About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tập tục treo bồ ngải, đeo túi thơm ....

TẬP TỤC TREO BỒ NGẢI, ĐEO TÚI THƠM
TRONG NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

          Trong ngày tết Đoan ngọ, ngoài tục ăn bánh tống, đua thuyền rồng ra, trong dân gian  còn có tập tục treo nhánh bạch ngải và xương bồ. Ngải là loại thực vật họ cúc, Trung y dùng ngải làm vị thuốc có thể khử đờm tiêu viêm, sau khi phơi khô đốt lên sẽ xua đuổi được côn trùng. Xương bồ 昌蒲 cũng là loại thực vật, phần rễ có thể dùng làm hương liệu.
          Dân gian cho rằng tháng 5 âm lịch là “độc nguyệt” 毒月, ngày mồng 5 lại là “độc nhật” 毒日, có thuyết “ngũ độc” 五毒, tức rắn, rết, bò cạp, thằn lằn, cóc. Tránh ngũ độc cũng là ước muốn ban đầu mỗi khi đến tết Đoan ngọ. Lúc này đang là đầu mùa Hạ, nhiều mưa, ẩm thấp, trùng độc sinh sôi, con người rất dễ bị bệnh. Mọi người đem lá ngải kết thành hình con hổ, theo truyền thuyết, hổ có thể uy nhiếp được bách trùng, xua đuổi ôn dịch; hoặc đem lá ngải treo giữa nhà, hoặc dán cùng với giấy cắt thành hình con hổ, phụ nữ đua nhau mang bên người để trừ tai khử độc. Truyền thuyết cũng cho rằng, hình dạng của xương bồ giống mũi tên, có thể đuổi quỷ trừ tà, mọi người lấy xương bồ làm thành hình mũi tên cài trên cửa, vì thế khi đến tết Đoan ngọ, nhà nhà đều treo lá ngải và xương bồ lên cửa, trở thành một tập tục lưu truyền từ đời này sang đời khác mãi cho đến ngày nay.
          Túi thơm (hương bao 香包) là vật phẩm nghệ thuật dân gian quan trọng trong ngày tết Đoan ngọ. Trong túi thơm ở thời kì đầu đựng hùng hoàng 雄黄, thương thuật 苍术, mọi người đeo nó trước ngực hoặc treo trong phòng nhằm để đuổi trùng độc, xua tan khí ô trọc, làm sạch môi trường. Nguồn gốc của túi thơm có thể truy ngược đến thời Tiên Tần, lúc bấy giờ nó được xem như là một loại trang sức, tiêu chí cho phụ nữ đã lập gia đình. Thời Nam Bắc triều, xuất hiện “hương đại” 香袋, “hương nang” 香囊, là vật đeo của của các quan khi ra vào cung, cũng dùng làm vật trang sức trong nhà của bách tính. Thời Đường Tống, trong túi thơm đã đựng hương liệu và dược vật, tương tự như túi thơm cận đại. từ đời Thanh trở đi, trẻ em đeo túi thơm trước ngực vào ngày tết Đoan ngọ trở nên phổ biến. Túi thơm hiện đại đa phần để trang sức. Vào dịp tết Đoan ngọ, phụ nữ thi nhau làm túi thơm, là cơ hội để đua tài, từ phương bắc cho đến các vùng nông thôn trong cả nước đều có thể thấy túi thơm với những hình dáng khác lạ cùng những phụ kiện đi kèm.
          Ngày tết Đoan ngọ, có nơi mọi người còn uống rượu hùng hoàng, hoặc đem rượu hùng hoàng rưới trên mặt đất, bôi lên thân thể, hoặc dùng rượu hùng hoàng vạch một chữ “vương” lên trán trẻ con, dùng hình con hổ để trấn ngũ độc, phụ nữ còn may những túi thơm hình con hổ, hình em bé, hình tim gà, hình bánh tống, hình củ ấu, hình trái cầu; cũng có loại có hình con hổ, hình quả bầu, hình ngũ độc, bên trong đựng hùng hoàng, lá ngải, hương liệu, dùng chỉ ngũ sắc đeo trước ngực trẻ con để mong đuổi tà tránh dịch, cũng có người dùng chỉ ngũ sắc quấn ở cổ trẻ con, hoặc cột ở tay, cổ chân, tượng trưng rồng ngũ sắc. Trong tục cũ còn thấy, hễ gặp trời mưa thì quăng dây ngũ sắc đi, ý là để rồng cưỡi nước đi trừ tai ương tật bệnh; người lớn còn cho trẻ con mang giày hình con hổ, đeo yếm hình con hổ, họ cho rằng như thế có thể tránh được cái hại ngũ độc … Ý nghĩa ban đầu của những tập tục này đều là xua đuổi tà ma, trải qua thời gian dài lưu truyền và diễn biến, đến nay những tập tục đó đều mang hàm nghĩa thẩm mĩ vui chơi, chúc phúc nạp cát.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 03/6/2014

Nguyên tác Trung văn
QUẢI BỒ NGẢI, ĐỚI HƯƠNG BAO
挂蒲艾, 戴香包
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét