng thời nhờ thầy đặt cho ông một tên hiệu. Một ngày nọ, Hồ Thấm Viên nói với Trần Thiếu Phiên rằng:
Theo tập tục xưa, khi dạy học cần đặt cho Thuần Chi một tên hiệu. Đặt tên “Hoàng” 璜, lấy tự là “Tần Sinh” 濒生, thầy xem thử như thế nào?
Trần Thiếu Phiên tán thành, khen tên đẹp, nói rằng “Hoàng” là miếng ngọc hình bán nguyệt đeo bên người vào thời cổ, gọi là “bán bích” 半璧, mang ý nghĩa phú quý. “Tần Sinh” ngụ ý “Tương giang chi tân sinh, Tương giang chi tân trưởng” 湘江之滨生, 湘江之滨长 (sinh ra bên bờ sông Tương, lớn lên bên bờ sông Tương), rất có ý nghĩa.
Bạch Thạch Sơn Nhân 白石山人là biệt hiệu của ông, nguồn gốc của biệt hiệu này có 2 thuyết:
- Tề Bạch Thạch tự đặt cho mình. Thuyết này cho rằng Tề Bạch Thạch rất yêu thích quê nhà Bạch Thạch Phô, nơi đây không có núi sông nổi tiếng, tuy phong cảnh chất phác không hoa lệ nhưng rất đẹp, vì thế ông đã lấy địa danh đặt biệt hiệu cho mình.
- Biệt hiệu này cũng là do Hồ Thấm Viên đặt cho. Tề Bạch Thạch rất thích biệt hiệu này, phần lạc khoản trong những bức thư hoạ của ông sau này đều dùng biệt hiệu này. Từ 50 tuổi trở đi, ông bắt đầu tự xưng là “Bạch Thạch Sơn Ông” 白石山翁, về già lại xưng là “Bạch Thạch Lão Nhân” 白石老人, và ông cũng đã đổi tên thành Tề Bạch Thạch.
Tề Bạch Thạch còn có một nhã hiệu khác đó là “Tam Bách Thạch Ấn Phú Ông” 三百石印富翁. Nhã hiệu này gắn với tinh thần khắc khổ luyện tập triện khắc của ông. Khi Tề Bạch Thạch luyện triện khắc, từng học với triện khắc đại gia Lương Thiết An 粱铁安 để nâng cao trình độ. Lương Thiết An bảo ông ông đến Nam Tuyền Xung 南泉冲 gánh một gánh “Sở thạch” 楚石 đem về khắc rồi mài, đợi đến khi nào mài thành bùn lúc đó công phu đã thành. Tề Bạch Thạch theo lời của Lương Thiết An, lấy về rất nhiều đá, khắc xong đem mài, mài xong lại khắc cục khác, cho đến khi bùn đá tràn cả nhà, cuối cùng cũng luyện được. Đối với khoảng thời gian này ông rất có cảm tình nên đã đặt cho mình nhã hiệu đó.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TỀ BẠCH THẠCH 齐白石(1864 – 1957): quốc hoạ gia đương đại của Trung Quốc, vốn tên Tề Thuần Chi 齐纯芝, tự Vị Thanh 渭清 người huyện Tương Đàm 湘潭 tỉnh Hồ Nam 湖南. Tổ phụ đặt cho hiệu là Lan Đình 兰亭; thầy dạy đặt cho tên là Tề Hoàng 齐璜, hiệu Tần Sinh 濒生, biệt hiệu là Kí Bình Lão Nhân 寄萍老人, Bạch Thạch Sơn Nhân 白石山人. Tề Bạch Thạch và Trương Đại Thiên 张大千đều nổi tiếng, người đời gọi 2 ông là “Nam Trương Bắc Tề”.
Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki(2)- Trong nguyên tác in nhầm tên tự của Tề Bạch Thạch là chữ 谓 (bộ "ngôn").
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/3/2013
Nguyên tác Trung văn
TỀ BẠCH THẠCH ĐÍCH DANH HOÀ HIỆU
齐白石的名和号
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét